Nuôi yến từ thành thị đến nông thôn, bài 1:

Nghề dành cho các “đại gia”

06/04/2020 - 06:56

BDK - “Chính xác đó là nghề dẫn dụ yến vào nhà để nuôi bởi người nuôi đâu có con giống. Đây là nghề mới và tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, không phải ai xây dựng nhà yến bạc tỷ nuôi yến cũng thành công. Nhiều câu chuyện “dở khóc, dở cười” vì nuôi yến. Nghề này chỉ dành cho các đại gia”, anh Phan Xích Bảo Khang, người có thâm niên hơn 11 năm nuôi yến ở phường Phú Khương, TP. Bến Tre nói.

Nhà nuôi yến ở huyện Ba Tri.

Nhà nuôi yến ở huyện Ba Tri.

Đầu tư tiền tỷ

Anh Phan Xích Bảo Khang kể, nghề dẫn dụ hay còn gọi là nuôi yến trong nhà đã xuất hiện tại tỉnh từ năm 2005. Khi đó, chỉ những đại gia mới có khả năng đầu tư vì để xây dựng một nhà yến, dẫn dụ được yến vào ở và cho tổ rất tốn chi phí, thấp nhất cũng gần 1 tỷ đồng. Nhiều trường hợp đã “dở khóc, dở cười” khi tính toán, tầm soát, định vị yến không đúng (hướng bay) nên thất bại. Có nhà, yến bay vào nhưng lại không chịu ở, chỉ trú ngụ tạm thời, không cho tổ. Hoặc có khi đầu tư trang thiết bị gọi (dụ dỗ yến vào nhà) chưa đúng mức, tần số âm thanh… nên yến không vào nhà. Có câu chuyện, một đại gia dốc lòng đầu tư nhà yến khang trang, tốn hàng tỷ đồng nhưng khi dẫn dụ bằng thiết bị kém, chưa đạt tần số nên yến không vào, nhưng khi sang tay cho chủ khác thì yến lại vào nhà và cho tổ.

Trong nghề này, quan trọng nhất là dẫn dụ yến vào nhà, phải định vị được luồng và hướng bay của yến. Nơi xây dựng không có nhiều vật cản bởi con yến rất thích chao lượn. Nhà yến phải cao hơn những vật cản xung quanh ít nhất là 4m. Công nghệ dẫn dụ - máy phát âm thanh gọi yến phải hiện đại. Hiện nay, công nghệ dẫn dụ nhập khẩu từ Malaysia là tốt nhất, khá đắt tiền. Yếu tố nhiệt độ, độ ẩm cũng rất quan trọng, quyết định yến có ở lại nhà hay chỉ trú ngụ tạm thời. Nhiệt độ lý tưởng của yến từ 28 - 320C, độ ẩm từ 85%.

Nói về tình hình nuôi yến ở ven biển hiện nay, theo số liệu thống kê mới nhất của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Ba Tri, trên địa bàn huyện hiện có 110 nhà yến, trong đó, tập trung ở hai xã An Thủy (20 nhà), Tân Thủy (13 nhà) và An Đức (10 nhà)...

Theo ông Nguyễn Hữu Phúc - chuyên viên Phòng NN&PTNT huyện Ba Tri, người phụ trách lĩnh vực này cho biết, trong những năm gần đây, nhiều đại gia trên địa bàn huyện mạnh dạn đầu tư vào nghề này, bởi lợi nhuận của nó rất hấp dẫn. Theo họ, nuôi yến vùng ven biển có nhiều lợi thế là đất giá rẻ, không làm phiền bởi tiếng ồn và không quá nhiều vật cản… Nhiều nhà yến có diện tích xây dựng khá lớn từ 450 - 600m2. Một chủ nhà yến ở xã An Thủy cho biết: Ở đây giá đất còn rẻ, việc đầu tư ít tốn kém hơn và điều kiện thuận lợi hơn so với khu vực lân cận thị trấn, thị tứ trên địa bàn huyện. Vì vậy, nhiều đại gia đổ xô về vùng biển mua đất và xây dựng nhà yến. Có nhiều đại gia đến từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận trong khu vực. Nghề mới này lợi nhuận cao nhưng rất rủi ro. Người địa phương không am hiểu sẽ không dám đầu tư.

Theo ông Trần Thành Hòa - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bình Đại, trên địa bàn huyện hiện có 137 nhà yến, đa phần là xây dựng tự phát, không giấy phép (chỉ 43 nhà có giấy phép xây dựng), tập trung nhiều ở các xã ven biển. “Với góc độ quản lý của ngành, chúng tôi chỉ có thể theo dõi và can thiệp về tiếng ồn, môi trường xung quanh. Theo tôi, lợi nhuận và chi phí thấp cho việc đầu tư nhà yến vùng ven biển nên các đại gia mạnh dạn bỏ tiền tỷ để theo đuổi nghề này” - ông Trần Thành Hòa nói thêm.

Cú heo - sát thủ của yến

Tổ yến được cho là có nhiều dưỡng chất giúp bồi bổ sức khỏe. Sản lượng và nguyên liệu không đủ cung, giá cả dao động ở mức cao 20 - 30 triệu đồng/kg. Cho dù việc đầu tư tốn kém, nhiều rủi ro nhưng các đại gia “rất thích” mạo hiểm ở lĩnh vực này. Bởi một khi đã thành công, người nuôi không tốn thêm bất cứ chi phí nào, chỉ có lợi nhuận. Anh Phan Xích Bảo Khang cho biết, nếu tính toán, định vị đúng luồng và hướng yến bay, công nghệ dẫn dụ, tần suất phát âm thanh, nhiệt độ, độ ẩm tương thích… thì chỉ cần một năm sau khi có yến vào nhà và sinh sản, người nuôi coi như đã thành công bước đầu.

Sự thành công này không phải đơn thuần tính theo đơn vị là có hàng chục hay hàng trăm, hàng ngàn con yến. Nhiều chủ nhà yến cho biết, chỉ cần sau vài tháng hoặc năm, có vài cặp yến vào làm tổ và sinh sản là đã thành công ban đầu rồi. Nếu thuận lợi, chỉ cần sau 3 năm là người nuôi lấy lại vốn, những năm tiếp theo là có lãi ròng, hàng chục triệu đồng cho mỗi đợt thu hoạch tổ.

Một trong những con vật khiến các chủ nuôi yến phải “đau đầu” là chim cú heo. Đây được xem là “sát thủ”, là trở ngại lớn nhất của các chủ nhà yến. Anh Bảo Khang cho biết, nhiều chủ nhà yến phải “khóc ròng” với sự hiện diện của chim cú heo bởi yến là con mồi rất ưa thích của nó. Một khi chim cú heo lọt vào bên trong nhà yến thì sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy - nó tiêu diệt rất nhiều kể cả yến già và yến non. Nhất là việc làm xáo động đàn yến. Đây là nỗi kinh hoàng của việc nuôi yến trong nhà. Có khi làm cho cả đàn yến phải rời bỏ nhà ra đi...

Bài, ảnh: Thành Lập

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích