Giải pháp về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các sản phẩm nuôi thủy sản

27/11/2009 - 12:44

Trong những năm gần đây nghề nuôi thủy sản trong tỉnh phát triển khá mạnh trên cả 3 vùng sinh thái: mặn, lợ và ngọt, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Sản phẩm tạo ra đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Để tiếp tục phát triển nghề nuôi trồng thủy sản một cách ổn định, bền vững,  đáp ứng được nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường nhập khẩu (trong thời kỳ hội nhập), cần có sự nỗ lực hết mình của các ngành, các cấp trong công tác quản lý. Đặc biệt, tất cả người nuôi, các nhà máy chế biến phải có ý thức tự giác chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Có chiến lược lâu dài về qui hoạch vùng nuôi, thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo về chất lượng, an toàn vệ sinh cho sản phẩm thủy sản và bảo vệ môi trường nuôi, nhằm đạt được mục tiêu: an toàn dịch bệnh; an toàn môi trường; an toàn vệ sinh thực phẩm.

A. An toàn dịch bệnh:
Có biện pháp phòng, trị bệnh kịp thời và hiệu quả cho thủy sản nuôi. Giám sát thường xuyên và hiệu quả các biểu hiện liên quan đến bệnh lý của thủy sản nuôi để có biện pháp xử lý phù hợp trước khi dịch bệnh phát sinh. Có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn, tránh sự lây lan mầm bệnh giữa các ao nuôi và giữa ao nuôi với môi trường xung quanh.
 Nhằm giảm stress, tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh tác động đến cả đối tượng nuôi và các loài tự nhiên.
I. Kiểm soát tổng hợp
1. Chuẩn bị ao nuôi
Loại bỏ mầm bệnh còn tiềm ẩn trong ao nuôi, tạo môi trường sống thích hợp cho sự sinh trưởng của thủy sản trong quá trình nuôi.
1.1. Gia cố bờ ao, nạo vét đáy ao:
Tháo cạn nước trong ao hoặc dùng máy bơm để bơm cạn nước trong ao. Gia cố lại bờ ao, đắp lại những nơi bị sạt lở và rò rỉ.
 Cào hết lớp bùn đen ở đáy ao hoặc sử dụng máy bơm hút bùn để lấy hết bùn đáy ra khỏi ao nuôi. Bùn đáy ao được bơm vào ao (hoặc khu vực) chứa bùn cho tự phân hủy, tuyệt đối không được bơm bùn lên bờ ao hay bơm trực tiếp ra môi trường bên ngoài.
1.2. Bón vôi, phơi đáy ao:
Sau khi gia cố bờ ao và nạo vét bùn đáy xong tiến hành kiểm tra pH đất để xác định loại, lượng vôi cần bón thích hợp cho đối tượng nuôi. Tùy theo đối tượng nuôi có thời gian phơi đáy ao phù hợp.
1.3. Lấy nước, xử lý nước:
Việc lấy nước được thực hiện sau khi cải tạo ao xong, thời điểm lấy nước vào con nước cường. Dùng máy bơm nước vào ao nuôi hoặc lấy qua cống cấp, nước phải được lọc qua 1 lần lưới có kích thước mắt lưới phù hợp. Sử dụng lưới rào xung quanh ao nuôi nhằm hạn chế địch hại xâm nhập vào ao nuôi. Sau khi lấy nước vào ao nuôi, để ít nhất 3 ngày rồi tiến hành diệt tạp/ khử trùng.
2. Chọn giống, thả giống
Trước khi thả giống, nước phải được kiểm tra các yếu tố thủy hóa, thủy lý. Chỉ thả giống khi các thông số môi trường được điều chỉnh phù hợp. Giống thả nuôi phải được sản xuất tại các cơ sở sản xuất giống thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về sử dụng thuốc và hóa chất; được kiểm dịch theo qui định trước khi xuất bán. Thả giống phải chấp hành các qui định về lịch thời vụ.
3. Chọn thức ăn, thuốc, chất xử lý môi trường
Đảm bảo chất lượng thức ăn, tối ưu hóa hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR), giúp thủy sản sinh trưởng tốt.
3.1. Chọn thức ăn (thức ăn viên và thức ăn bổ sung):
Thức ăn phải được công bố chất lượng, được sử dụng phổ biến và hiệu quả, thành phần không chứa chất cấm theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Từng lô thức ăn sẽ được kiểm tra:
- Bao bì: phải còn nguyên vẹn, không bị ẩm ướt.
- Phải còn hạn sử dụng.
- Nhãn bao bì phải đúng theo công bố chất lượng.
   Nếu tất cả các nội dung nêu trên đều đạt yêu cầu thì tiếp nhận đưa vào kho bảo quản, sử dụng.
3.2. Chọn thuốc thú y và chất xử lý môi trường:
Từng vụ nuôi lập danh mục các loại thuốc thú y và chất xử lý môi trường, không được tiếp nhận và sử dụng các chất cấm, không tiếp nhận và sử dụng thuốc thú y và chất xử lý môi trường (sau đây gọi tắt là sản phẩm) không rõ nguồn gốc.
Sản phẩm phải được công bố chất lượng; được sử dụng phổ biến và hiệu quả.Từng lô sản phẩm sẽ được kiểm tra:
Bao bì: phải còn nguyên vẹn, không bị ẩm ướt.
Phải còn hạn sử dụng.
Nhãn bao bì phải đúng theo công bố chất lượng.
Nếu tất cả các yếu tố nêu trên đều đạt yêu cầu thì tiếp nhận đưa vào kho bảo quản, sử dụng.
(Còn tiếp)

 

Chi cục Nuôi trồng thủy sản Bến Tre

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN