Kinh nghiệm khởi nghiệp thành công

29/04/2019 - 07:36

BDK - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Rynan Holdings Nguyễn Thanh Mỹ cho biết, trong khởi nghiệp (KN) không có công thức thành công nhưng có thể gom lại những kinh nghiệm đã qua để đưa ra cách thức nhằm giúp những người mới KN có cơ hội tiếp xúc với những kinh nghiệm của người đi trước nhằm tạo thành công trong KN.

Các sản phẩm khởi nghiệp tại Phiên chợ khởi nghiệp lần II.

Các sản phẩm khởi nghiệp tại Phiên chợ khởi nghiệp lần II.

Kinh nghiệm KN

Biết đến là người thành công trong KN với Dự án “Kinh doanh với người giữ rừng”, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Anfoods Trịnh Thị Ngọc Hiện cho biết, khi KN, rào cản lớn nhất của chị chính là niềm tin của khách hàng. Bởi sản phẩm của những người giữ rừng là các loại tôm, cua, cá từ thiên nhiên. Dù sản phẩm ngon, sạch, nhưng để thuyết phục người tiêu dùng biết rõ về nguồn gốc sản phẩm và các giá trị mang đến không dễ, phải mất nhiều thời gian.

Thực tế, khi mới đưa sản phẩm ra thị trường, Công ty cổ phần Anfoods gặp nhiều khó khăn do thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng. Giải quyết khó khăn của công ty, chị Trịnh Thị Ngọc Hiện đã xây dựng tiêu chuẩn để đạt được các giấy chứng nhận phù hợp. “Những giấy tờ này có tốn kém nhưng rất quan trọng trong việc tạo được niềm tin cho khách hàng”, chị Ngọc Hiện chia sẻ.

Thành công với sản phẩm bột bã mía vi sinh, Công ty TNHH Thủy sản Đại Thành đang phục vụ nông dân nuôi tôm ở tỉnh và các tỉnh trong khu vực. Chia sẻ kinh nghiệm KN của mình, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Đại Thành Trần Phúc Hậu cho hay: “Khi sản phẩm của mình chứng minh được hiệu quả thì vấn đề kêu gọi vốn đầu tư sẽ có nhiều cơ hội. Điều quan trọng nhất là mình phải có niềm tin tạo sự chú ý và thuyết phục các nguồn lực đầu tư”.

Là một trong số những người KN thành công của tỉnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Truyền thông và Du lịch C2T Võ Văn Phong đã tạo ra những sản phẩm KN khác biệt. Anh Phong cho rằng, với góc nhìn của người dân địa phương, cảnh quan, món ăn, các giá trị văn hóa có thể được xem là bình thường, nhưng với du khách từ các tỉnh, thành khác hay khách quốc tế thì trở nên đặc biệt và thú vị.

Chính cái nhìn khác biệt đó, anh Phong đã dẫn dắt công ty đưa văn hóa của tỉnh đến với bạn bè, du khách trong và ngoài tỉnh. “Phải làm sao để những du khách đó trở thành người truyền thông, là đại sứ cho tour của mình”, anh Võ Văn Phong chia sẻ. Thời gian qua, để quảng bá hình ảnh công ty và văn hóa của tỉnh, bản thân anh đã thuyết phục người nông dân cùng làm du lịch, đặc biệt là phải tận dụng tối đa những cơ hội đến từ các cơ quan truyền thông.

Tạo sự khác biệt

“Nhận thức chung về cách thức, phương pháp để KN thành công đó là phải tạo được sự khác biệt. Tỉnh sẽ thống nhất về “công thức” KN thành công để từ đó tạo sự tương tác tốt hơn giữa cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức hỗ trợ KN và những người trực tiếp thực hiện các dự án KN”.

(Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy
Phan Văn Mãi)

Chia sẻ tại hội thảo “Công thức” để KN thành công, do Hội đồng Tư vấn KN và phát triển doanh nghiệp tỉnh tổ chức ngày 25-4-2019, nhiều chuyên gia và người KN của tỉnh cho rằng, yếu tố thành công là phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, kêu gọi và sử dụng nguồn vốn, sản phẩm.

 Chia sẻ bài học kinh nghiệm của mình sau nhiều năm KN, Tổng giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới Cù Văn Thành cho biết, thời ông KN chưa có những điều kiện, phương tiện sản xuất hiện đại như bây giờ. Ông KN thành công chỉ có tấm lòng thiết tha và một tình yêu mãnh liệt với nghề. “Muốn thành công, người KN phải gắn với thị trường, phải theo nhu cầu của thị trường và xác định đúng thời điểm” - ông Cù Văn Thành cho biết,

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Rynan Holdings Nguyễn Thanh Mỹ thì cho rằng, không có công thức chung cho KN thành công, nhưng KN thất bại thì rất giống nhau.

Theo ông Mỹ, KN chính là phải tạo sự khác biệt. KN là xuất phát từ các vấn đề của xã hội, nhu cầu của thị trường. Người KN phải tìm giải pháp đáp ứng nhu cầu đó. Khi đã có ý tưởng, giải pháp thì mới nghĩ đến thị trường, tiếp sau là tìm người đồng hành và phát triển sản phẩm, thử nghiệm thị trường để tìm được sản phẩm phù hợp với thị trường. Khi có được sản phẩm, vấn đề quan trọng tiếp đó là chuyện tăng vốn. Ông Nguyễn Thanh Mỹ lưu ý: “Sản phẩm làm ra phải là hàng độc và giá trị cao. Khi gọi vốn đầu tư, phải lựa chọn nhà đầu tư có mục đích giống mình, xem xét số cổ phần có đảm bảo để mình có quyền tự quyết không”.

Mỗi người KN có những ý tưởng khác nhau, mục đích khác nhau nhưng điểm chung vẫn là tạo sự khác biệt. Chỉ có sản phẩm độc, lạ mới thuyết phục nhà đầu tư, thu hút người tiêu dùng, làm nên nét riêng và thành công của doanh nghiệp.

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN