Nâng cao chuỗi giá trị trái cây đặc sản của tỉnh

02/07/2018 - 07:06

BDK - Thực hiện Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy về xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực của tỉnh, đến nay, tỉnh đã hình thành các chuỗi dừa, bưởi da xanh, nhãn, chôm chôm, cây giống và hoa kiểng. Việc xây dựng chuỗi giá trị bước đầu được nhiều nông dân quan tâm đánh giá cao và tham gia tích cực, hình thành những vùng nguyên liệu đáp ứng tiêu chuẩn của doanh nghiệp (DN).

Sản xuất cây giống ở Chợ Lách.

Sản xuất cây giống ở Chợ Lách.

Hình thành các chuỗi trái cây đặc sản

Đối với cây dừa, xây dựng được 2 chuỗi đối với dừa công nghiệp và dừa uống nước. Nhiều DN đã tham gia chuỗi, hợp đồng tiêu thụ dừa của nông dân và hướng nông dân từng bước chuyển sang thực hành nông nghiệp tốt, sản xuất an toàn, bền vững.

Chuỗi giá trị bưởi da xanh, hình thành liên kết chuỗi giữa nông dân ở các huyện Châu Thành, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm, TP. Bến Tre với nhiều DN như: Hương Miền Tây, Hoàng Quý, Lộc Trời, VinEco… Đến nay, sản lượng liên kết tiêu thụ cho DN đạt khoảng 2.000 tấn/năm.

Đối với trái nhãn, thành lập được hợp tác xã (HTX) với quy mô 50ha và ký kết với các DN tiêu thụ trên 300 tấn/năm. Tương tự, với chôm chôm, cây giống và hoa kiểng cũng là những sản phẩm chủ lực của tỉnh. Hiện nay, có nhiều tổ hợp tác, HTX hình thành.

Vấn đề hạn chế trong thời gian qua được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhìn nhận, trước hết là ý thức của người dân về tự nguyện tham gia, thành lập các tổ hợp tác, HTX chưa cao. Phần nhiều nông dân còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, DN. Năng lực quản lý, điều hành HTX còn hạn chế. Mối liên kết giữa nông dân và DN chưa chặt chẽ, thậm chí xảy ra nhiều trường hợp mua bán chưa có hợp đồng, dẫn đến tình trạng “bẻ kèo”, mất niềm tin lẫn nhau. Đa số DN trong tỉnh chưa đủ mạnh để đóng vai trò hạt nhân trong việc vận hành chuỗi giá trị. Một số văn bản quy phạm pháp luật chưa được đồng bộ gây khó khăn trong quá trình thực hiện.

Mở cửa thị trường xuất khẩu

Ông Lê Ngọc Sơn - Phó giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thanh Việt cho rằng, nhiều nông dân còn tâm lý ngại hợp đồng bởi tính chất pháp lý ràng buộc cao. Nên khi giá cao hơn, người dân sẵn sàng bán ra bên ngoài cho thương lái và ngược lại, khi giá thị trường xuống thấp, nông dân mới đổ dồn vào DN. Để nâng cao chuỗi giá trị, nông dân và DN cần mạnh dạn ký kết hợp đồng, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa hai bên, đảm bảo cùng có lợi.

Về phía nông dân, ông Nguyễn Văn A, HTX nông nghiệp Long Hòa, huyện Bình Đại cho rằng, nông dân có nhu cầu liên kết để tiêu thụ hàng hóa. Vì vậy, DN hãy liên hệ đặt vấn đề thẳng thắn với các HTX. Hai bên sẽ thống nhất phương án sản xuất theo tiêu chuẩn của DN, cũng như về sản lượng, giá cả. “Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số DN tự liên hệ với nông dân để thu mua riêng lẻ và không hợp đồng hoặc không có kế hoạch thu mua” - ông A nói.

Để nâng cao chuỗi giá trị, nhiều DN còn cho rằng, hiện nhiều sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn xuất khẩu nhưng vẫn còn bỏ ngỏ thị trường trong nước. DN kiến nghị Nhà nước có giải pháp chứng nhận đủ tiêu chuẩn xuất khẩu cho trái cây, nâng cao giá trị hàng hóa để phục vụ thị trường trong nước.

Có thể nói, việc mở cửa thị trường xuất khẩu và nhất là xây dựng các tiêu chuẩn theo các thị trường tiềm năng là một trong những giải pháp cốt lõi để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa cho nông dân, nâng cao giá trị sản phẩm địa phương. Ông Nguyễn Minh Trang - Tổ hợp tác bưởi da xanh Sơn Đông 1, huyện Châu Thành nêu vấn đề: “Về kỹ thuật, cách thức sản xuất theo các tiêu chuẩn GAP hiện nay có thể nói nông dân rất am tường vì đã có nhiều năm tham gia. Vấn đề là hiện nay nông dân còn thiếu thông tin từ thị trường xuất khẩu. Chúng tôi đề nghị ngành nông nghiệp cần khuyến cáo cụ thể tên các loại thuốc không được sử dụng để nông dân nắm”.

Ông Đàm Văn Hưng - Chủ cơ sở Hương Miền Tây cũng nhìn nhận thời gian qua chưa có sự liên kết trong thu mua giữa các DN. Một số DN chỉ tuyển lựa, mua đối với một hoặc hai phân loại khiến nông dân gặp khó khăn trong việc tiêu thụ hết sản phẩm trong vườn. Ông Hưng bày tỏ hướng tới sẽ mua hết sản phẩm bưởi da xanh trong vườn cho người dân. Đối với những tổ hợp tác mặc dù có liên kết với những DN khác nhưng Hương Miền Tây vẫn hợp đồng thu mua các phân loại còn lại theo đúng giá thị trường.

Tại hội thảo “Nâng cao chuỗi giá trị trái cây đặc sản Bến Tre”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong vai trò chủ trì đã tạo cơ hội cho nông dân và DN đưa ra nhiều ý kiến, bàn sâu và chủ động đề ra giải pháp cho việc phát triển các chuỗi giá trị. Các ý kiến đóng góp chung quy lại ở mong muốn phải thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp, quy mô tập trung, sản xuất hàng hóa lớn; liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa nông dân với nhau và giữa nông dân với DN chặt chẽ hơn; phát huy hơn vai trò của Nhà nước trong mối quan hệ “4 nhà”.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích