Chuyển giao mô hình trồng nấm bào ngư cho nông dân

12/09/2011 - 08:47
Niềm vui thu hoạch nấm bào ngư Nhật của hộ ông Phạm Văn Tính (Châu Thành). Ảnh: V.T

Bến Tre là vùng nông nghiệp, cho nên có nhiều nguồn phế phẩm được tận dụng để trồng nấm vừa tạo thêm việc làm, vừa tăng thu nhập cho người dân. Để làm được điều này, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ (Trung tâm) đã nghiên cứu, chuyển giao và trồng thử nghiệm thành công nhiều loại nấm ăn, nấm dược liệu. Đối với nấm ăn, thì nấm bào ngư là một trong những loại nấm thích hợp với điều kiện tự nhiên tại Bến Tre và cho năng suất cao.

Nấm bào ngư có 39 loài khác nhau về màu sắc, hình dạng như nấm bào ngư trắng, bào ngư tím, bào ngư xám…, có hình dạng phễu lệch, mọc thành cụm, mỗi cánh nấm gồm 3 phần: mũ, phiến và cuống. Khi trưởng thành, nấm sẽ phát tán bào tử nhờ gió, bào tử gặp điều kiện môi trường thích hợp sẽ nảy mầm thành hệ sợi sơ cấp với một nhân. Các sợi sơ cấp phát triển đầy đủ tạo nên hệ sợi nấm thứ cấp, sau đó có sự kết hợp của hệ sợi nấm thứ cấp hình thành quả thể nấm hoàn chỉnh.

Đặc tính sinh học của nấm bào ngư là có thể trồng quanh năm nhưng thuận lợi nhất là từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ thích hợp nhất 13 - 200C (nhóm chịu lạnh), 24 - 280C (nhóm chịu nhiệt). Độ ẩm cơ chất trồng nấm từ 60-65%, độ ẩm không khí lớn hơn 75%. Cơ chất trồng nấm và nước tưới cần pH=6,6-7. Ánh sáng thì không cần thiết trong thời kỳ nuôi sợi, khi nấm hình thành quả thể cần ánh sáng khuếch tán (100-200 lux - đọc sách được trong phòng). Trong giai đoạn nuôi sợi phải được thông thoáng, khi quả thể nhú lên, nồng độ CO2 nhỏ hơn 0,03% .

 

Nhiều người trồng nấm cho biết, nấm bào ngư trồng không khó, chăm sóc cũng dễ dàng, thích hợp cho lao động nhàn rỗi, ít đất tại địa phương.
 

Theo các kết quả thực nghiệm, Trung tâm đã chuyển giao thành công một số mô hình trồng nấm tại huyện Giồng Trôm, Châu Thành. Các hộ trồng nấm bước đầu đạt kết quả khả quan, điển hình là ông Nguyễn Hồng Xinh (Giồng Trôm) trồng 4.000 phôi với năng suất là 817kg/2.000 phôi, năng suất trung bình: 408,5g/bịch; ông Phạm Văn Tính (Châu Thành) với 4.000 phôi cho năng suất 605kg/2.000 phôi, năng suất trung bình: 302g/bịch phôi. Với giá phôi hiện nay, từ 3,6-3,7ngàn đồng/phôi và giá bán nấm thương phẩm từ 26-28 ngàn đồng/kg thì sau 2 đến 2 tháng rưỡi, nông dân thu lãi từ 9,54 triệu đến 15,476 triệu đồng trên diện tích 15m2.

Trong giai đoạn chuyển giao, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm thường xuyên theo dõi và hướng dẫn, xử lý một số sự cố trong quá trình trồng và chăm sóc. Hiện nay, Trung tâm tận dụng nguồn phế phẩm như: mạc cưa, bã mía và phối trộn thêm một số nguyên liệu cho ra phôi chất lượng, năng suất cao. Nhờ đó, Trung tâm nhận đơn đặt hàng làm phôi của nhiều hộ dân trong tỉnh ngày một nhiều hơn. Bởi, nấm không chỉ là món ăn giàu dinh dưỡng mà nghề trồng nấm càng được chú ý hơn trong thời gian tới vì đã mang lại nguồn thu nhập khá hấp dẫn.

 

 

Văn Thông

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích