Cần thống nhất ranh giới cồn Lát để tránh xung đột lợi ích

07/09/2018 - 08:37

BDK - Hàng chục hộ dân và một số doanh nghiệp nuôi cá ở cồn Lát (xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách) đang bình yên, phấn khởi vì cồn đang có bồi lắng mở rộng diện tích hàng chục năm qua. Thế nhưng, từ năm 2016, đời sống của người dân nơi đây đảo lộn vì tỉnh Vĩnh Long cấp phép khai thác mỏ cát và “cát tặc” trên sông Cổ Chiên cũng theo đó lũ lượt kéo đến “cày xới”…

Mỏ cát Chánh An - Quới Thiện được UBND tỉnh Vĩnh Long cấp phép đầu năm 2016 có ranh giới lấn sâu lên đất liền hơn 10m gây hoang mang cho người dân cồn Lát.

Mỏ cát Chánh An - Quới Thiện được UBND tỉnh Vĩnh Long cấp phép đầu năm 2016 có ranh giới lấn sâu lên đất liền hơn 10m gây hoang mang cho người dân cồn Lát.

Mất đất vì khai thác cát

Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Chợ Lách, ngày 4-1-2016, UBND tỉnh Vĩnh Long cấp phép khai thác với thời gian 5 năm cho Công ty TNHH Hùng Anh (trụ sở TP. Vĩnh Long) khai thác mỏ Chánh An - Quới Thiện trên sông Cổ Chiên. Ngay khi có giấy phép, doanh nghiệp này đã kéo 2 xáng cạp đến “cày xới” suốt ngày ngay khu vực đầu cồn Lát khiến người dân, các doanh nghiệp đang làm ăn ở đây sống trong hoang mang, lo lắng.

Đỉnh điểm của sự căng thẳng diễn ra vào tháng 7-2018, khi Công ty TNHH Hùng Anh khai thác quá cận bờ bao của dân. Trường hợp đầu tiên mất nhà, mất đất sản xuất vì mỏ cát thuộc về gia đình ông Nguyễn Thành Lai - 1/38 hộ dân ở xã Tân Thiềng đã ra cồn Lát sinh sống liên tục từ những năm đầu thập niên 90.

Đầu năm 2017, trong khi ông Lai nỗ lực hết mình kêu kobe, xáng cạp đến gia cố bờ bao cứu hơn 2ha ao cá khỏi miệng “hà bá” thì các xáng cạp của Công ty  TNHH Hùng Anh lại xắn luôn tới bờ.

Quá bức xúc, người dân cồn Lát sử dụng các công cụ thô sơ có được và mua xăng dầu kéo ra với ý định đốt cặp xà lan “bạo ngược” của Công ty TNHH Hùng Anh. Rất may là ngành chức năng huyện Chợ Lách, xã Tân Thiềng có mặt tuyên truyền, vận động, can ngăn kịp thời. Ông Lai đưa cả nhà về nương náu trong mảnh đất 300m2 mà UBND huyện Chợ Lách dành cho những người tái định cư do mất hết đất sản xuất bởi các dự án.

Theo quan sát của chúng tôi, những ngày cuối tháng 8-2018, xáng cạp của Công ty TNHH Hùng Anh đã xắn tới bờ trong phần đất hơn 2ha của ông Lai. Tương tự, phần đất rộng hơn 3ha của Công ty CP Hùng Vương Miền Tây (trụ sở ở TP. Mỹ Tho - Tiền Giang) thuê từ UBND tỉnh Bến Tre cũng trong tình cảnh tương tự.

“Chúng tôi không biết UBND tỉnh Vĩnh Long đã căn cứ vào đâu mà cấp phép khai thác lấn lên cả phần đất cồn Lát đã bồi lắng thành bờ và đang có nhiều hộ dân sinh sống như thế! Nếu tình trạng khai thác cát lấn bờ như hiện nay vẫn diễn ra sẽ làm mất đất, mất nhà của công nhân công ty chúng tôi và dân cồn này nhiều lắm!”, ông Nguyễn Thành Tiến - quản lý khu vực xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách của Công ty CP Hùng Vương Miền Tây bức xúc.

Cũng theo ghi nhận của chúng tôi, phía sau liền kề ao cá đã bể nát của ông Nguyễn Thành Lai, bờ bao trước nhà của ông Tô Công Phúc, 41 tuổi, đang ở mức “báo động đỏ” vì hoàn toàn có thể bị sạt xuống sông bất cứ lúc nào. Mặc dù ngôi nhà của gia đình 3 người đã dột nát nghiêm trọng nhưng ông Phúc cũng không dám sửa lại vì lo chưa sửa xong đã bị sạt lở mất.

Ông Phúc và các hộ dân nơi đây khẳng định, từ khi có mỏ cát hoạt động, “cát tặc” cũng theo đó kéo đến. Bản thân người dân nơi này vẫn không biết phương tiện nào là “cát tặc” và càng không biết rõ UBND tỉnh Vĩnh Long đã cấp phép khai thác đến chỗ nào.

Cần xem xét lại địa giới hành chính

Ông Nguyễn Văn Việt - Trưởng phòng TN&MT huyện Chợ Lách cho biết, địa giới cồn Lát trước nay do tỉnh Bến Tre quản lý nhưng nếu phân chia ranh giới theo Chỉ thị số 364/1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thì gần 100ha diện tích cồn Lát phần lớn nằm trên địa bàn quản lý của tỉnh Vĩnh Long.

“Trên thực tế thì trước năm 1990, dân Tân Thiềng đã ra khu vực này canh tác cây lâu năm và nuôi cá. Nhiều năm nay, cồn Lát bồi lắng về hướng cồn Dài (huyện Mang Thít - Vĩnh Long) và thời điểm mỏ cát Chánh An - Quới Thiện khai thác thì 2 cồn chỉ còn cách khoảng 150m. Vì vậy, việc UBND tỉnh Vĩnh Long cấp phép khai thác cát đã không xuất phát trên thực tế khi ranh giới mỏ cát đã lấn sâu lên đất liền cồn Lát hơn 10m, chứ không phải cách đất liền 150m như giấy phép khai thác”, ông Việt nói.

Trong khi đó, ông Phạm Anh Linh - Phó chủ tịch UBND huyện Chợ Lách cho biết: Thẩm quyền đàm phán, thỏa thuận về mỏ cát do UBND tỉnh. Tình hình an ninh trật tự tại cồn Lát hiện rất đáng báo động nhưng chúng tôi chỉ có thể tăng cường lực lượng vận động, thuyết phục để tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc và chờ lãnh đạo 2 tỉnh thống nhất.

Ngày 4-9-2018, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng cho biết, Sở TN&MT đã gửi công văn đề nghị Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Long cho 2 mỏ cát đang khai thác quanh khu vực cồn Lát đảm bảo khai thác cách xa bờ đất liền hiện hữu của cồn Lát tối thiểu 150m theo giấy phép. Trong thời gian chờ thống nhất ranh giới giữa hai tỉnh, để tránh xung đột, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và do tính cấp thiết của sự việc cần thiết dừng khai thác cát tại đây. Giữa hai tỉnh đã có cuộc đối thoại trực tiếp ở cấp Phó chủ tịch UBND tỉnh và vấn đề này cũng đã được chính quyền trình lên tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh.

“Chúng tôi đang tích cực đàm phán với phía lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long nhưng xem ra vấn đề này chắc chắn phải trình lên Trung ương xem xét giải quyết. Hồ sơ trình lên Trung ương sẽ hoàn tất sau khi có cuộc gặp giữa lãnh đạo cao nhất của hai tỉnh trong thời gian sớm nhất” - Chủ tịch UBND tỉnh cho biết thêm.

Bài, ảnh: Triều Sinh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN