Hiệu quả từ những công trình ngăn mặn

27/02/2012 - 06:24

Hàng năm, vào tháng 3, tháng 4, khi gió chướng thổi mạnh, nhiều người lại xôn xao lo chuyện nước mặn theo gió tràn về làm trở ngại đến sinh hoạt và năng suất cây trồng. Ở xã Hương Mỹ (Mỏ Cày Nam), các công trình cống đập ngăn mặn đã hoàn thành, đảm bảo nguồn nước dự trữ, phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp.

Các chuyên gia thủy lợi nước ngoài đến tìm hiểu hiệu quả ngăn mặn của công trình cống đập Ba Lai. Ảnh: H. Vũ

 

Xã Hương Mỹ nằm ở phía Nam của huyện Mỏ Cày Nam, có hệ thống sông ngòi dày đặc. Địa bàn xã giáp sông Cổ Chiên có chiều dài trên 6km, có nhiều cửa sông đổ ra sông Cổ Chiên và Hàm Luông nên hàng năm đều bị nước mặn xâm nhập, gây khó khăn trong phát triển kinh tế. Nhiều năm qua, được Nhà nước quan tâm đầu tư, các công trình ngăn mặn, chống lũ đã giúp nông nghiệp của xã dần chuyển hướng đi lên.

Trên địa bàn xã, cống Vàm Đồn và cống Bình Bát phát huy hiệu quả, phục vụ cho hàng trăm héc-ta diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Ông Uông Thành Nam - một người dân ở xã  Hương Mỹ phấn khởi nói: “Từ khi có hệ thống cống ngăn mặn, nông dân chúng tôi không còn lo lắng về ảnh hưởng của xâm nhập mặn, tôi rất an tâm sản xuất, làm giàu trên chính mảnh đất của mình”. Trước đây, trên địa bàn xã Hương Mỹ, nông dân khó canh tác các loại cây ăn trái. Hiện nay, nhờ chủ động được nguồn nước tưới, ông Uông Thành Nam đã áp dụng biện pháp đa canh, trồng cacao kết hợp trồng bưởi da xanh và nuôi ba ba trong mương vườn. Theo ông Nam, nhờ chủ động được nguồn nước quanh năm nên cây trồng và vật nuôi phát triển tốt. Từ hiệu quả trồng trọt và nuôi ba ba, sau khi trừ chi phí, mỗi năm ông Nam thu lãi trên 120 triệu đồng từ mô hình đa canh nêu trên.

Các công trình cống đập ngăn mặn nơi đây thuộc dự án các công trình thủy lợi của tỉnh đầu tư xây dựng nhằm ngăn mặn, trữ ngọt, tháo chua, rửa phèn, phục vụ các mục tiêu: trồng trọt, chăn nuôi và sinh hoạt của người dân. Nếu như trước đây, mỗi năm, nông dân xã Hương Mỹ chỉ sản xuất được 1 vụ lúa do ảnh hưởng của  hạn mặn thì nay nguồn nước đã  được ngọt hóa, nông dân có thể sản xuất được 3 vụ lúa trong năm, năng suất lúa đạt 10,8 tấn/ha. Từ khi có hệ thống cống ngăn mặn, trữ ngọt, từ cây lúa và mía hiệu quả thấp, bà con nông dân dần dần chuyển sang trồng các loại cây ăn trái. Đến nay, toàn xã Hương Mỹ có trên 15ha đất trồng cây ăn trái như: bưởi da xanh, xoài cát Hòa Lộc… đang phát triển và hơn 25ha cacao trồng xen trong vườn dừa đang cho hiệu quả kinh tế cao. Tận dụng diện tích mặt nước, bà con nông dân còn thả nuôi một số loài thủy sản có giá trị kinh tế như: tôm càng xanh, ba ba và các loài cá nước ngọt.

Các công trình cống đập nơi đây đã phát huy hiệu quả ngăn mặn, bảo vệ cho hàng trăm héc-ta đất nông nghiệp ở xã Hương Mỹ và một số xã lân cận như: Cẩm Sơn, Ngãi Đăng và Minh Đức.

Ông Nguyễn Văn Trung - Chủ tịch UBND xã Hương Mỹ cho biết: Mỗi năm, khi tới mùa nước mặn, hệ thống cống nơi đây được đóng kín, ngăn không cho mặn lấn sâu vào nội đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nông dân sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế, hạn chế thiệt hại do hạn mặn gây ra. Điều lo lắng của người dân nơi đây từ trước đến nay đã được giải tỏa. Nhiều năm qua, kinh tế nông nghiệp của xã có sự chuyển hướng khá rõ nét, trên địa bàn xã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần cải thiện cuộc sống của người dân. Chủ động được nguồn nước, nông dân phấn khởi tập trung sản xuất, phát triển kinh tế và ngày càng xuất hiện nhiều điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

Hoa Phượng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN