Diện tích sản xuất cây giống Chợ Lách tăng mạnh

16/05/2018 - 06:52

BDK - Huyện Chợ Lách là địa phương có diện tích sản xuất cây giống lớn nhất tỉnh. Từ năm 2015 đến nay, nhiều diện tích cây ăn quả kém hiệu quả được người dân chuyển đổi sang sản xuất cây giống, dẫn đến diện tích cây giống của huyện tăng liên tục.

Sôi nổi thị trường cây giống Chợ Lách.  Ảnh: Cẩm Trúc

Sôi nổi thị trường cây giống Chợ Lách.  Ảnh: Cẩm Trúc

Năm 2016, diện tích cây giống lâu năm ở huyện trên 941ha, năm 2017 tăng lên trên 1.165ha. Những năm trước, huyện Chợ Lách xuất bán ra thị trường khoảng 16 triệu cây giống thì từ năm 2016-2017, số lượng cây giống bán ra thị trường tăng gấp 2 lần.

Chuyển đổi mạnh sang sản xuất cây giống

Địa phương chuyển đổi mạnh sang sản xuất cây giống tập trung ở các xã: Vĩnh Thành, Tân Thiềng, Phú Sơn...

Xã Phú Sơn có 665,1ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Năm 2016, diện tích cây giống của xã khoảng 253ha, xuất bán ra thị trường trên 3 triệu cây giống các loại. Đến năm 2017, diện tích trồng cây giống trên địa bàn xã tăng lên 256,9ha. Cây giống luôn duy trì tốc độ phát triển. Trong năm 2017, xuất bán ra thị trường ước đạt 3,7 triệu cây giống các loại như xoài, mít, sầu riêng, cam, bưởi...

Nhìn chung, diện tích cây giống trên địa bàn xã Phú Sơn tăng mạnh, diện tích cây ăn quả và diện tích trồng dừa giảm. Xã hiện có 2.202 hộ, trong đó có khoảng 80% hộ trồng cây giống. Cây giống là cây kinh tế chủ lực của xã. Ông Nguyễn Thanh Phương -  Phó chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, từ năm 2015, người dân trên địa bàn xã dần chuyển đổi diện tích cây ăn quả kém hiệu quả sang sản xuất cây giống. Giá cây giống năm nay (cây xoài, mít, bưởi, chôm chôm... tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Dự đoán diện tích sản xuất cây giống của xã sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới.

Gia đình ông Nguyễn Văn Tài, xã Phú Sơn có 4 nhân khẩu đều làm nghề sản xuất cây giống. Ông Tài cho biết, gia đình chỉ có 3.000m2 để sản xuất cây giống từ hơn 20 năm nay. Thời gian gần đây, thấy cây giống hút hàng nên ông mướn thêm 5.000m2 để ươm cây giống các loại: sầu riêng, mít, bưởi da xanh... Giá cây giống ổn định nhiều năm nên đem lại lợi nhuận khá.

Hộ ông Nguyễn Văn Sơn, xã Phú Sơn đang phá 1,1ha trồng măng cụt không hiệu quả để chuyển đổi dần sang sản xuất cây giống. Trước năm 2016, mỗi 1.000m2 trồng măng cụt, ông Sơn thu được 40 - 50 triệu đồng/năm. Sau đợt hạn mặn, cây bắt đầu không ra trái. Hiện nay, ông Sơn đã chuyển 7.000m2 trồng măng cụt sang trồng cây giống, dự tính cuối năm nay sẽ chuyển đổi hết số diện tích còn lại. “Nếu trồng 1.000m2 diện tích măng cụt lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng/năm thì cây giống đem lại lợi nhuận gấp 5 lần”, ông Sơn so sánh.

Tăng nhanh phá vỡ quy hoạch

Sau đợt hạn mặn năm 2016, các vườn cây ăn quả trên địa bàn huyện bắt đầu khôi phục phát triển. Tuy nhiên, do thị trường cây giống tăng nên người dân đốn bỏ cây ăn quả để chuyển sang sản xuất cây giống. Vì vậy, sau đợt hạn mặn, diện tích cây giống của huyện tăng đáng kể. Huyện đã chuyển đổi được hơn 500ha vườn cây ăn quả giá trị thấp sang trồng cây có giá trị cao; trong đó, chủ yếu chuyển đổi sang sản xuất cây giống gần 400ha. Nhiều mô hình sản xuất cây giống đạt giá trị sản xuất rất cao từ 1 - 1,5 tỷ đồng/ha.

Theo ông Lê Văn Đơn - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, từ năm 2014 - 2016, cây giống có những thị trường lớn là dự án của các tỉnh, còn hiện nay thì hệ thống thương lái tiêu thụ lượng cây giống của huyện. Do có đầu ra nên diện tích sản xuất cây giống của huyện vẫn tiếp tục tăng. Sự chuyển đổi diện tích và cơ cấu cây trồng còn mang tính tự phát trong người dân, chưa theo định hướng và quy hoạch, nhất là việc phát triển ồ ạt sản xuất cây giống gây nguy cơ cung sẽ vượt cầu.

Phó chủ tịch UBND huyện Chợ Lách Phạm Anh Linh cho biết, theo quy hoạch huyện có 4 loại cây ăn quả chủ lực là chôm chôm, bưởi, sầu riêng và măng cụt. Tuy nhiên, từ năm 2014 - 2017, diện tích cây măng cụt sụt giảm liên tục (năm 2014 diện tích 1.127ha, đến năm 2017 còn khoảng 969ha). Trong khi đó, diện tích cây giống của huyện tăng nhanh dẫn đến phá vỡ quy hoạch. Nguyên nhân là do nhu cầu của thị trường về cây giống tăng.

Vì vậy, UBND tỉnh cần có thông tin thị trường chính thống để người sản xuất cây giống nắm bắt được nhu cầu của thị trường, điều tiết việc sản xuất. Hàng năm, tỉnh nên tổ chức cho một số doanh nghiệp và huyện chuyến đi khảo sát đến một số tỉnh ở Tây Nguyên (đầu ra chính của cây giống ở địa phương) nắm bắt thị trường tiêu thụ, nhu cầu... để từ đó cung cấp, định hướng thông tin cho người dân ở địa phương sản xuất.

Trước tình hình diện tích sản xuất cây giống tăng ồ ạt, ông Võ Văn Nam - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, đơn vị này vừa trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét kế hoạch thành lập đoàn đi khảo sát thị trường tiêu thụ, nhu cầu cây giống ở một số tỉnh miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên vào cuối tháng 5-2018. Sau chuyến đi, ngành nông nghiệp sẽ quy hoạch lại vùng sản xuất cây giống tập trung, quản lý chất lượng giống tốt để đưa ra thị trường.

Viết Duyên

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích