Kinh tế Thạnh Phú phục hồi, tăng trưởng trở lại

20/06/2022 - 05:47

BDK - Trong 6 tháng đầu năm 2022, mặc dù đối mặt với một số khó khăn, thách thức, nhưng nhìn chung kinh tế - xã hội huyện Thạnh Phú có nhiều khởi sắc so với cùng kỳ năm 2021. Kinh tế từng bước phục hồi và tăng trưởng trở lại.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, huyện Thạnh Phú đón trên 112 ngàn lượt khách đến tham quan du lịch.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, huyện Thạnh Phú đón trên 112 ngàn lượt khách đến tham quan du lịch.

Nuôi trồng thủy sản có sự phát triển tốt do điều kiện nuôi khá thuận lợi. Tổng diện tích nuôi thủy sản ước khoảng 16.100ha, đạt trên 88% kế hoạch, tăng 1,9% so với cùng kỳ. Trong đó, diện tích tôm thâm canh thả nuôi ước đến cuối tháng 6-2022 khoảng 1.400ha (khoảng 800ha nuôi 2, 3 giai đoạn, nuôi tôm công nghệ cao - CNC), đạt 40% kế hoạch, tăng 27,27% so với cùng kỳ.

Tổng sản lượng nuôi thủy sản trong 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 11.560 tấn, đạt 38,41% kế hoạch, tăng 6,18% so với cùng kỳ. Huyện đang vận động thành lập hợp tác xã nuôi tôm CNC (chủ yếu trên địa bàn các xã Giao Thạnh, Thạnh Phong và Thạnh Hải) để làm nòng cốt trong quá trình thực hiện kế hoạch phát triển 1.500ha tôm CNC.

Diện tích trồng dừa khoảng 7.665ha, tăng 1,44% so với cùng kỳ. Sản lượng thu hoạch khoảng 33,1 triệu trái, tăng 6,7% so với cùng kỳ. Chăn nuôi tiếp tục phát triển theo hướng chất lượng và hiệu quả. Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, nhằm tạo sản phẩm sạch, chất lượng cho người tiêu dùng. Công tác phòng chống dịch bệnh được đảm bảo, không có dịch bệnh nguy hiểm xảy ra. Người dân đang có xu hướng tái đàn nhiều, nhất là đàn heo. Tổng đàn có sự tăng trưởng tương đối ổn định.

Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) 6 tháng đầu năm 2022, ước khoảng 120 tỷ đồng, đạt 36,3% kế hoạch và tăng 6,2% so với cùng kỳ. Công tác khuyến công tiếp tục được quan tâm. Các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp được duy trì và có sự gia tăng như: ghế nhựa, chổi cọng dừa, nước đá, sơ chế thủy hải sản. Tiếp tục hỗ trợ nhà đầu tư khảo sát, triển khai các dự án công nghiệp trọng tâm như: Nhà máy điện gió số 5 Tân Hoàn Cầu, Nhà máy điện gió Nexif Energy, Nhà máy điện gió Thanh Phong…

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội ước 1.664 tỷ đồng, đạt 58,8% kế hoạch, tăng 7,2% so với cùng kỳ. Hoạt động kinh doanh, thương mại trên địa bàn huyện tiếp tục phát triển khá mạnh.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, các chương trình, kế hoạch khẩn trương được triển khai theo sự chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện. Đặc biệt là thực hiện các nội dung cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa các ngành và địa phương trong việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, nhất là các thủ tục chuẩn bị đầu tư, đền bù, giải phóng mặt bằng. Tỷ lệ nợ thuế của doanh nghiệp và hộ kinh doanh mặc dù được tập trung thu nhưng hiệu quả chưa cao.

Thông tin từ UBND huyện, nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2022, huyện sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, mời gọi, thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển công nghiệp. Hỗ trợ nhà đầu tư khảo sát lập Dự án Cụm công nghiệp thị trấn Thạnh Phú với diện tích 73ha. Đẩy nhanh tiến độ các dự án điện gió số 5 (Nhà máy Thạnh Hải 2, 3, 4), điện gió Nexif Energy Bến Tre, điện gió Thanh Phong và một số dự án trọng điểm khác. Thu hút đầu tư hạ tầng thương mại, hệ thống phân phối, bán lẻ và nâng cấp chợ nông thôn, kêu gọi đầu tư chợ Giồng Bảy, xã An Nhơn; hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các thủ tục đầu tư dự án xây dựng, kinh doanh chợ Giồng Chùa, xã Mỹ Hưng, chợ An Điền và chợ Thạnh Hải; hỗ trợ nhà đầu tư vận hành, khai thác có hiệu quả Trung tâm thương mại và các chợ của khu dân cư thị trấn Thạnh Phú; xây dựng phương án đầu tư khu dân cư kết hợp Trung tâm thương mại Khém Thuyền. Kêu gọi đầu tư Làng Văn hóa du lịch Thạnh Hải - Thạnh Phong.

Hoạt động du lịch từng bước có sự phục hồi đáng kể. Lượng khách du lịch trong 6 tháng đầu năm khoảng 112.150 lượt, tăng 47,7% so với cùng kỳ. Huyện đã đề xuất thực hiện đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh, với nội dung nghiên cứu xây dựng Đề án Làng Văn hóa du lịch biển huyện Thạnh Phú đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, nhằm xây dựng chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển chung của du lịch Thạnh Phú, góp phần quan trọng trong công tác giải quyết những vấn đề đặt ra trong phát triển du lịch trên địa bàn huyện hiện nay. Đồng thời, huyện khảo sát tiềm năng du lịch và sản phẩm OCOP tại xã Đại Điền và Phú Khánh.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN