Tận dụng điểm mạnh trong chiến lược thu hút đầu tư

25/09/2019 - 06:51

BDK - Tập trung thu hút đầu tư là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chiến lược được đặt ra trong xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt các ngành kinh tế chủ lực, mũi nhọn của tỉnh. Theo đó, tỉnh cần nắm bắt, tận dụng khai thác tối đa những lợi thế và cơ hội cả từ bên trong và bên ngoài; đồng thời, xác định các thách thức để có giải pháp ứng phó, vượt qua.

Tập đoàn Vina T&T, TP. Hồ Chí Minh đầu tư  xây dựng nhà máy sản xuất dừa tươi Kim Thanh - Bến Tre, tại xã An Phước, huyện Châu Thành. Nhà máy đi vào hoạt động trong năm 2019.

Tập đoàn Vina T&T, TP. Hồ Chí Minh đầu tư  xây dựng nhà máy sản xuất dừa tươi Kim Thanh - Bến Tre, tại xã An Phước, huyện Châu Thành. Nhà máy đi vào hoạt động trong năm 2019.

Môi trường đầu tư thông thoáng           

Thời gian qua, công tác rà soát, ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư được thực hiện tốt, cùng với việc thực hiện nhất quán chính sách của Trung ương đã tạo thuận lợi và thu hút được các nhà đầu tư đến với tỉnh. Có nhiều nhà đầu tư lớn (có tiềm lực về tài chính, công nghệ) đã chọn Bến Tre làm điểm đến để đầu tư lâu dài. Công tác quảng bá tiềm năng, thế mạnh và công tác hỗ trợ nhà đầu tư được thực hiện tốt, có hiệu quả, nhất là thông qua cơ chế một đầu mối đã tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc triển khai dự án.

Kết quả kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh đã được lực lượng doanh nghiệp (DN) ghi nhận, đánh giá cao, thông qua kết quả xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), PAPI luôn được cải thiện và tăng hạng, nằm trong top đầu cả nước trong 3 năm gần đây. Chất lượng điều hành công vụ không ngừng được nâng lên, cùng với sự thay đổi tư duy từ “quản lý” sang “phục vụ” DN. Chỉ số PCI của tỉnh từ hạng 12/63 tỉnh, thành phố năm 2016, nâng lên hạng 5 vào năm 2017 và hạng 4 năm 2018.

Qua đó, kết quả 3 năm, tỉnh đã thu hút được 106 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 34.248,23 tỷ đồng; 14 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 579 triệu USD. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có trên 220 dự án trong nước, tổng vốn đăng ký trên 44,5 ngàn tỷ đồng; 53 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 1.083 triệu USD.

Mặc dù có những nỗ lực và bước tiến đáng kể nhưng so với các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), các chính sách ở tỉnh vẫn chưa đủ sức cạnh tranh (như các chính sách miễn giảm thuế thu nhập DN, phí sử dụng diện tích đất, mặt nước; thuế xuất nhập khẩu; tài trợ cho chi phí hoạt động đào tạo, lao động tiếp thị...). Theo tham vấn của các chuyên gia trong xây dựng tầm nhìn chiến lược, thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục nghiên cứu chính sách phù hợp đặc thù của địa phương để thu hút đầu tư. Đồng thời, tận dụng cơ hội dòng chảy thu hút đầu tư của khu vực ĐBSCL đang ngày càng tăng cao, do những nỗ lực của Chính phủ trong cải cách hành chính và tích cực thực hiện xúc tiến đầu tư quy mô lớn, chi phí lao động thấp hơn so với các vùng khác, cơ sở hạ tầng được cải thiện.

Tháo gỡ nút thắt về “Đất sạch”

Vấn đề thiếu “đất sạch” cho nhà đầu tư là một trong những nút thắt lớn luôn được đặt ra khá gay gắt tại các cuộc họp bàn về giải pháp thu hút đầu tư phát triển kinh tế của tỉnh. So với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL, nguồn đất công của tỉnh rất thấp, chỉ có trên 8 ngàn héc-ta và đã sử dụng hết. Hiện tỉnh có 2 khu công nghiệp An Hiệp và Giao Long đều đã lấp đầy. Các khu công nghiệp mới đã được quy hoạch nhưng nguồn vốn nhà nước hạn chế và khó đáp ứng chính sách nghiêm ngặt. Tỉnh cũng có 12 cụm công nghiệp nằm rải rác ở các huyện, thành phố, tuy nhiên mới chỉ có vài cụm công nghiệp thu hút đầu tư hoạt động hiệu quả, bằng hình thức đầu tư cuốn chiếu. Các cụm công nghiệp còn lại khó kêu gọi đầu tư do vốn đầu tư cao, ảnh hưởng điều kiện đất đai, hạ tầng cơ sở điện, nước còn hạn chế.

Với nguồn ngân sách địa phương hạn hẹp, việc thu hồi đất trong dân để tạo quỹ đất sạch luôn là một vấn đề nan giải. Hệ lụy là đã xảy ra nhiều trường hợp DN tự đầu tư bên ngoài các khu, cụm công nghiệp gặp khó do cộng đồng địa phương thường yêu cầu với số tiền bồi thường cao hơn gấp 3 - 4 lần so với giá bình thường. Điều này gây ít nhiều ngán ngại cho các nhà đầu tư kế tiếp. Những thực trạng trên đang khiến địa phương còn mãi loay hoay trong thu hút đầu tư. Vấn đề đang được các chuyên gia tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp, đưa ra giải pháp trong tầm nhìn chiến lược.

Bên cạnh tìm ra giải pháp tháo gỡ nút thắt lớn về đất sạch, tham vấn của chuyên gia bước đầu đã chỉ ra rằng, hướng tới, Bến Tre cần khai thác, tận dụng tối đa các thế mạnh, cơ hội mà tỉnh có được cả về bên trong và bên ngoài. Có thể kể đến các thế mạnh như: khoảng cách gần TP. Hồ Chí Minh trong lưu vực của cảng Sài Gòn và sân bay Tân Sơn Nhất; có diện tích đất nông nghiệp lớn; có ngành thủy sản được thiết lập; có đất bờ sông, bờ biển rộng; dồi dào di tích văn hóa, lịch sử và tôn giáo phong phú; nhiều khu bảo tồn thiên nhiên... Qua đó cho thấy, tỉnh có lợi thế, nhiều cơ hội để tăng cường thu hút đầu tư trong và ngoài nước trên các lĩnh vực như: phát triển công nghiệp nhẹ xuất khẩu; phát triển bất động sản, thu hút du lịch; xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp tươi và qua chế biến; ngành chế biến, sản xuất thủy sản; năng lượng tái tạo...

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN