Chợ Lách tích cực phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai

09/09/2012 - 14:20
Những đê bao như thế này rất hiệu quả trong việc ngăn lụt, được người dân tự vận động và thực hiện.

Trong thời gian qua, trên địa bàn huyện Chợ Lách, tình hình thời tiết diễn biến ngày càng bất thường và phức tạp. Để góp phần giúp người dân phòng, chống, hạn chế và khắc phục hậu quả của thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch cũng như phổ biến rộng rãi trong cộng đồng dân cư về kiến thức phòng, chống, ứng phó với thiên tai…

Các loại thiên tai thường xuất hiện ở Chợ Lách như: lốc xoáy, triều cường, mưa lớn, sạt lở bờ sông đã làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, đời sống, sinh hoạt của người dân và một số doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Điển hình như trong năm 2011, đỉnh cao triều cường đã làm nhiều vùng trũng thấp bị ngập úng, một số vùng ven sông, rạch và nhiều tuyến đường giao thông bị xuống cấp, gây thiệt hại kinh tế khoảng 25 tỷ đồng. Diện tích đất nông nghiệp bị ngập trên 5,8 ngàn ha (trong đó cây ăn trái chết 1,8 ha), đường giao thông nông thôn (đường bê-tông và đường cát) bị sạt, sụp với chiều dài trên 50km. Song song đó, tình hình mặn xâm nhập sâu vào địa bàn huyện cũng đã gây thiệt hại nặng về kinh tế của bà con nông dân. Trong năm 2011, đợt mặn xâm nhập đo được từ 1 đến 4%o đã làm trên 300 ha cây ăn trái, 418 ngàn cây giống bị chết, giảm năng suất hoặc không phát triển, gây thiệt hại gần 10 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2012 đến nay, Chợ Lách hứng chịu 3 cơn lốc xoáy làm sập nhiều căn nhà, ngã đổ nhiều cây ăn trái… với tổng mức thiệt hại ước trên 5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, với sự chủ động, chỉ đạo sát sao và kịp thời của lãnh đạo huyện cũng như sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ của Ban Chỉ huy với các xã, Thị trấn, một số ban, ngành liên quan nên đã khắc phục có hiệu quả những thiệt hại, góp phần ổn định cuộc sống người dân. Đặc biệt, sự quyết tâm chỉ đạo tích cực và chủ động theo phương châm “4 tại chỗ” (gồm: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ và phương tiện tại chỗ) trong phòng ngừa, ứng phó của các cấp ủy và chính quyền địa phương đã góp phần làm giảm thiểu thiệt hại, tổ chức phòng, tránh kịp thời, an toàn và khắc phục hậu quả tác động của thiên tai trong thời gian ngắn nhất.

Ông Nguyễn Văn Tu Rê - Chủ tịch UBND xã Tân Thiềng cho biết: Trong đợt lốc xoáy vừa qua, trên địa bàn xã cũng có hộ bị hư hại về nhà cửa. Sau khi nắm tình hình và xác định mức độ thiệt hại, trong lúc chờ sự hỗ trợ từ cấp trên, địa phương đã nhanh chóng tạo điều kiện cho hộ bị thiệt hại có điều kiện xây lại nhà cửa, thông qua việc bảo lãnh mua vật tư thiếu.

Để góp phần hạn chế đến mức thấp nhất những tác động của các loại thiên tai, như: hiện tượng triều cường và nước mặn xâm nhập… huyện đã dần hoàn thiện các công trình chống ngập, chống sạt lở cũng như đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình phòng, chống lụt, bão, đê bao kết hợp giao thông nông thôn. Đồng thời, ngay trước mùa mưa bão, Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện bổ sung hoàn chỉnh và triển khai các phương án phòng, chống, ứng phó thiên tai đến cấp huyện, xã và thị trấn cùng với kịch bản tổ chức sơ tán, di dời dân đến nơi an toàn khi xảy ra lụt, bão... Ngoài ra, huyện cũng đã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, cảnh báo kịp thời bằng các hình thức thích hợp để nâng cao ý thức trách nhiệm, tự giác trong cộng đồng để tránh chủ quan, lơ là trong phòng chống, ứng phó thiên tai.

Theo dự báo của ngành chức năng, tình hình thời tiết trên địa bàn Chợ Lách có nhiều diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Vì thế, Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện chủ động đề ra nhiều chương trình, kế hoạch trọng tâm để triển khai thực hiện. Theo đó, một trong những công việc mà Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện tập trung thực hiện là triển khai kế hoạch thực hiện Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng trên địa bàn huyện. Trong đó tập trung tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng, chống, ứng phó với thiên tai ở các khu vực xung yếu, đông dân cư. Ngoài ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện tiến hành trồng cây chắn sóng, bảo vệ bờ bao, đê bao, kè và bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn huyện…

Bài, ảnh: Quốc Hùng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN