Phát triển “tam nông” theo hướng toàn diện, bền vững

16/10/2019 - 06:54

BDK - Tiếp nối sự kiện tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 của Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh, Kết luận số 359 của Tỉnh ủy “về phát triển nông nghiệp, nông dân, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng năm 2025” đã tiếp tục đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp mạnh, đồng bộ, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh theo hướng toàn diện, bền vững.

Lãnh đạo tỉnh tham dự Ngày hội Tam nông tỉnh năm 2018 và tham quan trưng bày sản phẩm chủ lực của các địa phương. Ảnh: Cẩm Trúc

Lãnh đạo tỉnh tham dự Ngày hội Tam nông tỉnh năm 2018 và tham quan trưng bày sản phẩm chủ lực của các địa phương. Ảnh: Cẩm Trúc

Phát triển “tam nông”

Theo ông Bùi Văn Lâm - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua 1 năm thực hiện Kết luận số 359, kết quả đạt được toàn diện trên cả 3 lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Về nông nghiệp, đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất điển hình, có hiệu quả để nhân rộng. Trong đó, mô hình liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm dừa bước đầu được hình thành, phát triển, đặc biệt là sản xuất dừa hữu cơ. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có gần 8 ngàn ha dừa hữu cơ và cây ăn trái, trong đó diện tích dừa hữu cơ đạt 6 ngàn ha. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp khác cũng đang chuyển hướng rất mạnh sang sản xuất hữu cơ.

Huyện Mỏ Cày Nam là một trong những địa phương đang chuyển đổi khá mạnh theo hướng hữu cơ. “Việc chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ trên địa bàn huyện đã trở thành việc tự vận hành của người dân. Theo nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội huyện năm 2019 là phát triển khoảng 600 vườn dừa hữu cơ, nhưng kết quả chỉ trong 6 tháng đầu năm đã phát triển 1.000 vườn dừa, trong đó đã có 500ha đã được công nhận vườn dừa hữu cơ, mở ra cơ hội phát triển du lịch gắn với nông nghiệp hữu cơ, tạo giá trị tăng thêm cho nông nghiệp”, Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày Nam Nguyễn Thị Hồng Nhung cho hay.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phòng trừ dịch bệnh, công tác xây dựng, củng cố và phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác được quan tâm thực hiện nhiều hơn. Hình thành được các chuỗi giá trị sản phẩm, đầu tư hạ tầng cũng được quan tâm, kinh tế nông thôn chuyển biến tích cực. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 44 hợp tác xã, 105 tổ hợp tác đã tham gia các chuỗi giá trị hàng nông sản chủ lực.

Ngoài ra, tỉnh đang tập trung triển khai các chương trình, dự án về ứng dụng khoa học và công nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Sau khi công bố chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho sản phẩm dừa uống nước xiêm xanh và bưởi da xanh, tỉnh tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các huyện đăng ký 6 nhãn hiệu tập thể (gồm: dừa uống nước xiêm xanh, bưởi da xanh, chôm chôm, hoa kiểng, con heo và con bò) và 4 nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm của địa phương (như bò Ba Tri, sầu riêng Cái Mơn, bưởi da xanh Bến Tre, dừa xiêm xanh Bến Tre). Sở Khoa học và Công nghệ đang chủ trì thẩm định kinh phí dự án xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” dùng cho sản phẩm tôm càng xanh, cua biển.

Xây dựng nông thôn mới (NTM) được các cấp ủy quan tâm lãnh đạo thực hiện. Đến nay, trung bình mỗi xã đạt 13,69 tiêu chí (TC), toàn tỉnh có 43 xã đã có quyết định công nhận đạt TC xã NTM. Riêng Chợ Lách tự đánh giá cơ bản đạt 7/9 TC huyện NTM, 2 TC còn lại phấn đấu hoàn thành trong năm 2019. TP. Bến Tre cơ bản hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Năm 2019, toàn tỉnh có 41 công trình được phê duyệt triển khai theo Đề án giao thông nông thôn, tổng vốn phân bổ trên 72 tỷ đồng. Đến nay, đã có 13 công trình hoàn thành đổ bê-tông mặt đường.

Triển khai các giải pháp đồng bộ

Kết quả sau 1 năm thực hiện Kết luận số 359, Tỉnh ủy cũng ghi nhận còn nhiều khó khăn, hạn chế. Trong đó, công tác tổ chức triển khai, quán triệt, cụ thể hóa ở một số ngành tỉnh, địa phương còn chậm, công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện còn lúng túng, chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhất là cấp cơ sở, công tác tuyên truyền mặc dù được quan tâm nhưng một số nơi hiệu quả chưa cao, chưa tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư, chưa phát huy vai trò chủ thể nhân dân. Một bộ phận người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại và xem nhiệm vụ xây dựng NTM là của Nhà nước...

Sầu riêng đang được xây dựng nhãn hiệu chứng nhận của địa phương.  Ảnh: H.Thi

Sầu riêng đang được xây dựng nhãn hiệu chứng nhận của địa phương.  Ảnh: H.Thi

Định hướng thời gian tới, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Văn Lâm cho biết, sẽ tiếp tục triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Kết luận số 359 nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét trên lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhất là người đứng đầu, những người trực tiếp phụ trách các công việc có liên quan đến nông nghiệp, nông dân và xây dựng nông thôn mới tại các ngành, địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi; sáng tạo, đổi mới trong tổ chức triển khai thực hiện “Ngày Chủ nhật NTM” phù hợp với tình hình của từng địa phương, từng tổ chức cơ sở đảng, để lãnh đạo, chỉ đạo và vận động nhân dân tự nguyện hăng hái tham gia.

Đồng thời tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, quan tâm công tác đào tạo, nâng cao kiến thức chuyên sâu cho cán bộ quản lý, cán bộ cơ sở; xây dựng, bổ sung đội ngũ cán bộ phát triển cộng đồng, phát triển nông thôn; củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng cán bộ kỹ thuật nông nghiệp các cấp.

Đặc biệt là tập trung khắc phục ngay việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn mang tính tự phát; nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, ứng dụng công nghệ tiên tiến quy mô lớn, thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh hoạt động khoa học và công nghệ cơ sở, nhất là việc ứng dụng, nhân rộng kết quả nghiên cứu đã được nghiệm thu và tiến bộ khoa học và công nghệ trên địa bàn huyện, thành phố. 

“Các cấp ủy đảng, chính quyền phải bám sát nội dung cốt lõi của Kết luận số 359 rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chương trình, kế hoạch đã được xây dựng và phân công nhiệm vụ cụ thể để thực hiện; nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng NTM, chương trình OCOP và xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực tỉnh”.

(Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Văn Lâm)

Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN