Những dấu mốc của hợp tác xã ở Việt Nam

18/04/2019 - 13:56

HTX nông nghiệp Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam đem lại việc làm cho xã viên và lao động ở nông thôn. Ảnh: Thạch Thảo

HTX nông nghiệp Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam đem lại việc làm cho xã viên và lao động ở nông thôn. Ảnh: Thạch Thảo

Người tha thiết kêu gọi: “Hỡi đồng bào điền chủ nông gia, anh em ta ai chẳng mong được đầy đủ, giàu có, ai chẳng mong cho nước thịnh dân cường. Vậy chúng ta hãy mau mau chung vốn góp sức, lập nên hợp tác xã (HTX) nông nghiệp ở khắp nơi; từ làng mạc cho đến tỉnh thành đâu đâu cũng phải có HTX”. 

Bác Hồ là người đầu tiên đưa tư tưởng HTX vào Việt Nam. Ngày 11-4-1946, Bác đã viết thư kêu gọi điền chủ, nông gia Việt Nam tham gia HTX nông nghiệp (đăng trên Báo Cứu Quốc số 229, ngày 1-5-1946). Trong thư, Bác viết: “Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp, nền kinh tế lấy canh nông làm gốc… nông dân giàu thì nước ta giàu, nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”, “nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh thì cần phải có HTX”; “… HTX là hợp vốn, hợp sức với nhau. Vốn nhiều, sức mạnh, thì khó nhọc ít mà lợi ích nhiều”; “HTX nông nghiệp là một tổ chức có lợi to cho nhà nông. Nó là cách tranh đấu kinh tế có hiệu quả nhất, để giúp vào việc xây dựng nước nhà... HTX nông nghiệp giúp cho nhà nông đạt đến mục đích, đã ích quốc lại lợi dân”.

Trải qua các thời kỳ cách mạng Việt Nam, khu vực kinh tế hợp tác, HTX luôn luôn có những đóng góp quan trọng vào công cuộc giải phóng dân tộc và bảo vệ đất nước.

Từ năm 1945-1955, phong trào kinh tế hợp tác được hình thành và phát triển ở nhiều vùng tự do và căn cứ địa cách mạng với các hình thức hợp tác giản đơn như tổ vần công, đổi công. HTX đầu tiên là HTX thủy tinh Dân Chủ, thành lập ngày 8-3-1948, tại chiến khu Việt Bắc. Sự ra đời của HTX thủy tinh Dân Chủ mở đầu cho sự ra đời và phát triển của phong trào HTX ở nước ta.

Từ năm 1955-1961: Ngay sau khi miền Bắc được giải phóng, Đảng, nhà nước ta đã chú trọng chỉ đạo xây dựng, phát triển HTX trong các ngành kinh tế. Đến năm 1960, có hơn 50 ngàn HTX ở các ngành, lĩnh vực như nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, ngư nghiệp, tín dụng...

Từ năm 1961-1965: Phong trào kinh tế hợp tác, HTX tiếp tục được đẩy mạnh. Cùng với việc thực hiện cuộc vận động cải tiến quản lý, xây dựng các HTX bậc cao với quy mô được mở rộng trong lĩnh vực nông nghiệp, hàng ngàn HTX trong các lĩnh vực phi nông nghiệp như tiểu thủ công nghiệp, mua bán, vận tải, tín dụng, xây dựng được thành lập, thu hút hàng triệu quần chúng nhân dân tham gia.

Từ năm 1965-1975: Khi đế quốc Mỹ đưa máy bay ra ném bom phá hoại miền Bắc, quy mô chiến tranh mở rộng. Với khẩu hiệu “Tất cả để chiến thắng”, “Vì miền Nam ruột thịt”..., các HTX được củng cố, phát triển và trở thành một lực lượng kinh tế quan trọng trong nền kinh tế của hậu phương lớn miền Bắc. Cuối năm 1974, miền Bắc có hơn 46 ngàn HTX.

Từ năm 1975-1997: Sau chiến thắng lịch sử mùa xuân 1975, phong trào HTX phát triển và lan rộng tới các tỉnh, thành phía Nam. Năm 1986 được coi là thời kỳ phát triển cao nhất của phong trào HTX, cả nước có 76 ngàn HTX, với hơn 20 triệu xã viên.

Ban Chấp hành Liên minh HTX Việt Nam khóa IV, nhiệm kỳ 2010 - 2015 trình và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận lấy ngày 11-4 hàng năm là Ngày HTX Việt Nam.

Từ năm 1997 đến nay: Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, khu vực kinh tế hợp tác, HTX đã có những biến đổi quan trọng. Khi cơ chế quản lý tập trung bao cấp được xóa bỏ, cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước từng bước được hình thành và điều tiết các quan hệ kinh tế. Phần lớn, HTX trong các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế rơi vào tình trạng khó khăn, lúng túng. Nhiều HTX sản xuất kinh doanh thua lỗ bị tan rã, giải thể. Tuy nhiên, trong khó khăn vẫn có một bộ phận HTX đã kịp thời chuyển đổi thích ứng với cơ chế mới, hoạt động có hiệu quả.

Luật HTX đầu tiên ra đời, có hiệu lực thi hành từ 1-1-1997 đến Luật HTX năm 2003 và Luật HTX năm 2012 đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho khu vực HTX phát triển. Năm 2018 khu vực kinh tế hợp tác, HTX tiếp tục tăng về số lượng lẫn chất lượng với trên 22 ngàn HTX, tăng 8% so với năm 2017. Cùng với đó, các tổ chức đại diện và hỗ trợ khu vực HTX lần lượt được thành lập.

Ngày 29 và 30-10-1993, Đại hội đại biểu toàn quốc các HTX Việt Nam lần thứ nhất thành lập Hội đồng Liên minh HTX Việt Nam. Đến nay, Liên minh HTX Việt Nam đã trải qua 5 kỳ đại hội. Tổ chức của Liên minh HTX Việt Nam có mặt ở 63 tỉnh, thành trong nước. Hoạt động của Liên minh HTX Việt Nam từng bước được đổi mới, bám sát chức năng, nhiệm vụ để tổ chức hoạt động, không ngừng nâng cao hiệu quả, từng bước đáp ứng yêu cầu của các HTX và thành viên.

K.M (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN