Nâng cao nhận thức về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp

27/01/2010 - 09:25
Sản xuất cơm dừa nạo sấy với công nghệ sản xuất sạch hơn tại BTCO Bến Tre. Ảnh: H. Vũ

Ngày 20-1-2010, tại khách sạn Hàm Luông, Bộ Công thương tổ chức Hội thảo triển khai thực hiện chiến lược sản xuất sạch hơn (SXSH) trong công nghiệp đến năm 2020, với sự tham dự của đại diện Sở Công thương và Trung tâm khuyến công 21 tỉnh, thành phía nam. Theo đó, từ nay đến năm 2015, có 50% cơ sở sản xuất công nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH trong công nghiệp. 25% cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng SXSH, tiết kiệm được 5 - 8% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu trên đơn vị sản phẩm. 70% các sở công thương có cán bộ chuyên trách đủ năng lực hướng dẫn áp dụng SXSH cho các cơ sở sản xuất công nghiệp.

Giai đoạn 2016-2020, có 90% cơ sở sản xuất công nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH trong công nghiệp; 50% cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng SXSH, tiết kiệm được 8-13% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu trên đơn vị sản phẩm. 90% doanh nghiệp vừa và lớn có đầu mối chuyên trách về SXSH. 90% các sở công thương có cán bộ chuyên trách đủ năng lực hướng dẫn áp dụng SXSH cho các cơ sở sản xuất công nghiệp.
Cách đây 10 năm, SXSH trong công nghiệp đã thực hiện ở Việt Nam nhưng chưa nhận được sự hưởng ứng tích cực của các chủ doanh nghiệp. Vấn đề được hội nghị đặt ra là đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về SXSH trong công nghiệp cho các cấp, ngành, địa phương, cơ sở sản xuất công nghiệp và cộng đồng dân cư. Từng tỉnh rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách, pháp luật thúc đẩy SXSH trong công nghiệp; lồng ghép nội dung SXSH vào chiến lược, quy hoạch phát triển ngành công nghiệp, chiến lược quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, chương trình, kế hoạch bảo vệ môi trường của bộ, ngành và địa phương.
Ông Mikael Malinovsky, cố vấn quốc tế dài hạn của Hợp phần SXSH trong công nghiệp (CPI) cho rằng, SXSH có thể áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp, bất kể quy mô lớn, nhỏ và ngành nghề sản xuất. SXSH được xem là một công cụ phát triển kinh doanh nhằm giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, thỏa mãn yêu cầu của khách hàng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực năng lượng, nguyên liệu, nâng cao năng suất, giảm chi phí vận hành. Giá trị lợi ích tăng thêm của SXSH thể hiện ở việc giảm tác động  tới môi trường cả trong và ngoài nhà máy của quá trình sản xuất, giúp doanh nghiệp tuân thủ đúng luật và các qui định về môi trường, an toàn sức khỏe nghề nghiệp.
Ông Trần Văn Đấu - Phó Giám đốc Sở Công thương Bến Tre cho biết: Trong kế hoạch hành động SXSH trong công nghiệp của tỉnh từ năm 2009-2013, mục tiêu đặt ra là giảm nguyên liệu đầu vào 10%, giảm 15% tổng lượng phát thải tính trên đơn vị sản phẩm, giảm chất thải 20% trong công nghiệp chế biến dừa, chế biến thủy sản, các khu công nghiệp, làng nghề; 60% doanh nghiệp và các cấp quản lý được tập huấn nâng cao năng lực về SXSH. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 6 doanh nghiệp và 1 làng nghề được CPI hỗ trợ thực hiện mô hình trình diễn SXSH, trong đó có 2 doanh nghiệp thực hiện xong dự án, 1 doanh nghiệp đã hoàn thành 90%.

Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích