|
Lãnh đạo huyện tham quan mô hình kinh tế trang trại. |
Xác định kinh tế trang trại là một trong những loại hình chủ yếu trong phát triển kinh tế nông nghiệp, trong những năm qua, nhiều nông dân đã mở rộng qui mô phát triển kinh tế trang trại, khai thác có hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và đẩy nhanh tiến độ phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn theo hướng toàn diện và bền vững.
Theo số liệu thống kê, huyện Mỏ Cày Bắc hiện có tổng đàn heo trên 95 ngàn con, sản lượng xuất chuồng hàng năm khoảng 18 ngàn đến 20 ngàn tấn (là huyện có tổng đàn heo lớn nhất, nhì của tỉnh), đàn bò gần 10 ngàn con, gia cầm trên 602 ngàn con. Trong đó, có khoảng 75 hộ chăn nuôi, với quy mô lớn theo hướng trang trại. Qua đăng ký và kiểm tra, thẩm định, huyện đã cấp giấy chứng nhận 15 trang trại đạt tiêu chuẩn (chủ yếu là trang trại chăn nuôi heo). Trung bình mỗi trang trại nuôi nhiều có từ 40 đến 60 heo nái và từ 400 đến 700 heo thịt thương phẩm; trang trại nuôi ít cũng có từ 20 đến 40 heo nái và 200 đến 400 heo thịt thương phẩm.
Nhìn chung, các trang trại chăn nuôi đều làm ăn có hiệu quả, khai thác được nguồn nhân lực, tiềm năng thế mạnh của địa phương, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giúp nhiều hộ nông dân vươn lên làm giàu. Trang trại của ông Lương Tấn Long (xã Thành An) là một trong những mô hình trang trại điển hình. Là một cán bộ thú y, có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề chăn nuôi, cùng với ý chí vượt khó vươn lên làm giàu, qua hơn 10 năm xây dựng, đến nay trang trại của ông được xếp vào hạng trang trại qui mô lớn của huyện. Trung bình mỗi năm ông cho xuất chuồng 3 lần, tổng sản lượng trên 170 tấn, tổng doanh thu từ 7 đến 8 tỷ đồng, trừ đi các khoản chi phí ông còn lợi nhuận từ 500 đến 700 triệu đồng. Ông còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 6 đến 8 lao động, với mức thu nhập từ 2,5 triệu đến 3 triệu đồng/người/tháng. Nói về kinh nghiệm chăn nuôi heo, ông Long cho biết: “Người nuôi phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại, chăm sóc đàn heo, nhất là lúc heo còn nhỏ, tiêm phòng đầy đủ, giữ gìn vệ sinh môi trường và giữ nhiệt độ cho chuồng trại hợp lý”. Hiện nay, ông Long đã đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố chia làm 3 khu vực riêng biệt: khu nuôi heo nái sinh sản, khu nuôi heo con sau khi tách mẹ và khu nuôi heo thịt.
Với ý nghĩ thay đổi cách chăn nuôi nhỏ lẻ, năm 2004, anh Võ Văn Hùng (xã Thành An), bắt đầu phát triển nghề chăn nuôi heo với qui mô lớn. Ban đầu anh chỉ tập trung nuôi heo thịt, nhưng đến năm 2006 anh có một đàn heo nái sinh sản tốt cung cấp con giống cho trang trại của mình và bà con chăn nuôi trong khu vực. Từ đó đến nay, anh luôn duy trì đàn heo nái khoảng 60 con, trung bình mỗi năm cung cấp cho thị trường 1.000 - 1.200 heo con. Mỗi năm anh thu lợi nhuận trên 500 triệu đồng. Nhờ mô hình khép kín, anh Hùng đã chủ động được con giống và phát triển trang trại, vươn lên làm giàu.
Trong khi nhiều hộ chăn nuôi ở xã Tân Phú Tây bỏ chuồng trại, vì cho rằng nuôi heo không có lời, thì trang trại nuôi heo của bà Lê Thị Cúc không ngừng được mở rộng quy mô. Đây là mô hình nuôi heo trang trại theo hướng khép kín, chủ động hoàn toàn về con giống (heo nái sinh sản bao nhiêu, bà giữ lại nuôi hết bấy nhiêu). Trong ba năm gần đây, bình quân mỗi năm gia đình bà Cúc xuất bán từ 800 đến 1.000 heo thịt thương phẩm, thu về lợi nhuận từ 300 đến 500 triệu đồng.
Từ nguồn lợi nhuận thu được hàng năm, ông Đỗ Văn Chính (xã Tân Bình) đã đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ sản xuất, chăn nuôi cho trang trại của mình. Đặc biệt, ông đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, coi trọng việc phòng ngừa dịch bệnh, thực hiện đầy đủ các cam kết về bảo vệ môi trường, xây dựng hầm biogas, xử lý mùi hôi chất thải, giảm ô nhiễm môi trường.
Mô hình kinh tế trang trại của huyện Mỏ Cày Bắc phát triển đã góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác, đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, giúp nông dân vươn lên làm giàu; giải quyết được vấn đề gây ô nhiễm môi trường, từng bước thực hiện hiệu quả các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.