Hàng Việt ngày càng được ưu tiên trong mua sắm

26/12/2014 - 07:33

Nhóm hàng điện - điện tử sản xuất trong nước được nhiều người tiêu dùng chọn khi mua sắm. Ảnh: Cẩm Trúc

Hiệu quả lớn nhất sau 5 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành vi trong mua sắm của đại đa số người tiêu dùng - ưu tiên lựa chọn hàng Việt.

Hàng nội tốt không kém hàng ngoại

Qua số liệu điều tra mới đây của Sở Công Thương đối với 7 nhóm hàng chủ yếu (điện, điện tử; vải sợi, quần áo may sẵn; thực phẩm chế biến, đồ uống; dược phẩm, thuốc chữa bệnh; hóa mỹ phẩm; vật tư nông nghiệp; vật liệu xây dựng), kết quả có từ 90 - 95% hàng hóa trong nước được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn khi mua sắm.

Đối với nhóm hàng điện, điện tử, trên 58% người tiêu dùng khi mua sắm chọn hàng sản xuất trong nước; trên 34% chọn hàng có linh kiện nhập khẩu nhưng lắp ráp trong nước; chỉ có 7% chọn hàng ngoại. Trong những năm gần đây, đa số chủ cửa hàng đều cho rằng, bán hàng sản xuất trong nước nhiều hơn hàng nhập khẩu - chiếm trên 62%. Qua mỗi năm, xu hướng lựa chọn hàng nội càng tăng cao hơn, do chất lượng hiện nay tốt hơn.

Đối với nhóm hàng vải sợi, quần áo may sẵn, 90% cửa hàng đều bán hàng sản xuất tại Việt Nam, không có cửa hàng nào bán chuyên hàng nhập khẩu, do thị hiếu và khả năng tài chính người tiêu dùng tại Bến Tre không đáp ứng được. Hiện nay, người tiêu dùng đã tiếp cận được với hàng may mặc Việt Nam chất lượng cao, giá cả hợp lý. Do đó, tỷ lệ mua sắm hàng Việt chiếm trên 95% so với hàng ngoại.

Đa số cửa hàng kinh doanh nhóm hàng thực phẩm chế biến, đồ uống đều bày bán hàng trong nước (chiếm gần 90%), do hiện nay mặt hàng này được sản xuất nhiều tại Việt Nam và chiếm một thị phần khá lớn. Với nhóm hàng này, 95% người tiêu dùng chọn hàng sản xuất trong nước.

Chi cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra hàng hóa Tết.

Về việc lựa chọn, sử dụng hàng Việt, bà Trần Thị Sinh - Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Sở Công Thương) nói: Người tiêu dùng sử dụng hàng trong nước là chủ yếu. Thời gian qua, Hội tiếp nhận 100% trường hợp khiếu nại, tư vấn liên quan đến hàng hóa trong nước. Điều này cho thấy, khi chọn mua hàng Việt, người tiêu dùng đã tính đến việc sẽ cần tìm đến nhà sản xuất, đại lý, cửa hàng để tiếp tục bảo hành, bảo dưỡng hoặc khiếu nại khi cần thiết. Mặt khác, chất lượng hàng trong nước ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, hàng trong nước vẫn còn nhiều bất cập về chất lượng, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Công tác hậu mãi, chăm sóc khách hàng chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, muốn người dân ngày càng tin tưởng vào hàng Việt thì trước hết doanh nghiệp phải thay đổi cung cách, thái độ phục vụ khách hàng. Nhà sản xuất và doanh nghiệp phải chia sẻ lợi ích với khách hàng vì hiệu quả của việc làm này cũng chính là mang lại lợi ích cho họ. “Người dân quan tâm ủng hộ hàng Việt nhưng nếu hàng không nâng cao chất lượng thì họ cũng sẽ quay lưng” - bà Trần Thị Sinh bày tỏ quan điểm.

Để cuộc vận động đi vào chiều sâu

Qua kết quả khảo sát cho thấy, một số đoàn thể thực hiện khá tốt cuộc vận động từ công tác tuyên truyền đến việc hưởng ứng, như Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp. Trái lại, các cơ quan hành chính nhà nước chưa thật sự vào cuộc. Theo ông Cao Thiên Thọ - Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương), thực tế mới chỉ có hơn 17% các cơ quan nhà nước xây dựng kế hoạch triển khai, tuyên truyền và hưởng ứng cuộc vận động bằng việc làm thiết thực. Còn lại, các cơ quan chưa xây dựng kế hoạch, chưa ưu tiên mua sắm trang thiết bị là hàng nội cho đơn vị mình.

“Về lâu dài, ưu tiên dùng hàng Việt Nam là việc làm thể hiện niềm tự hào dân tộc, lòng yêu nước và tự tôn dân tộc” - ông Dương Công Bình - Hội Nông dân tỉnh tâm huyết. Do vậy, thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã đưa nội dung này vào tiêu chí thi đua hàng năm. Muốn làm tốt thì phải có đội ngũ cán bộ tuyên truyền có kỹ năng, phân tích được vì sao cần sử dụng hàng nội thay vì hàng ngoại. Trong khi hiện nay, tài liệu tuyên truyền chưa nhiều, nội dung tuyên truyền chưa sâu. Về việc tổ chức các phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn”, ông Bình cho rằng, các đoàn thể phải tăng cường vận động trong đoàn thể mình tham gia và có theo dõi, giám sát, báo cáo. Vì thời gian qua, việc làm này chưa được tập trung.

Về hiệu quả sau 5 năm thực hiện cuộc vận động, bà Phạm Thị Hân - Phó Giám đốc Sở Công Thương nhận định: Nhìn chung, các cơ sở sản xuất kinh doanh hàng Việt ngày càng nhiều hơn, chất lượng cũng được nâng lên rõ rệt. Bằng chứng là hàng Việt ngày càng được ưu tiên trong mua sắm hơn so với hàng ngoại nhập. Để phát huy tốt những kết quả đạt được, thời gian tới, các cơ quan, ban ngành cần quan tâm hơn nữa trong hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến bao bì, nhãn hiệu hàng hóa; quảng bá, giới thiệu thương hiệu; ứng dụng công nghệ mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, đưa sản phẩm Việt chất lượng cao ngày càng tiến gần hơn với người tiêu dùng ở nông thôn; tăng cường xử lý vi phạm trên thị trường, giúp doanh nghiệp chân chính nâng cao tính cạnh tranh lành mạnh.

Bên cạnh đó, mỗi người dân phải cùng nhau giám sát, phát hiện các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa để đảm bảo uy tín hàng Việt, tạo tâm lý an tâm, hài lòng hơn khi mua sắm và sử dụng hàng Việt.

“Để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng, lực lượng quản lý thị trường phải tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp sản xuất, kinh doanh hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, nhãn mác, xuất xứ không rõ ràng” - bà Trần Thị Sinh nói.

Bài, ảnh: C.TRÚC

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích