Hiệu quả từ những mô hình trồng xen trong vườn dừa

07/10/2011 - 07:40

Sản xuất nông nghiệp ngày càng gặp khó khăn, do thời tiết diễn biến bất thường, dịch bệnh gia tăng, chi phí đầu vào tăng cao, giá hàng nông sản không ổn định... Việc trồng xen, nuôi xen hiện là vấn đề rất đáng quan tâm.

 

Tại huyện Thạnh Phú có mô hình của ông Nguyễn Thành Long ở xã Tân Phong. Gia đình ông Long có 5 công vườn dừa nằm trong khu vực đê bao cụm Quới Điền, thuộc Dự án 418. Những năm trước, ông Long trồng dừa chủ yếu bán trái và lấy củi làm chất đốt. Do giá dừa không ổn định,  ông rất ít đầu tư phân bón (chỉ bón một, hai lần/năm), nên dừa bị thui mo, treo trái, năng suất thấp, mỗi năm thu lợi chỉ khoảng 2,5 triệu đồng. Thời gian gần đây, do giá dừa tăng, để nâng cao hiệu quả, ông Long quyết định đầu tư chăm sóc vườn dừa theo đúng qui trình kỹ thuật mới: bón các loại phân lân và vôi, kết hợp với bồi bùn mỗi tháng một lần, rải đều phân trên đất, dưới tán dừa kết hợp tưới nước để phân mau tan, thấm sâu vào đất giúp rễ dừa hấp thu phân nhanh. Sau thời gian áp dụng, dừa giảm rụng trái 70%, năng suất tăng lên rõ rệt, mỗi cây bình quân cho 7 trái/tháng. Sau khi thu hoạch, trừ các khoản chi phí, ông Long còn lãi khoảng 76 triệu đồng và các nguồn thu khác từ việc trồng xen, nuôi xen.

Ông Hồ Văn Thới ở xã Long Mỹ (Giồng Trôm) có 4 công vườn dừa được trồng xen cacao kết hợp với chăn nuôi heo, làm hầm biogas. Qua học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, ông Thới tự đề ra cách chăm sóc cây trồng: Hàng tháng, ông bón phân NPK 20-20-15 cho cây (200g/cây) kết hợp với việc bồi bùn vào đầu mùa mưa. Kết quả, dừa cho trái liên tục, bình quân mỗi tháng ông Thới thu hoạch 120 trái/công, lúc dừa treo cũng khoảng  80 trái/công. Với giá bán như hiện nay, mỗi tháng ông Thới thu lãi từ dừa khoảng 6 triệu đồng và 1,5 triệu đồng từ cacao.

Ông Trần Văn Lập ở xã An Khánh (Châu Thành) có 7 công vườn dừa (40 năm tuổi) được trồng xen cacao (400 cây). Hàng năm, ông Lập thực hiện 7 lần bón phân (khoảng 600kg) và tưới nước vào mùa nắng (15 ngày/lần) kết hợp nuôi nhiều kiến vàng để khống chế bọ xít, muỗi hại cacao, dừa... Trước kia, do ít được bón phân, tưới nước, nên năng suất dừa chỉ đạt khoảng 40 trái/cây/năm. Hiện nay, năng suất dừa tăng dần theo từng năm và ổn định ở mức 64 trái/cây/năm (tăng 60%); cacao đạt 20kg trái/cây/năm.

Hộ ông Nguyễn Văn Lẹ ở xã Tân Hội (Mỏ Cày Nam) có 7 công đất vườn chuyên trồng dừa ta xanh xen cacao. Mật độ trồng 200 cây/ha, dừa trong độ tuổi 25 năm. Ông Lẹ sử dụng nước xả biogas bơm tưới vườn dừa (15 ngày/lần). Hàng năm, ông chỉ bổ sung 140kg phân đạm, phân lân cho vườn dừa. Sau 2 năm thực hiện qui trình mới về chăm sóc vườn dừa, năng suất dừa trong mùa thuận đạt 1.300 trái/tháng/ha, mùa nghịch 1.020 trái/tháng/ha. Năng suất tăng so với trước đây khoảng 22%. Riêng, vườn  cacao thu được 10 tấn trái/ha/năm.

Hộ ông Trần Văn Thanh ở xã Sơn Phú (Giồng Trôm) có 2ha dừa (trước đây là ruộng phèn mặn, ông lên liếp trồng dừa), trong đó dừa ta 1,7ha với 340 cây, dừa xiêm 0,3ha với 90 cây. Mật độ trồng 200 cây/ha dừa ta, 300 cây/ha dừa xiêm. Vườn được thiết kế theo kiểu liếp đôi, trồng 2 hàng mỗi liếp. Liếp được bơm cát bổ sung mỗi năm 3 lần để tôn cao vườn. Hàng năm, vào đầu mùa nắng, ông bơm nước xả biogas kết hợp với bùn; tưới nước khoảng 15 ngày/lần, ngưng tưới 2-3 tháng cao điểm vào mùa nước lợ. Năng suất đạt 60 trái/cây/năm đối với dừa ta, 110 trái/cây/năm đối với dừa xiêm. Sản lượng đạt 19.000 trái dừa ta, 10.000 trái dừa xiêm/năm.

Ông Lê Văn Hùng, ông Lê Văn Châu, ông Huỳnh Văn Ngưng ở xã Thành Thới A (Mỏ Cày Nam) trồng cacao xen trong vườn dừa kết hợp với chăn nuôi heo. Các hộ này sử dụng nước xả từ hầm biogas tưới cho vườn cây bằng cách xẻ rãnh giữa từng bờ đất cho nước chảy theo rãnh thấm dần đến từng gốc cây, không phải bón phân hóa học, chỉ thỉnh thoảng bón một ít phân kali. Sau hơn một năm thực hiện, năng suất vườn cây được nâng lên đáng kể.

Trên đây là một số mô hình trồng xen trong vườn dừa. Hy vọng với sự năng động của người nông dân, Bến Tre sẽ ngày càng có nhiều mô hình trồng xen trong vườn dừa đạt hiệu quả cao hơn.

Bài, ảnh: Hữu Hiệp

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN