Chắp cánh cho ý tưởng sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng

02/09/2019 - 08:19

BDK - Hội thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh đã qua 5 lần tổ chức, số lượng sản phẩm tham gia dự thi mỗi năm đều tăng lên. Đó là một điều đáng mừng vì chủ trương được phát động và được triển khai sâu rộng đến các em học sinh. Nhưng để nuôi dưỡng cho những mầm non sáng tạo ấy phát triển xa hơn thì cần một môi trường ươm tạo phù hợp.

Ươm mầm sáng tạo cho học sinh bắt đầu từ việc tạo dựng một môi trường sáng tạo.

Ươm mầm sáng tạo cho học sinh bắt đầu từ việc tạo dựng một môi trường sáng tạo.

Ươm mầm sáng tạo

Mục đích ban đầu của Hội thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng là tạo một sân chơi, khơi gợi ý tưởng sáng chế, rèn luyện tư duy sáng tạo trong lứa tuổi thanh thiếu niên, nhi đồng. Để từ đó giúp các em làm quen với tư duy sáng tạo, hình thành một hướng đi tốt, gắn học với thực hành. “Nếu xét ở góc độ này thì với việc nâng dần số lượng qua các năm tổ chức từ chỉ hơn 200 em tham gia thi đến nay là hơn 3.000 em thì đó là sự phát triển đáng mừng. Tuy không phải mỗi năm đều có những sáng kiến vượt trội nhưng hy vọng rằng dần dần qua mỗi năm sẽ có những ý tưởng sáng tạo mới hơn”, ông Nguyễn Quốc Bảo - Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh nhận xét.

Qua từng năm tổ chức hội thi, ban tổ chức đều bắt gặp những ý tưởng khá hay, đặc biệt là trong tận dụng những vật liệu có sẵn tại địa phương hoặc tái chế phế liệu để tạo ra những sản phẩm có ích cho cuộc sống. Có thể kể đến như: tranh từ mụn dừa, tranh từ vỏ trứng, ống tiết kiệm đa dụng từ vỏ dừa, lọ hoa từ chai phế liệu và đất nặn khô, bộ đồ dùng làm từ hộp sữa… Nếu các sản phẩm được gia tăng thêm tính thẩm mỹ, chất lượng thì có khả năng thương mại hóa.

Bên cạnh các sản phẩm sáng tạo tham gia đúng với tiêu chí cuộc thi thì vẫn còn khá nhiều sản phẩm chỉ thuần về yếu tố thẩm mỹ chứ chưa phải là sáng tạo. “Phải nói là do nhận thức về tính sáng tạo của người hướng dẫn và bản thân các em học sinh vẫn còn chưa tới. Nên có phần khá đông các sản phẩm vẫn còn mang “dáng dấp” của một cuộc thi “khéo tay hay làm”, tức là các sản phẩm thủ công thi làm cho đẹp thôi chứ yếu tố sáng tạo chưa cao”, ông Nguyễn Quốc Bảo đánh giá. Ở vai trò Ban tổ chức cuộc thi, ông Nguyễn Quốc Bảo cho rằng không có gì e ngại khi phải nhìn nhận điều này. Theo ông, nếu được định hướng tốt và được tạo điều kiện tham gia thi nhiều lần thì dần dần cả người hướng dẫn lẫn học sinh sẽ rút kinh nghiệm và hiểu hơn về sáng tạo.

Thực tế cho thấy, lần tổ chức thứ 5 vừa qua, số lượng các sản phẩm có yếu tố sáng tạo đã nhiều hơn, trong đó có rất nhiều sản phẩm tái chế phế liệu. Ban tổ chức đánh giá đây chính là bước chuyển biến khá rõ rệt từ những sản phẩm “khéo tay hay làm” đến các sản phẩm có tính sáng tạo hơn. Tuy chưa phải là tròn trịa nhưng ở độ tuổi các em học sinh tiểu học, THCS đã có hình thành ý tưởng tận dụng các vật liệu phế phẩm để tái chế thì đã là rất đáng trân trọng, bước đầu gieo vào các em hạt giống của sự sáng tạo. Đến khi các em lớn hơn, kiến thức tích lũy cùng với yêu cầu thực tế cuộc sống, có thể các em sẽ có những sáng kiến đổi mới hiệu quả hơn.

Trong lĩnh vực cơ khí, phần mềm tin học, năm nào cuộc thi cũng xuất hiện những sản phẩm khá nổi trội. Ví dụ như: chế tạo robot, thiết bị nhắc người chạy xe số quên đá chống, thiết bị hỗ trợ người lái xe mô tô khi bị tai nạn, bị cướp, chuông điện thông minh, bộ tương tác từ... Đây là những cải tiến rất nhỏ từ cuộc sống nhưng có giá trị ứng dụng cao, hỗ trợ trực tiếp cho việc học tại lớp của các em. Như vậy, đánh giá qua các cuộc thi cho thấy, những hạt giống sáng tạo được gieo trồng đã bước đầu nảy mầm, nhưng việc các mầm non sáng tạo ấy có phát triển lớn mạnh hay không thì còn cần một môi trường ươm tạo, nuôi dưỡng phù hợp.

Cần môi trường nuôi dưỡng phù hợp

Những ý tưởng sáng tạo cho dù ở mức độ như thế nào đều có khả năng là khởi điểm để trở thành những đột phá phát triển mới. Đó cũng có thể được xem là tiềm năng cho việc ươm tạo các ý tưởng, dự án để khởi nghiệp. Về điều này, ông Nguyễn Quốc Bảo cho rằng, từ những ý tưởng sáng tạo để nâng lên thành ý tưởng khởi nghiệp cần phải có các điều kiện tiếp theo để tiếp nhận, giúp lựa chọn và phát triển các ý tưởng sáng tạo có tính khả thi.

Ông Nguyễn Quốc Bảo cho biết, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh có ý định đề xuất với ban tổ chức Lễ hội Dừa năm 2019 có một gian dành riêng cho các sản phẩm sáng tạo tiêu biểu trong cuộc thi vừa qua. Tại đây có thể giúp giới thiệu, đưa các sản phẩm sáng tạo của học sinh đến với thị trường. Đây cũng có thể coi là một trong các giải pháp tạo môi trường để phát triển các sản phẩm sáng tạo, tạo tiền đề để các tác giả phát triển sản phẩm. “Làm sao phải kiến tạo môi trường để các sản phẩm của các em có thể tiếp cận thị trường, từ đó trở thành ý tưởng hoặc dự án khởi nghiệp. Nếu thị trường không chấp nhận sản phẩm thì đó cũng sẽ là điều kiện tốt để tác giả hoàn thiện sản phẩm. Nếu sản phẩm được thị trường đón nhận thì sẽ là một động lực, không phải chỉ đối với các em là tác giả mà còn tác động đến những em khác”, ông Nguyễn Quốc Bảo nhận định.

Ngoài ra, để “chắp cánh” cho các sản phẩm sáng tạo, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh có thể giữ vai trò làm “cầu nối”, mời các doanh nghiệp có cùng ngành nghề đến để xem và đón nhận nếu khả thi.

Ông Nguyễn Quốc Bảo cho biết: “Vì sự sáng tạo hiện chưa có một thước đo cụ thể nên thời gian tới, cuộc thi sẽ chú trọng hơn tới chất lượng các sản phẩm dự thi, gợi ý tập trung vào các sản phẩm có tính ứng dụng cao, ý tưởng sáng tạo trên lĩnh vực công nghệ, phần mềm. Chúng tôi cũng có ý định đề xuất với Tỉnh Đoàn lồng ghép cuộc thi sáng tạo tin học trẻ vào cuộc thi này để có thể phát động các đối tượng học sinh tham gia tích cực hơn trên lĩnh vực sáng tạo công nghệ, các giải pháp về phần mềm”.

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích