Ðẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

15/06/2020 - 07:07

BDK - Huyện Mỏ Cày Bắc đã triển khai các giải pháp đồng bộ đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN - TTCN) theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng với các ngành nghề thân thiện với môi trường, góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động nông thôn.

Phơi chỉ xơ dừa. Ảnh: Thu Duyên

Phơi chỉ xơ dừa. Ảnh: Thu Duyên

Tăng dần tỷ trọng

Phó trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Nguyễn Thanh Vũ cho biết, những năm qua, huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp về quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển CN - TTCN, tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) về hành lang pháp lý, có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và khuyến khích DN mở rộng sản xuất, đổi mới thiết bị, công nghệ thân thiện với môi trường.

Huyện tích cực duy trì, phát triển các ngành nghề truyền thống của địa phương, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Nhờ đó, giá trị sản xuất ngành CN - TTCN của huyện thời gian qua đều đạt và vượt kế hoạch, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng CN - TTCN và dịch vụ, tạo nhiều việc làm và thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần giảm nghèo.

Đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020, toàn huyện có 950 cơ sở sản xuất. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỷ trọng CN - TTCN từ 23,3% tăng lên 29,03%. Giá trị sản xuất tăng trưởng bình quân đạt 15,02%/năm (so với nghị quyết 8,1%). Trong đó, các mặt hàng như: may mặc, đan ghế dây nhựa, hàng thủ công mỹ nghệ, hạt điều, chỉ xơ dừa, thạch dừa và các sản phẩm khác sử dụng nguyên liệu từ dừa có mức tăng khá.

Thời gian qua, huyện phối hợp với ban, ngành tỉnh đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, mời gọi đầu tư. Một số DN kinh doanh các ngành hàng xuất nhập khẩu đã thuê đất, xây dựng nhà xưởng và đi vào hoạt động. Nổi bật là Công ty cổ phần Dừa Bến Tre, công suất 8,4 ngàn tấn sản phẩm/năm (xã Thanh Tân); Công ty TNHH MTV đan ghế (xã Hòa Lộc); Công ty TNHH may mặc Ming Đa Việt Nam (Phước Mỹ Trung) với công suất 200 ngàn sản phẩm/tháng… đã góp phần đáng kể vào giải quyết việc làm, tăng nhanh giá trị sản xuất của ngành và kim ngạch xuất khẩu ước đạt 24 triệu USD vào năm 2020.

Huyện quan tâm thực hiện công tác khuyến công, đã hỗ trợ vốn, đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật với tổng kinh phí trên 3,31 tỷ đồng. Tiến hành quy hoạch Cụm công nghiệp (CCN) Tân Thành Bình quy mô 33ha, định hướng mở rộng lên 74ha. Đặc biệt, những năm gần đây, thực hiện Chương trình “Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển DN”, nhiều cơ sở sản xuất đã mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, sức cạnh tranh sản phẩm và phát triển lên DN. Toàn huyện hiện có 189 DN và 1.052 cơ sở sản xuất TTCN (tăng 81 DN và 102 cơ sở so với đầu nhiệm kỳ), tạo việc làm cho 20.500 lao động. Các làng nghề được duy trì và phát triển, cụ thể là các làng nghề hoa kiểng, cây giống ở xã Hưng Khánh A, Thạnh Ngãi, Phú Mỹ, Thanh Tân; làng nghề CN - TTCN xã Khánh Thạnh Tân.

Ưu tiên ngành nghề thế mạnh

Xác định CN - TTCN phát triển một cách bền vững và lâu dài sẽ góp phần giảm nghèo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của địa phương, huyện đã có những định hướng cụ thể, mang tính bền vững; trong đó, ưu tiên phát triển các ngành nghề có thế mạnh trên địa bàn.

Phó trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Nguyễn Thanh Vũ cho biết, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện tiếp tục đẩy mạnh CN - TTCN để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Cụ thể, tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch khu CN Thanh Tân, mở rộng CCN Tân Thành Bình và quy hoạch xây dựng mới CCN Thanh Tân, Hòa Lộc. Quản lý các CCN đúng theo quy hoạch, ưu tiên thu hút đầu tư các ngành công nghệ cao, ít ô nhiễm môi trường.

Huyện cũng sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, quan tâm hỗ trợ các nhà đầu tư sau khi được cấp phép đầu tư nhanh chóng triển khai xây dựng và sớm đưa công trình vào hoạt động. Tăng cường khuyến công, phát triển Chương trình “Mỗi làng một sản phẩm”, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động địa phương để đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và giải quyết việc làm. Phấn đấu giá trị sản xuất tăng 14,13%/năm.

Đẩy mạnh hỗ trợ thông tin, cung cấp nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, kịp thời tháo gỡ khó khăn và khuyến khích các DN đầu tư phát triển ổn định. Khuyến khích các cơ sở sản xuất đầu tư, đổi mới công nghệ sản xuất các mặt hàng TTCN, thủ công mỹ nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mẫu mã hàng hóa, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Ngoài ra, tiếp tục mời gọi đầu tư của DN vào CCN với các ngành nghề thân thiện với môi trường. Đối với cơ sở ngoài cụm sẽ phát triển DN theo chương trình Đồng khởi khởi nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ DN đầu tư thiết bị mới, mở rộng quy mô sản xuất. Thực hiện chương trình khuyến công để hỗ trợ cho các cơ sở phát triển sản xuất; tranh thủ nguồn vốn của tỉnh để đầu tư cải tiến trang thiết bị; khuyến khích các hộ phát triển hoạt động dịch vụ tại gia đình để giải quyết việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện tiếp tục quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư mặt bằng sản xuất, xúc tiến thương mại. Qua đó, góp phần tích cực trong việc đa dạng hóa các loại hình, thành phần kinh tế, đóng góp cho ngân sách địa phương.

Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN