 |
Doanh nghiệp treo băng-rôn hưởng ứng Tháng hành động ATVSTP. |
Từ ngày 15-4 đến 15-5-2010, trên toàn tỉnh đã diễn ra “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2010 (Tháng hành động VCLVSATTP), với chủ đề “Giữ vững cam kết về trách nhiệm của doanh nghiệp đối với an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Hai nội dung trọng tâm của Tháng hành động là chiến dịch truyền thông bảo đảm ATVSTP với đối tượng chủ yếu là người sản xuất và người tiêu dùng thực phẩm, đồng thời, tiến hành thanh tra, kiểm tra liên ngành việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng ATVSTP.
Bà Cao Thanh Diễm Thúy, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết: Trong Tháng hành động, chiến dịch truyền thông bảo đảm VSATTP được chú trọng triển khai thực hiện, đã góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp và người tiêu dùng trong việc sản xuất, chế biến, kinh doanh và lựa chọn thực phẩm đảm bảo điều kiện ATVS. Các hoạt động chính của chiến dịch truyền thông là nói chuyện chuyên đề (592 buổi với 9.837 người tham dự), tập huấn (13 buổi với 830 người tham dự), phát băng thông điệp “Tháng hành động năm 2010” 1.354 lần trên đài truyền thanh cấp xã, thực hiện phỏng vấn trên Đài PT-TH Bến Tre, thực hiện 1 phóng sự về Tháng hành động, in 220 băng-rôn, khẩu hiệu nội dung hưởng ứng Tháng hành động, 171 băng đĩa âm, 1 đĩa hình… Một điểm mới trong việc tuyên truyền là ngoài việc treo băng-rôn, khẩu hiệu hưởng ứng Tháng hành động ở những nơi công cộng, năm nay còn tiến hành treo tại cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống. Điều này thể hiện tinh thần tự giác chấp hành quy định VSATTP của doanh nghiệp trong hoạt động hàng ngày của mình.
Song song với hoạt động truyền thông, Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành và đoàn chuyên ngành gồm các thành viên thuộc Thanh tra Sở Y tế, Chi cục ATVSTP; ngoài ra, ở tuyến huyện, tuyến xã cũng có những đoàn kiểm tra liên ngành, tổng cộng có 148 đoàn. Các đoàn kiểm tra của tỉnh, huyện, xã đã tiến hành thanh, kiểm tra 3.716 cơ sở; trong đó có 297 cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm, 969 cơ sở kinh doanh tiêu dùng, 2.367 cơ sở dịch vụ ăn uống và 83 bếp ăn tập thể. Đối tượng chủ yếu của việc thanh, kiểm tra là những cơ sở hoạt động loại hình có nguy cơ nhiễm khuẩn cao (thạch dừa, sản xuất nước, thức ăn đường phố…) và những cơ sở trước đây từng nhiều lần vi phạm. Kết quả kiểm tra, có 1.147 cơ sở vi phạm; chủ yếu là dịch vụ ăn uống (798 cơ sở), kế đến là kinh doanh tiêu dùng (236 cơ sở); sản xuất chế biến thực phẩm (86 cơ sở) và bếp ăn tập thể (27 cơ sở). Ông Võ Hồng Khanh - Chánh Thanh tra Sở Y tế cho biết: “Vi phạm thường tập trung ở những quy định về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, việc tổ chức khám sức khỏe cho người trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm, tập huấn kiến thức ATVSTP, chứng nhận đủ điều kiện VSATTP, sử dụng phụ gia ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế, lưu mẫu không đúng quy định”. Đoàn kiểm tra đã tiến hành phạt tiền 136 cơ sở, số tiền hơn 83,9 triệu đồng; cảnh cáo 884 cơ sở; tiêu hủy 17,5 kg chả lụa có hàn the, 14 kg bánh kẹo các loại, 300 cây nước đá không có clor dư, 2,5 kg lạp xưởng hết hạn sử dụng và nhắc nhở 127 cơ sở. Đáng tiếc là năm nay, trong thời gian diễn ra Tháng hành động, đã xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm: tại bếp ăn tập thể Công ty Cổ phần may Alliance-One (Châu Thành) với 186 nạn nhân; 3 người ngộ độc do ăn phải thực phẩm có chất độc (sam luộc), đã có 2 cas tử vong (Thạnh Phú).
Đánh giá về hiệu quả của Tháng hành động vì chất lượng ATVSTP, ông Trần Văn Mướt, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho rằng: “Năm nay, doanh nghiệp đã có trách nhiệm hơn trong việc sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Người tiêu dùng ngày càng trở nên sáng suốt khi lựa chọn thực phẩm đảm bảo chất lượng, vệ sinh”. Sau Tháng hành động, những hoạt động thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm, tổ chức tập huấn tuyên truyền pháp luật về ATVSTP vẫn tiếp tục được thực hiện.