Sản xuất lúa trong tình hình biến đổi khí hậu

18/05/2020 - 06:46

BDK - Sản xuất lúa chiếm phần lớn diện tích đất nông nghiệp, tiêu tốn tài nguyên nước ngọt và lao động nhưng mức đóng góp cho kinh tế là rất thấp. Bên cạnh đó, thiên tai và biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng lớn đến sản xuất lúa gạo. Vấn đề đang đặt ra hiện nay là nên giữ lại diện tích lúa hay chuyển đổi sang cây trồng, vật nuôi khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Nông dân theo dõi kết quả cân lúa tại ruộng.

Nông dân theo dõi kết quả cân lúa tại ruộng.

Diện tích lúa thu hẹp

Sau hơn 3 tháng lao động trên đồng ruộng, vợ chồng anh Hùng xã Phú Lễ, huyện Ba Tri nhận được 9 triệu đồng cho hơn 1.800kg lúa thu hoạch được (giá lúa khoảng 4.900 đồng/kg), diện tích gieo sạ gần 5 công đất. “Coi như hòa vốn, không lời được đồng nào, đó là chưa kể công sức vất vả bỏ ra. Vì tôi còn phải trả tiền thuê đất, phân thuốc, công gặt…”, anh Hùng bày tỏ. Vợ anh Hùng xoa dịu chồng: “Nhưng mình lời được rơm cho mấy con bò ăn”. Đây cũng là câu chuyện của nhiều hộ nông dân sản xuất lúa trong tình hình biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ngày càng gay gắt diễn ra trên địa bàn tỉnh trong vài năm gần đây.

Sản xuất nông nghiệp sử dụng khoảng 80% nước ngọt cho tưới tiêu, trong đó chủ yếu là lúa nước. Và tốn một lượng lớn lao động nhưng mức đóng góp của sản xuất lúa gạo cho kinh tế là rất thấp. Thêm nữa, thiên tai và biến đổi khí hậu đang ngày càng ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2018, tổng diện tích gieo trồng lúa của tỉnh 51.267ha, sản lượng 164.270 tấn. Trong đó, diện tích chuyên lúa nước (2 vụ trở lên) 19.827ha, phân bổ chủ yếu ở huyện Ba Tri 13.107ha, Giồng Trôm 2.611ha, Thạnh Phú 2.274ha, Bình Đại 776ha, Châu Thành 651ha, TP. Bến Tre 248ha, Mỏ Cày Bắc 121ha, Mỏ Cày Nam 37ha. Thực tế, diện tích sản xuất chuyên lúa nước còn khoảng 16.000ha, trong đó một số huyện không còn lúa như Chợ Lách, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, TP. Bến Tre. Lúa nước còn lại (lúa tôm) 10.391ha, phân bổ tại các huyện Thạnh Phú 8.375ha, Bình Đại 2.016ha. Thực tế, diện tích có sản xuất lúa khoảng 8.000ha.

Trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 - 2015) của tỉnh, trước ảnh hưởng của tác động biến đổi khí hậu cả nước nói chung và Bến Tre nói riêng, tỉnh đã điều chỉnh tổng diện tích quy hoạch đất lúa đến năm 2020 là 21.070ha. Trong đó: diện tích chuyên trồng lúa nước (2 vụ trở lên) 16.500ha (phân bổ ở 4 huyện: Ba Tri 12.000ha, Giồng Trôm 2.500ha, Thạnh Phú 1.200ha, Bình Đại 800ha). Diện tích đất trồng lúa nước còn lại (lúa tôm) 4.570ha (phân bổ ở 2 huyện Thạnh Phú 4.000ha, Bình Đại 570ha).

Tính từ năm 2009 đến nay, toàn tỉnh xuất khẩu được 202.785 tấn gạo, lượng gạo xuất khẩu chỉ bằng khoảng 8 - 10% sản lượng lúa gạo toàn tỉnh. Loại gạo xuất khẩu chủ yếu là gạo thông dụng và một số ít là gạo thơm. Thị trường xuất khẩu gạo chủ yếu là Trung Quốc, Mỹ, Đài Loan và Singapore.

Chuyển đổi cơ cấu đất lúa

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình hình xâm nhập mặn có xu hướng ngày càng tăng. Đồng thời, trong triển khai thực hiện “Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh đến năm 2020” đã đẩy mạnh thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng giảm đất lúa, tăng đất trồng dừa, tăng đất trồng cây ăn trái và thủy sản.

Người mua xem lúa trước khi thu mua.

Người mua xem lúa trước khi thu mua.

Việc chuyển dịch chủ yếu là chuyển đất trồng lúa sang trồng cây ăn trái, dừa, trồng cỏ nuôi bò, thủy sản, với tổng diện tích 6.838ha. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao hiện nay tăng mạnh như sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh. Đến cuối năm 2018, diện tích sầu riêng 1.116ha, chôm chôm 3.337ha, bưởi da xanh 8.799ha. Diện tích đất sản xuất cây giống chuyển đổi mạnh, hiện trên 1.234ha.

Nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao hơn sản xuất lúa được triển khai thực hiện và nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Như diện tích cây ăn trái được sản xuất theo tiêu chuẩn GAP trên các loại cây chôm chôm, sầu riêng, bưởi khoảng 300ha. Nhiều mô hình sản xuất cây giống đạt giá trị sản xuất cao từ 1 - 1,5 tỷ đồng/ha. Ngoài ra, đã chuyển đổi cải tạo vườn tạp kém hiệu quả với 124ha. Chuyển hơn 300ha mía sang trồng dừa và trồng cỏ nuôi bò.

Tháng 1-2020, UBND tỉnh đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung Đề án số 6227, ban hành năm 2013 về “Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre đến năm 2020”. Mục tiêu chung của đề án là tốc độ GDP nông nghiệp đạt khoảng 3%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt từ 3,5%/năm; tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm xuống từ 40 - 45%; nông dân được đào tạo nghề nông nghiệp đạt 41%.

Thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2015. 50 xã đạt chuẩn nông thôn mới. 104 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả. 90% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm phát thải trong sản xuất nông nghiệp; tỷ lệ che phủ rừng đạt 1,86%.

Đối với tiêu chí giám sát, đánh giá cơ cấu lại ngành nông nghiệp ở lĩnh vực trồng trọt, đề án yêu cầu, phấn đấu tốc độ tăng thu nhập trên 1ha đất đạt tối thiểu 3%/năm. Tỷ lệ đất sản xuất nông nghiệp được tưới tiết kiệm nước đạt tối thiểu 30%/năm.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích