Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Thúc đẩy sản xuất hiệu quả, cải thiện thu nhập người dân

27/06/2018 - 07:40

Nông dân Chợ Lách tập trung phát triển cây giống, hoa kiểng. Ảnh: Cẩm Trúc

Nông dân Chợ Lách tập trung phát triển cây giống, hoa kiểng. Ảnh: Cẩm Trúc

Qua 5 năm, việc tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp (NN) theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, người dân là đối tượng chính thụ hưởng từ một đề án quan trọng. Xoay quanh vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quới - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cho biết:

- Ban Kinh tế - Ngân sách vừa tổ chức đoàn giám sát việc thực hiện Đề án số 6227 của UBND, ngày 18-12-2013 về tái cơ cấu ngành NN theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh giai đoạn 2013 - 2015 và hướng đến năm 2020 (đề án). Đoàn đã giám sát đối với UBND các huyện Chợ Lách, Thạnh Phú, Giồng Trôm, Ba Tri, Sở NN và Phát triển nông thôn.

So với trước khi ban hành đề án, hiệu quả sản xuất trên 1ha diện tích canh tác đất trồng trọt tăng từ 51 triệu đồng lên 81 triệu đồng; thủy sản dao động mức 300 - 367 triệu đồng, tăng 1.097ha về diện tích và 12.248 tấn về sản lượng. Mức thu nhập bình quân đầu người của người dân nông thôn tăng từ 21 triệu đồng lên 32 triệu đồng/năm. Mỗi địa phương cũng từng bước xây dựng cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sinh thái, cho năng suất, hiệu quả cao. Các chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của từng địa phương đã định hình và đang từng bước được hoàn thiện chuỗi với các liên kết ngang, liên kết dọc.

* Dấu ấn rõ nét về hiệu quả cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh hiện nay?

- Ngành NN đã rất quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương cơ cấu lại vùng cây trồng, vật nuôi chủ lực phù hợp với điều kiện sinh thái NN, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo ra hiệu quả tổng hợp cao hơn so với trước khi thực hiện đề án.

Điển hình như các huyện biển tập trung phát triển nuôi thâm canh tôm sú, tôm thẻ, nuôi nghêu sò, đánh bắt xa bờ, phát triển hậu cần nghề cá. Các huyện vùng ngọt tập trung phát triển sản xuất NN theo hướng giảm dần diện tích trồng lúa, mía kém hiệu quả sang trồng dừa, các loại cây ăn trái, cây giống. Chăn nuôi gia cầm, gia súc phát triển dần theo hướng gia trại, nông trại. Một số huyện đã hình thành được các vùng chuyên canh bưởi da xanh, chôm chôm, sầu riêng… Đối với hầu hết các loại cây ăn trái đặc sản, người dân địa phương đều có thể áp dụng khoa học kỹ thuật cho trái nghịch mùa, rải vụ, mang lại giá trị kinh tế cao hơn nhưng năng suất cũng không chênh lệch nhiều so với vụ mùa.

Một số cây trồng, vật nuôi không phù hợp với điều kiện vùng hoặc kém hiệu quả cũng được nhân dân nhanh chóng chuyển đổi. Bộ phận vùng ruộng lõm, sản xuất lúa kém hiệu quả được chuyển sang trồng dừa, cây màu và cây ăn trái. Riêng tại Thạnh Phú, diện tích sản xuất lúa được tận dụng để khai thác mô hình lúa - tôm rất hiệu quả. Diện tích mía giảm nhanh, chuyển sang cây trồng khác có hiệu quả hơn. Thay vào đó, cây dừa, cây ăn trái phát triển nhanh, hình thành vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến xuất khẩu. Heo, bò phát triển nhanh về số lượng và quy mô nuôi. Đàn bò phát triển nhanh trong vùng chuyên canh cây lúa; đàn heo phát triển trong vùng chuyên canh dừa. Đàn gia cầm chủ yếu là gà phát triển dưới hình thức gà thả vườn. Đây là cơ cấu nuôi trồng hợp lý.

Kết quả này gắn với tiêu chí số 10 và tiêu chí số 13 trong chuẩn xã nông thôn mới về phát triển kinh tế tập thể, nâng cao thu nhập và cơ bản đạt được mục tiêu làm tăng năng suất và giá trị sản xuất NN.

* Để thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành NN, thời gian qua, tỉnh đã xây dựng và triển khai nhiều quy hoạch, qua rà soát ông thấy có vấn đề gì cần quan tâm?

- Qua giám sát, các quy hoạch ngành đang được rà soát, điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế sản phẩm của từng địa phương và có tổ chức triển khai, quản lý sản xuất theo quy hoạch. Hiện nay, đã điều chỉnh quy hoạch nuôi tôm chân trắng, nuôi cá da trơn; đang điều chỉnh các quy hoạch: thủy lợi; cấp nước nông thôn; chi tiết nuôi trồng thủy sản trên địa bàn Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú; chăn nuôi và giết mổ, chế biến gia súc gia cầm tập trung; chuẩn bị điều chỉnh quy hoạch vùng trồng bưởi da xanh và dừa xiêm xanh.

* Sau chuyến giám sát thực tế tại các địa phương, ông đánh giá thế nào về kết quả việc hình thành các tổ chức sản xuất, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực của tỉnh, gắn với thực hiện Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy?

- Kết quả khá ấn tượng. Đến thời điểm giám sát, so với trước khi ban hành đề án, tỉnh đã thành lập mới 717 tổ hợp tác, trong đó có 23 tổ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; 7 hợp tác xã; 7 làng nghề được công nhận, tăng 137 trang trại. Diện tích tổ hợp tác, hợp tác xã thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm khoảng từ 3.500 - 3.700ha, đạt 20%/tổng diện tích sản xuất NN. Điển hình một số chuỗi đã hình thành và phát triển như: chuỗi sản phẩm dừa đã liên kết tiêu thụ được 3 triệu trái/năm, bằng 0,5% tổng sản lượng (573,4 triệu trái). Chuỗi sản phẩm bưởi da xanh liên kết tiêu thụ được 1.600 tấn/năm, đạt 1,2% tổng sản lượng (330.000 tấn/năm).

Bên cạnh đó, tỉnh đã hình thành cơ bản các mô hình liên kết đối với các sản phẩm chủ lực của địa phương như lúa, rau màu, bò, xoài, giống cây ăn trái, bưởi… Nổi bật trong hai năm gần đây, tỉnh đã đăng ký thành công nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chủ lực, giúp phát triển thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho người sản xuất.

* Theo ông, để phát huy hiệu quả thực hiện đề án trong thời gian tới, ngành NN cần tập trung làm gì?

- Cùng với những kết quả đáng trân trọng, quá trình thực hiện đề án cũng bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế. Để khắc phục hạn chế, khó khăn đó, Sở NN và Phát triển nông thôn cần thay đổi phương pháp, hình thức tuyên truyền. Xác định mục tiêu tuyên truyền để nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế về chủ trương tái cơ cấu ngành NN tỉnh, từng bước tháo gỡ điểm “nghẽn” trong vận động thay đổi tập quán, quy mô sản xuất và thay đổi nhận thức từ sản xuất NN sang kinh tế NN.

Ngành tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch vùng sản xuất NN cho phù hợp với quy hoạch sản xuất NN; quy hoạch sử dụng đất và xu thế phát triển thị trường. Đồng thời, kiểm tra, xử lý hoặc tham mưu đề xuất hướng xử lý kịp thời đối với các trường hợp nuôi trồng không phù hợp quy hoạch; xây dựng và nhân rộng một số mô hình mang tính bền vững, tạo điều kiện thu hút nông dân tham gia; chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan hỗ trợ nông dân về thị trường chính thống.

Đối với UBND tỉnh, cần tăng cường chỉ đạo các sở, ngành có liên quan tập trung rà soát, điều chỉnh cục bộ quy hoạch sản xuất NN, thủy lợi để thống nhất với quy hoạch sử dụng đất và phù hợp tình hình thực tế; đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ hình thành các chuỗi giá trị, đặc biệt là các sản phẩm chưa tạo được liên kết đầu ra; quan tâm thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ NN, nông dân, nông thôn trên địa bàn.

* Xin cảm ơn ông!

Cẩm Trúc (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN