Bình Đại: Chủ động phòng chống hạn, mặn năm 2019

07/01/2019 - 09:07

BDK - Trong những năm qua, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đã gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong huyện. Hiện nay đang vào mùa khô, tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn có khả năng xảy ra trên diện rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân, nhất là các xã ven biển, ven sông Cửa Đại.

Mô hình chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng hoa lài tại xã Vang Quới Đông.

Mô hình chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng hoa lài tại xã Vang Quới Đông.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Để thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, huyện tập trung huy động mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống, ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, đảm bảo thực hiện tốt việc ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra. Chú trọng thực hiện các giải pháp cấp nước sinh hoạt cho người dân. Phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện các dự án như nâng cấp đê biển, đê sông Tiền, dự án trồng rừng gây bồi…; dự án cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi thủy sản tập trung, hồ chứa nước ngọt; nạo vét khoảng 20 tuyến kênh phục vụ sản xuất.

Tiếp tục vận động nhân dân chủ động thực hiện biện pháp đắp đập tạm, bờ bao cục bộ, các cống... để ngăn mặn, trữ ngọt; quản lý, vận hành các cống hoàn thành phù hợp từng vùng; đưa vào sử dụng các nhà máy cấp nước sinh hoạt nông thôn. Khảo sát các hệ thống công trình thủy lợi để đề xuất sớm duy tu, sửa chữa; có kế hoạch vận hành hệ thống cống đê sông Tiền và các cống ven sông Ba Lai linh hoạt, phù hợp với diễn biến tình hình thực tế; thông báo lịch đóng mở cống để nhân dân biết, chủ động phòng tránh và có ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Tổ chức quan trắc, theo dõi độ mặn tại các điểm lấy nước, thượng - hạ lưu cống để điều tiết, vận hành cống phù hợp, tăng cường tần suất thông tin về tình hình, diễn biến hạn trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vận động nhân dân chủ động thực hiện ngăn mặn trữ ngọt theo từng hộ gia đình, hạn chế thiếu nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất. Chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật lĩnh vực cây trồng và chăm sóc vật nuôi trong điều kiện thiếu nước ngọt và nhiễm mặn, hướng dẫn nông dân sử dụng các chế phẩm sinh học phân hủy nhanh chất hữu cơ để tránh ngộ độc hữu cơ cho lúa vụ Đông Xuân.

Khuyến cáo người dân nên chủ động

 Thực hiện chuyển đổi sản xuất lúa vụ Đông Xuân sớm và Hè Thu muộn, khuyến khích nông dân ưu tiên sử dụng các giống lúa ngắn ngày hoặc cực ngắn ngày, giống xác nhận thích nghi với điều kiện địa phương như OC10, OM 6162, OM 9921, OM 9915, OM 4900, OM 3673, OM 6976, OM 8108, OM 8923; các vùng không đảm bảo điều kiện nước tưới, vận động nông dân thực hiện chuyển đổi sang cây trồng cạn sử dụng ít nước như trồng hoa màu, trồng dừa... Thực hiện giải pháp “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” nhằm tiết kiệm nước. Tổ chức tập huấn hướng dẫn cho nông dân ứng dụng ngay từ đầu vụ biện pháp kỹ thuật tiến bộ, tăng cường sử dụng giống lúa chất lượng cao, ngắn ngày, gieo sạ đồng loạt, tập trung né rầy ở từng khu vực; khuyến cáo việc sử dụng các giống lúa chống chịu được mặn, hạn, phèn ở những vùng có nguy cơ xâm nhập mặn và hạn vào cuối vụ.

Khuyến cáo nông dân trữ nước ngọt trong mương vườn; theo dõi diễn biến mặn hàng ngày để lấy nước tưới cho cây trồng phù hợp, không sử dụng nước có độ mặn > 2%o tưới cho cây, dùng cỏ, rơm rạ, lục bình... tủ gốc giữ ẩm. Dự trữ nước ngọt bằng các biện pháp đắp đập tạm ngăn mặn cục bộ, xây thêm hồ chứa nước hoặc dùng túi nylon chứa nước ngọt trong mương vườn... để phục vụ trong chăn nuôi. Theo dõi diễn biến thời tiết, tình hình xâm nhập mặn từ nguồn nước trên các tuyến sông chính, kênh rạch tự nhiên, đối với các vùng tiếp giáp giữa ranh mặn và ngọt, các vùng có hệ thống thủy lợi chưa khép kín ảnh hưởng đến hoạt động nuôi thủy sản, kiểm tra tình hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện và có khuyến cáo, hướng dẫn người dân bố trí thời vụ nuôi thủy sản phù hợp; theo dõi chặt chẽ tình hình phát triển của nghêu, sò huyết nuôi, tình hình biến động của thời tiết và môi trường nước để có giải pháp quản lý hiệu quả.

Quan tâm công tác phòng chống cháy rừng ở các xã; thành lập Đoàn công tác đến các xã kiểm tra và hỗ trợ địa phương trong công tác phòng chống thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn. Có kế hoạch cấp nước cụ thể nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trong mùa khô hạn, đảm bảo về số lượng cũng như chất lượng để phục vụ nhân dân. Tăng cường công tác kiểm tra, duy tu bảo dưỡng các hệ thống cấp nước tại các nhà máy nước, đảm bảo vận hành các nhà máy nước liên tục phục vụ sinh hoạt cho nhân dân. Các khu vực chưa có hệ thống cấp nước máy, thực hiện cấp nước lưu động cho người dân trong mùa khô hạn, không để cho dân thiếu nước ngọt sử dụng hoặc mua nước ngọt với giá cao.

Bài, ảnh: Công Lý

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN