Phát triển bền vững thích ứng biến đổi khí hậu

08/11/2019 - 08:00

BDK - Những diễn biến bất lợi từ biến đổi khí hậu (BĐKH) đang diễn ra trên diện rộng, những chuyển động của thị trường trong nước, quốc tế khá nhanh và phức tạp. Vấn đề đặt ra của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là cần hành động như thế nào để giảm thiểu rủi ro, phát triển bền vững. Diễn đàn Mekong Connect năm 2019 diễn ra ngày 7-11-2019, tại Cần Thơ đã được các diễn giả, chuyên gia trong nước và quốc tế quan tâm tập trung bàn luận sâu vào vấn đề này.

Các diễn giả chia sẻ tại diễn đàn.

Các diễn giả chia sẻ tại diễn đàn.

Thúc đẩy liên kết

ĐBSCL phát triển kinh tế nông nghiệp nhưng đang đối mặt với thách thức từ BĐKH đang ngày càng diễn ra gay gắt. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để phát triển bền vững, đó là thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Ông Phạm Phú Ngọc Trai - Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nghiệp (DN) dẫn đầu TP. Hồ Chí Minh chia sẻ trải nghiệm thực tế: “Bà con nông dân cứ lam lũ trên luống cày của họ mà không gắn kết với chuỗi giá trị kinh tế thì khó phát triển. Do đó, cần có mô hình ứng phó, thích ứng với biến đổi của thiên nhiên chứ không thể chống phá. Sự phát triển của đồng bằng phải vì lợi ích chung của cả nước. Ý nghĩa tinh thần liên kết rất là quan trọng, theo hướng gắn kết tạo sự đồng bộ trong phát triển, gắn với lợi ích về môi trường, kinh tế”.

Theo ông Phạm Phú Ngọc Trai, muốn bền vững cần có sự hài hòa giữa 3 trụ cột quan trọng là tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Hài hòa có nghĩa là mọi tác động bằng quy hoạch, kế hoạch, dự án đầu tư, công trình, hay bằng cơ chế chính sách đều phải có tác động tích cực cho cả 3 trụ cột. Sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước “không đánh đổi môi trường với tăng trưởng kinh tế”, hay “không thể thoát nghèo mà hy sinh môi trường và sức khỏe của người dân” cũng phải áp dụng cho đồng bằng.

Ông Trương Quang Hoài Nam - Phó chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho rằng: Nhóm ABCD sớm nhận thức rằng, nếu chỉ dừng lại ở 4 thành viên thì sẽ gặp nhiều khó khăn và hạn chế hợp tác liên kết cả vùng ĐBSCL. Chúng tôi đã thống nhất cùng Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao trong thời gian tới sẽ thúc đẩy liên kết công bằng hướng đến hội nhập căn cơ và phát triển bền vững, ở cấp độ vĩ mô (nhiều địa phương) và vi mô (mạng lưới DN), thu hút và tối đa hóa nguồn lực tri thức cho khu vực, khuyến khích và hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp dựa vào thế mạnh bản địa và công nghệ.

Để phát triển toàn diện

Bà Nguyễn Thanh Bích Thùy là thành viên Hội đồng quản trị độc lập - Tập đoàn Novaland, một tập đoàn kinh tế lớn, lĩnh vực bất động sản, du lịch, nghỉ dưỡng, tài chính, cơ sở hạ tầng, nhiều lĩnh vực liên quan nhưng xuất thân từ lĩnh vực nông nghiệp. Tập đoàn được sáng lập năm 1992, với mục đích phát triển nông nghiệp, hiện có hơn 40 dự án tại TP. Hồ Chí Minh và nằm trong top 30 DN lớn của Việt Nam. Chia sẻ về phát triển du lịch ĐBSCL thích ứng BĐKH, theo Nghị quyết  số 120 của Chính phủ về phát triển ĐBSCL bền vững thích ứng BĐKH và xu thế thị trường, bà cho biết tập đoàn cam kết có sự gắn kết rất gần gũi với ĐBSCL, qua đó hướng tới giúp mọi người trong xã hội góp sức, cộng lực tạo nền tảng phát triển bền vững hơn.

Nhận thấy trách nhiệm đó trong phát triển kinh tế, trong năm qua, Tập đoàn đã phối hợp với TP. Cần Thơ thực hiện dự án về phát triển du lịch thích ứng BĐKH, cũng như đã có chuyến làm việc với lãnh đạo tỉnh Bến Tre về chủ trương mời gọi đầu tư vào ngành chủ lực của tỉnh, trong đó đặc biệt là về ngành dừa.

“Từ nhỏ tôi đã có niềm tự hào rất cao về đặc sản của đồng bằng - quê hương tôi. Tuy nhiên, trước làn sóng thay đổi phát triển rất nhanh thì chúng ta cũng cần phải có sự lắng đọng để không bỏ quên những giá trị văn hóa, lịch sử quê hương, giữ gìn và nâng cao những giá trị đó” - bà chia sẻ.

Bà Nguyễn Thanh Bích Thùy nhấn mạnh: “Hy vọng 13 tỉnh, thành đồng bằng tìm ra cách thích hợp kết nối những ngành nghề liên quan để phát triển kinh tế toàn diện, nhận thức đầy đủ về thách thức của đồng bằng để góp sức chặt chẽ, tự tin đối mặt, vượt qua các thách thức. Trong từng lĩnh vực có những chiến lược đường dài”.

Về lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp công nghệ cao, ông Nguyễn Lâm Viên - Tổng giám đốc Vinamit cho rằng chính sự thay đổi nhanh của thế giới khiến mọi thứ gần như đảo ngược. Nhớ 5 năm trước, ai làm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh thì có thể bị cho là điên rồ và thất bại. Xu hướng phát triển của thế giới đã chứng minh: Nói đến khoa học của sự sống phải lấy nền tảng từ gốc đi lên, từ trong đất, trong cây. Như vậy, vấn đề hiện nay là phải tìm cách nào để thổi bùng lên những “lối mở” sống còn - đó chính là câu chuyện của người làm nông nghiệp hữu cơ. Theo đó, người nông dân và DN phải quan tâm và kết nối với nhau.

Câu chuyện của người làm nông nghiệp công nghệ cao cách đây vài năm chưa ai dám nghĩ đến. Ông Nguyễn Thanh Mỹ - Chủ tịch Công ty cổ phần Rynan Agrifoods về quê hương Trà Vinh mở công ty để sản xuất máy móc thiết bị công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp thích ứng BĐKH đã từng bị cho là “Việt kiều té giếng”. Trao đổi rất nhiều lần tại các diễn đàn về khởi nghiệp và Mekong Connect hàng năm, cũng như tại Diễn đàn năm 2019 này, ông tiếp tục nhấn mạnh rằng: Phải dùng công nghệ mới góp phần đảm bảo an ninh lương thực. 

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN