Phát huy thế mạnh tiểu thủ công nghiệp

02/12/2019 - 06:49

BDK - Trong khi giá trị nông nghiệp từ hai sản phẩm chủ lực là dừa và heo bấp bênh trong năm 2019, thì giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện Mỏ Cày Nam lại đóng vai trò “trụ đỡ” giúp kinh tế huyện nhà tiếp tục khởi sắc.

Lao động đóng cục chỉ xơ dừa tại một cơ sở ở xã Đa Phước Hội thuộc Làng nghề chỉ xơ dừa An Thạnh.

Lao động đóng cục chỉ xơ dừa tại một cơ sở ở xã Đa Phước Hội thuộc Làng nghề chỉ xơ dừa An Thạnh.

Vai trò của chỉ xơ dừa

Mỏ Cày Nam là huyện có diện tích dừa nhiều thứ hai trong tỉnh, với 17.000ha, chỉ sau huyện Giồng Trôm. Tỉnh hiện có 4 sản phẩm xuất khẩu chủ lực là nước cốt dừa, cơm dừa sấy, nước dừa đóng hộp và than hoạt tính. Thế nhưng, với Mỏ Cày Nam thì chỉ xơ dừa lại là mặt hàng thế mạnh, chỉ xơ dừa còn được người dân địa phương gọi thân thương là “chỉ vàng”.

Kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu trên địa bàn huyện năm 2019 cho thấy: giá trị sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp tăng 2,3%; giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 100% so với kế hoạch năm và tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2018.

Để đạt được mục tiêu thực hiện đạt 100% giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp kế hoạch năm 2019, có sự đóng góp của 1.976 cơ sở và gần 50 doanh nghiệp, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần đóng trên địa bàn huyện. Nổi bật nhất vẫn là đóng góp của các doanh nghiệp sản xuất chỉ xơ dừa (48 ngàn tấn trong năm 2019): thức ăn gia súc và thức ăn thủy sản (sản lượng 42,5 ngàn tấn), kẹo dừa (1,2 ngàn tấn), kế đến là hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa, cơm dừa nạo sấy và sản phẩm mới như dừa sấy giòn xuất khẩu.

“Đặc biệt, những đóng góp của Làng nghề chỉ xơ dừa An Thạnh đã đóng góp không nhỏ cho kinh tế huyện, đồng thời giải quyết lượng lớn lao động”, ông Võ Văn Út - Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh.

Làng nghề chỉ xơ dừa An Thạnh được tính từ con lộ nhựa cặp theo sông Mỏ Cày chạy dài từ thị trấn Mỏ Cày đi qua các xã Tân Hội, Đa Phước Hội, An Thạnh và Thành Thới B. Với tổng chiều dài khoảng 7km, có khoảng 60 cơ sở, 20 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng từ dừa như: chỉ xơ dừa, cơm dừa, dừa hột (dừa đã lột vỏ). Hoạt động của khu vực này đã giúp huyện Mỏ Cày Nam cung cấp cho thị trường: 40 ngàn tấn chỉ xơ dừa/năm, 10 ngàn tấn cơm dừa/năm, 132 triệu trái dừa/năm; giải quyết việc làm cho khoảng 5 ngàn lao động.

Bà Nguyễn Thị Thanh, một lao động tại cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa thuộc xã Đa Phước Hội cho biết: “Chăn nuôi heo lỗ nặng vì dịch bệnh hoành hành nên nhiều người chuyển qua đi làm chỉ xơ dừa. Mỗi ngày tôi làm 4 tiếng (đóng cục chỉ) cũng được khoảng 150 ngàn đồng, cuộc sống cũng đỡ lo phần nào”.

Có thể nói, khi chăn nuôi được mùa thì người dân sống khấm khá, thậm chí làm giàu; còn khi gặp cảnh chăn nuôi thất bát thì tiểu thủ công nghiệp lại chính là “cứu cánh” cho người dân huyện Mỏ Cày Nam ổn định cuộc sống hàng ngày. 

Tiềm năng phát triển

“Nhìn lại chặng đường phát triển, nghề sản xuất chỉ xơ dừa manh nha đầu tiên trên địa bàn tỉnh từ những hộ dân sống ở Mỏ Cày Nam. Đó là vào những năm 1990, khi vỏ dừa bị bỏ chất thành đống, thành vũng thì một vài hộ dân ở huyện đã đi tìm hiểu, học hỏi cách sản xuất chỉ xơ dừa. Từ đó, đến nay, huyện đã có khoảng 600 cơ sở chuyên sản xuất trong ngành dừa mà chủ yếu là chỉ xơ dừa. Chúng tôi gần như là địa phương dẫn đầu cả nước về sản lượng chỉ xơ dừa được sản xuất hàng năm”, ông Nguyễn Văn Phong - Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện nói.

Thống kê thu nhập bình quân của lao động tại Làng nghề chỉ xơ dừa An Thạnh cho thấy, mỗi lao động kiếm được từ 300 - 400 ngàn đồng/ngày (chủ yếu tính trên sản phẩm làm ra). Sự hiện diện của các cơ sở, doanh nghiệp nước ngoài hiện chi phối rất lớn đến giá cả chỉ xơ dừa, một thương lái chuyên thu mua vỏ dừa cho biết, muốn mua vỏ dừa phải có mối, không có mối thì không dễ gì mua được. Dẫn đến các cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa nhỏ lẻ khó cạnh tranh do chỉ mua được lượng nhỏ vỏ dừa và sản xuất thủ công bằng công nghệ thô sơ.

Tiềm năng của chỉ xơ dừa chưa phát huy được do “Sản xuất công nghiệp nhìn chung ở quy mô nhỏ lẻ, công nghệ còn lạc hậu, các sản phẩm từ dừa sản xuất ở dạng thô nên thành phẩm xuất bán giá thấp, không đem lại giá trị tối đa cho ngành sản xuất công nghiệp dừa của huyện” - báo cáo tổng kết năm 2019 của Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện đưa ra nhận định.

Nhiều năm nay, bên cạnh việc thực hiện chuỗi giá trị dừa của tỉnh, huyện Mỏ Cày Nam còn xây dựng riêng “chuỗi phát triển giá trị sản xuất chỉ xơ dừa” vì nhận thấy tiềm năng của mặt hàng thế mạnh này. “Chúng tôi đã tập huấn cho hộ dân, kêu gọi thành lập hợp tác xã sản xuất chỉ xơ dừa nhưng người dân “không mặn”, người dân vẫn mạnh ai nấy làm. Tuy nhiên, huyện vẫn tiếp tục thực hiện chuỗi phát triển giá trị sản xuất chỉ xơ dừa; đồng thời, kêu gọi người dân làm bờ kè theo mẫu thống nhất trên hai bên sông Thom (khoảng 7km) phục vụ chống sạt lở, tạo mỹ quan cho doanh nghiệp mua bán sản xuất”, ông Nguyễn Văn Phong thông tin.

Năm 2019 sắp khép lại và tiểu thủ công nghiệp - cụ thể là ngành sản xuất chỉ xơ dừa ở huyện Mỏ Cày Nam - vẫn tiếp tục khẳng định chỗ đứng của mình như một “trụ đỡ” trong đời sống kinh tế người dân. Thiết nghĩ, huyện Mỏ Cày Nam cần có những động thái mạnh mẽ hơn nhằm đưa hoạt động sản xuất chỉ xơ dừa lên một tầm cao mới, khẳng định vị trí dẫn đầu của huyện nhà trong sản xuất chỉ xơ dừa trên phạm vi cả nước.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích