Doanh nghiệp khởi sắc đi lên từ hộ kinh doanh cá thể

14/10/2020 - 16:14

BDK - Tập trung hỗ trợ phát triển doanh nghiệp (DN) cả về lượng và chất, trong đó hình thức chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể lên DN là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp (KN) và phát triển DN tỉnh. Với sự quan tâm chỉ đạo, sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ngành, địa phương, từ năm 2016 đến nay, công tác vận động hộ kinh doanh cá thể chuyển lên DN tiếp tục được quan tâm thực hiện bằng nhiều hình thức. Kết quả, có 341 hộ kinh doanh chuyển lên DN, đạt 52,5%.

Đóng gói bưởi da xanh tiêu thụ nội địa tại công ty TNHH MTV XNK nông sản Hương Miền Tây Bến Tre.  Ảnh: Cẩm Trúc

Đóng gói bưởi da xanh tiêu thụ nội địa tại công ty TNHH MTV XNK nông sản Hương Miền Tây Bến Tre.  Ảnh: Cẩm Trúc

Mở rộng liên kết phát triển

Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu nông sản Hương Miền Tây (xã Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày Bắc) là một trong những DN thành lập mới và điển hình từ chương trình này. Trong năm 2018, được sự hỗ trợ của Trung tâm Xúc tiến đầu tư và khởi nghiệp tỉnh, UBND huyện Mỏ Cày Bắc, ông Đàm Văn Hưng - chủ cơ sở thu mua bưởi da xanh Hương Miền Tây đã mạnh dạn đăng ký thành lập thêm một DN mới là Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu nông sản Hương Miền Tây.

“Trước yêu cầu của thị trường về sản lượng ổn định, chất lượng đảm bảo và kích cỡ, mẫu mã hàng hóa thì DN phải đổi mới cách làm để xây dựng, giữ vững uy tín và có thêm cơ hội mở rộng thị trường”, ông Hưng cho biết. Việc thành lập DN giúp đơn vị kinh doanh có đủ tư cách pháp nhân thực hiện các hợp đồng với tổ, nhóm hợp tác cũng như với đối tác tiêu thụ trong và ngoài nước.

Hiện nhà máy thu mua, đóng gói bưởi da xanh với công suất lên 70 - 80 tấn/ngày. Để đáp ứng các thị trường khó tính, đáp ứng các đơn đặt hàng lớn, cơ sở đã xây dựng quy trình đóng gói đạt chuẩn HACCP và đầu tư thêm 2 kho lạnh để bảo quản bưởi da xanh với trữ lượng 1.500 tấn. Đây là một bước đột phá của sự đầu tư bài bản cho sản phẩm bưởi da xanh và sự hỗ trợ tích cực từ tỉnh.

Ông Đàm Văn Hưng khẳng định: “Từ hộ kinh doanh cá thể chuyển lên DN sẽ có tầm hoạt động lớn hơn. DN có thể trực tiếp xuất khẩu hàng hóa mà không cần qua công ty trung gian hoặc ủy thác. Hiện nay, DN liên kết được 300ha bưởi da xanh, trong đó có 100ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP (tương đương 300 tấn/năm). Nhà máy đóng gói công suất 40 - 60 tấn/ngày. Trong thời gian tới, DN mở rộng liên kết bao tiêu sản phẩm với các hợp tác xã sản xuất theo quy chuẩn DN hoặc tiêu chuẩn VietGAP thêm 500ha để mở rộng thị trường xuất khẩu sau khi Hiệp định EVFTA được thông qua giữa Việt Nam và châu Âu”.

Chuyển lên doanh nghiệp có nhiều thuận lợi

Chuyển lên DN có nhiều thuận lợi - là nhận định chung của các DN mới chuyển đổi. Hầu hết các DN hoạt động có hiệu quả và cho rằng, nếu trước đây họ có tâm lý ngần ngại chuyển đổi thì sau khi chuyển lên DN họ càng có nhiều cơ hội để phát triển mở rộng.

Chị Trần Thị Thanh Thủy, sinh năm 1990, hiện là Giám đốc Công ty TNHH TMDV AP Thủy Phúc, tại phường An Hội, TP. Bến Tre chia sẻ: “Sau một thời gian làm nhân viên cho một DN lĩnh vực dịch vụ vận tải, tôi cảm thấy mình có đủ khả năng bước ra ngoài làm kinh doanh riêng nên đã thành lập hộ kinh doanh ngành vật liệu xây dựng và kinh doanh hoa tươi vào tháng 4-2019. Thời gian này, tôi gặp khó khăn trong việc xuất hóa đơn bán hàng cho khách. Đến tháng 10-2019, tôi quyết định chuyển đổi lên công ty để có thể linh hoạt, chủ động xuất hóa đơn bán hàng cho khách hàng; vừa thuận lợi phát triển kinh doanh. Khi chuyển đổi, tôi được hỗ trợ miễn phí về dịch vụ tư vấn, hỗ trợ thủ tục khi đăng ký chuyển từ hộ kinh doanh lên DN; được hỗ trợ chi phí bố cáo thành lập DN, quảng bá thông tin DN…”. Mặc dù chuyển đổi lên DN 1 năm nhưng đơn vị hoạt động khá hiệu quả với doanh thu khoảng 20 tỷ đồng (năm 2019).

Chị Lê Thị Kim Linh - Giám đốc Công ty TNHH Homestay cồn Bà Tư, xã Thới Thuận, huyện Bình Đại cho biết: Tôi khởi sự kinh doanh từ hộ kinh doanh cá thể vào ngày 30-4-2018, gặp không ít khó khăn về cơ sở hạ tầng. Mặt khác, du lịch homestay còn khá mới mẻ tại địa phương; lại thêm hoảng cách từ TP. Bến Tre về du lịch cồn Bà Tư khoảng 70km nên rất ít khách tham quan đến khám phá và trải nghiệm.

“May mắn, tôi được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Trung tâm Xúc tiến đầu tư và KN hỗ trợ tham gia các lớp tập huấn, khóa đào tạo về KN ngắn hạn có liên quan đến du lịch. Sau tôi quyết định thành lập DN vào tháng 7-2019. Thuận lợi là tôi có diện tích đất nhà khá lớn (4ha), thích hợp để khai thác và phát triển du lịch biển, kết hợp cho du khách trải nghiệm các hoạt động ngoài trời gần gũi với thiên nhiên như bắt sò, ốc, câu cá, cua. Không chỉ hoạt động độc lập, tôi liên kết thu mua sản phẩm hải sản tươi sống của người dân trong khu vực để phục vụ cho du khách thưởng thức ẩm thực tại chỗ hoặc mua về”, chị Linh cho biết thêm.

Qua 2 năm hoạt động, chị Linh nhận định: DN chọn hướng phát triển du lịch xanh đáp ứng nhu cầu trải nghiệm, khám phá ngày càng cao của khách tham quan là hướng đi đúng.

Theo bà Trần Thị Xuân Duyên - Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và KN (thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư), hộ kinh doanh cá thể khi chuyển đổi lên DN sẽ được rất nhiều lợi ích. Cụ thể là được miễn phí tư vấn, hỗ trợ thủ tục khi đăng ký chuyển từ hộ kinh doanh lên DN; được hỗ trợ chi phí bố cáo thành lập DN, quảng bá thông tin DN; được hỗ trợ đào tạo, tập huấn kiến thức khởi sự DN và đào tạo nghề trong nước; được hưởng các chính sách về thuế và đất đai theo quy định. DN sau khi chuyển đổi sẽ được kết nối hỗ trợ nâng cao năng lực ứng dụng khoa học công nghệ và xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, tiếp cận và mở rộng thị trường tiêu thụ. Ngoài ra còn được hỗ trợ kinh phí thuê tổ chức đánh giá để được tái cấp giấy chứng nhận sản phẩm an toàn; hỗ trợ đầu tư theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP); hỗ trợ thu hút nguồn lực đầu tư trong nuôi trồng và khai thác thủy sản; chăn nuôi an toàn sinh học.

Nhiên Luận

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN