Khắc phục hiện tượng sượng trái sầu riêng bằng kỹ thuật canh tác

21/04/2009 - 13:12
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thái Xây (bìa phải) cùng nhiều đoàn khách đến tham quan giống sầu riêng sai trái tại Chợ Lách. Ảnh: T.Long

Sầu riêng bị sượng là một dạng rối loạn sinh lý trong quá trình phát triển trái của tất cả các giống sầu riêng.

Theo nghiên cứu của tiến sĩ Trần Văn Hâu – Trường Đại học Cần Thơ và thạc sĩ Bùi Thanh Liêm – Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách thì hiện tượng sượng cơm và mức độ sượng tùy thuộc vào từng giống. Trong 6 giống sầu riêng được trồng tại huyện Chợ Lách thì giống Mõn-thong có tỉ lệ sượng cao nhất khoảng 88% với kiểu sượng chủ yếu là mất màu, giống sầu riêng khổ qua xanh tỉ lệ sượng khoảng 60% chủ yếu là bị nhão cơm, giống Ri-6 tỉ lệ sượng khoảng 16,7% chủ yếu là bị cháy múi, giống sầu riêng sữa hạt lép tỉ lệ sượng khoảng 10% trong đó có bị mất màu và nhão cơm. Thu hoạch trái trong mùa mưa, cây còn tơ và trái có trọng lượng lớn, đặc biệt là sầu riêng Mõn-thong được xác định là yếu tố quan trọng gây ra hiện tượng sượng cơm.

Đề tài nghiên cứu của tiến sĩ Trần Văn Hâu và thạc sĩ Bùi Thanh Liêm nhằm mục đích xác định một số yếu tố liên quan đến hiện tượng sượng cơm trái sầu riêng, khắc phục hiện tượng sượng và tăng phẩm chất cơm trái sầu riêng Mõn-thong và sữa hạt lép bằng biện pháp canh tác hoàn chỉnh. Các thí nghiệm được thực hiện trên cây sầu riêng Mõn-thong và sữa hạt lép 8 đến 12 năm tuổi trồng tại vườn các hộ nông dân thuộc huyện Chợ Lách.

Đối với giống sầu riêng sữa hạt lép, thu hoạch trái khoảng 100 đến 110 ngày sau khi đậu trái, cơm trái có phẩm chất cao nhất. Hiện tượng sượng cơm thường gặp là cháy múi và nhão cơm. Biện pháp khắc phục là phun nitrát canxi 0,2% hai tháng sau khi đậu trái, 15 ngày sau phun sunphát magiê 0,2% và phun nitrát kali 1% 30 ngày trước khi thu hoạch sẽ làm tăng các chất rắn hòa tan và giảm tỉ lệ trái sượng nhưng tỉ lệ trái sượng vẫn còn khá cao khoảng 20%, như vậy biện pháp phủ gốc bằng plastic 25 ngày trước khi thu hoạch sẽ làm tăng phẩm chất cơm, giảm hàm lượng nước trong cơm, cơm ráo và giảm hoàn toàn hiện tượng sượng.

Đối với giống sầu riêng Mõn-thong, thu hoạch ở thời điểm 100 đến 115 ngày sau khi đậu trái, cơm trái có chất lượng cao, không ảnh hưởng đến tỉ lệ sượng như giống sầu riêng sữa hạt lép. Hiện tượng sượng cơm phổ biến là cứng cơm xen kẽ với mất màu, tỉ lệ trái sượng có thể lên đến 85%. Có thể khắc phục gần như hoàn toàn hiện tượng sượng cơm trên trái sầu riêng Mõn-thong bằng cách xử lý trước khi thu hoạch với nitrát canxi 0,2% giai đoạn 2 tháng sau khi đậu trái, 15 ngày sau phun sunphát magiê 0,2%, phun nitrát kali 1% một tháng trước khi thu hoạch và phủ plastic 25 ngày trước khi thu hoạch, kết hợp với nhúng trái vào dung dịch ethephon nồng độ 0,2% sau khi thu hoạch.

Hiện tượng sượng cơm trên trái sầu riêng do nhiều yếu tố tác động và nguyên nhân khác nhau như: Thời tiết, sâu đục trái, ảnh hưởng của biện pháp phun phân bón qua lá, thời điểm bón phân, phủ bạt cho gốc liên quan đến độ ẩm của đất v.v… trong đó nước, phân bón là hai yếu tố quan trọng nhất, bên cạnh đó biện pháp xử lý sau thu hoạch cũng góp phần quan trọng làm giảm tỉ lệ sượng gần như hoàn toàn. Biện pháp phủ gốc bằng plastic kết hợp với rút nước trong mương vườn được thực hiện sau khi phun nitrát kali, trái sau khi thu hoạch được nhúng ethephon nồng độ 0,2% cũng góp phần khắc phục hiện tượng sượng trái.

Đề tài nghiên cứu khoa học về “Khắc phục hiện tượng sượng trái sầu riêng bằng biện pháp canh tác” của tiến sĩ Trần Văn Hâu và thạc sĩ Bùi Thanh Liêm đã được Hội đồng Khoa học – Công nghệ tỉnh Bến Tre nghiệm thu. Sắp tới, công trình sẽ được đưa vào ứng dụng rộng rãi trong sản xuất, góp phần làm tăng phẩm chất cũng như giá trị thương phẩm của sầu riêng.

Nguyễn Thẻ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN