Những bước đi đúng hướng trong tái cơ cấu nông nghiệp

11/05/2018 - 07:45

BDK - Đề án số 6227 của UBND tỉnh về tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2013 - 2015 và hướng đến năm 2020 (viết tắt là ĐA) được triển khai đến các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố từ tháng 3-2014. Đến nay, toàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình cụ thể với hiệu quả mang tính thực chất.

Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo (thứ ba, trái sang) thăm mô hình trồng sâm đất trên đất giồng cát ở xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú.

Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo (thứ ba, trái sang) thăm mô hình trồng sâm đất trên đất giồng cát ở xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú.

Triển khai sát thực tế

Để thực hiện ĐA, các ngành tỉnh và địa phương đã xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng đơn vị, lĩnh vực. Riêng ngành nông nghiệp đã xây dựng kế hoạch số 515 và các kế hoạch cho từng lĩnh vực như chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, thủy lợi, nâng cao giá trị gia tăng hàng nông, lâm, thủy sản và giảm tổn thất sau thu hoạch, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp. Trong quá trình triển khai, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện ĐA.

Trong đó, công tác lập, điều chỉnh, công bố và tổ chức thực hiện quy hoạch trên lĩnh vực nông nghiệp thủy sản được các ngành, địa phương quan tâm thực hiện đúng quy định. Các quy hoạch trọng tâm của ngành gồm: nuôi cá da trơn; chăn nuôi và giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm tập trung; vùng trồng bưởi da xanh và dừa xiêm xanh; nuôi tôm chân trắng; nuôi trồng thủy sản trên địa bàn Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú; thủy lợi; cấp nước nông thôn. Từng lúc, các quy hoạch được rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới.

Để tập trung toàn hệ thống chính trị tham gia thực hiện ĐA, Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 26 về tiếp tục thực hiện ĐA và Nghị quyết số 03 về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực trong nông nghiệp. Cấp ủy các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai đến toàn hệ thống chính trị, nhân dân và doanh nghiệp nắm bắt thực hiện ĐA, tập trung nguồn lực, thúc đẩy phát triển sản xuất đối với cây trồng, vật nuôi là thế mạnh của địa phương. Trên cơ sở đó, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị sản phẩm theo hướng nâng cao hiệu quả, đảm bảo an toàn thực phẩm, dịch bệnh, môi trường, truy xuất nguồn gốc và an sinh xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới.

Hiệu quả rõ nét

Ông Huỳnh Quang Đức - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông cho biết: Trong điều kiện khó khăn nhưng tỉnh được các tỉnh trong khu vực đánh giá cao về năng lực phát triển thủy sản. Nổi bật là tôm biển, diện tích toàn tỉnh đạt 35 ngàn héc-ta, với sản lượng 55 ngàn tấn. Về công nghệ, người dân và doanh nghiệp đã nắm bắt, vận dụng công nghệ vi sinh trong phòng trừ dịch bệnh, các kỹ thuật chăm sóc, đảm bảo sự tăng trưởng nhanh, an toàn, năng suất cao gấp 4 lần so với phương pháp nuôi truyền thống. Bên cạnh đó, công nghệ nuôi tôm toàn đực vùng nước ngọt cũng đạt kết quả tốt thông qua việc hình thành các tổ hợp tác, câu lạc bộ.

Dừa xiêm xanh Bến Tre được chứng nhận chỉ dẫn địa lý.

Dừa xiêm xanh Bến Tre được chứng nhận chỉ dẫn địa lý.

“Về hiệu quả sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP thể hiện rõ nhất là ở bưởi da xanh Bến Tre. Vừa qua, Tập đoàn Vingroup đã liên kết tiêu thụ bưởi VietGAP tại tỉnh, với giá cao và ổn định hơn bên ngoài tổ. Cùng với bưởi, trái dừa cũng được doanh nghiệp liên kết với nông dân xây dựng vùng trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ. Cả hai sản phẩm bưởi da xanh và dừa xiêm xanh đã được công nhận chỉ dẫn địa lý Bến Tre và có thị trường xuất khẩu lớn, với giá trị cao” - ông Đức phấn khởi cho biết.

Có thể nói, việc phát triển nông nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ cao đã được tỉnh quan tâm triển khai mạnh trên các lĩnh vực như thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi.

Theo bà Trần Thanh Tâm - Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, do một số khó khăn đặc thù của địa phương, nên mức độ áp dụng công nghệ cao theo quan điểm đi, tìm hiểu và sàng lọc. Từ năm 2015 đến nay, trung tâm đã triển khai 19 đề tài, dự án lĩnh vực nông nghiệp thủy sản, tương ứng là 19 công nghệ.

Việc ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi được thể hiện rất rõ ở việc áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Vừa qua, việc phát triển đàn bò thịt của tỉnh bằng cách lai tạo giống bò ngoại đã sử dụng phương pháp này. Nhờ đó, so với cả nước, đàn bò Ba Tri được đánh giá có chất lượng hàng đầu.

Hướng tới kinh tế nông nghiệp

Chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất gắn với thị trường, nông dân liên kết với doanh nghiệp để sản xuất đáp ứng theo nhu cầu người tiêu dùng là tư duy, xu thế cốt lõi trong việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong thời gian tới.

Về vấn đề này, ông Bùi Văn Lâm - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh: Nếu không liên kết, giải quyết đầu ra ổn định thì người nông dân sẽ “thua tại sân nhà”. Vấn đề mấu chốt là phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền. Ngành nông nghiệp sẽ quan tâm phối hợp với các ngành liên quan tốt hơn trong thời gian tới. Có hướng đầu tư về thủy lợi, hạ tầng giao thông để phục vụ cho ĐA.

Qua buổi giám sát việc thực hiện ĐA của sở này vào cuối tuần qua, ông Nguyễn Văn Quới - Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh lưu ý sở một số vấn đề cần tập trung thời gian tới như: Tăng cường công tác tuyên truyền, giúp thúc đẩy liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp; rà soát lại mục tiêu, nhiệm vụ dự án, phù hợp với tình hình hiện nay đến năm 2020; việc tổ chức sản xuất hàng hóa theo hướng quy mô lớn; sản xuất nông nghiệp trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao; huy động đầu tư nguồn lực cho phát triển đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững tại ba huyện biển; thực hiện mọi điều kiện để khai thông chính sách hỗ trợ phát triển nông thôn…

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN