Phần Lan sẽ có cơ chế đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam

22/11/2012 - 16:20

Tham tán thương mại Phần Lan tại Việt Nam Janne Sykko cho biết, nước này sẽ có công cụ, cơ chế đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam.

Triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – EU năm 2012, sáng 21-11, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Đại sứ quán Phần Lan tại Hà Nội tổ chức Hội thảo Kinh doanh với thị trường Phần Lan và Bắc Âu.

Thương mại song phương còn khiêm tốn

Ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI cho biết: Năm 2013 sẽ kỷ niệm 40 năm quan hệ hữu nghị Việt Nam – Phần Lan. Hợp tác hữu nghị giữa hai bên ngày càng mở rộng trên mọi phương diện và phát triển theo chiều sâu. Năm 2007, Chính phủ Phần Lan đã đưa Việt Nam vào danh sách các nước đối tác dài hạn về hợp tác song phương với Phần Lan.

Bên cạnh các dự án lớn trong định hướng ưu tiên hợp tác giữa hai nước hướng tới mục tiêu xóa đói giảm nghèo, Việt Nam và Phần Lan cũng hợp tác chặt chẽ trong 3 lĩnh vực: Phát triển nông thôn, bao gồm cả nông nghiệp; Cấp thoát nước và xử lý nước thải; Nâng cao năng lực và hỗ trợ cải cách quan hệ thương mại hai chiều. 

Chế biến gỗ là một trong nhiều lĩnh vực Phần Lan sẵn sàng hợp tác, chuyển giao công nghệ cho Việt Nam

Năm 2011, kim ngạch hai chiều giữa 2 nước chỉ khoảng 200 triệu USD. Trong 9 tháng đầu năm 2012, kim ngạch xuất khẩu hai bên đã đạt 260 triệu USD; trong đó, Việt Nam xuất khẩu 79 triệu USD, nhập khẩu 150 triệu USD. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Phần Lan gồm cà phê, cao su, giầy da các loại, hàng dệt may, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm gỗ, xe đạp và phụ tùng xe đạp…

Việt Nam cũng nhập khẩu từ Phần Lan máy móc, thiết bị, phương tiện công nghệ thông tin và truyền thông (chiếm 80-85% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Phần Lan). Cạnh đó, Việt Nam cũng nhập khẩu các nguyên phụ liệu ngành dệt may, thiết bị điện và phụ tùng các loại…

Về đầu tư, tính đến hết 2011, Phần Lan đầu tư sang Việt Nam hơn 340 triệu USD. Các dự án của Phần Lan thuộc loại nhỏ và vừa tập trung chủ yếu vào các ngành công nghiệp như sản xuất keo công nghiệp, hàng may mặc và gỗ.

Việt Nam và Phần Lan là hai nền kinh tế năng động. Do đó, “quan hệ song phương hai bên cần hướng tới quan hệ đa phương”- ông Khương đề nghị.

Mặc dù quan hệ giữa hai nước đã đạt được những thành quả quan trọng nêu trên, song “chưa tương xứng với tiềm năng, truyền thống gắn bó giữa hai nước, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Nhất là khi ASEAN và EU đang đàm phán hướng tới khu vực tự do ASEAN với EU”- ông Khương nhấn mạnh.

Nhiều cơ hội hợp tác

Phần Lan là một trong những nền kinh tế có sức cạnh tranh và tiềm năng phát triển hàng đầu thế giới với nhiều ngành công nghiệp mũi nhọn truyền thống, có chuyên môn hoá cao như công nghiệp gỗ giấy; luyện kim; đóng tàu và vận tải; cơ khí; điện tử, viễn thông; công nghiệp hoá chất, dược phẩm. 

GDP năm 2011 theo đầu người của Phần Lan khoảng trên 35.150 euro (cao hơn cả Mỹ, Đức, Pháp), diện tích lãnh thổ tương đương Việt Nam, lượng dân số chỉ 5,3 triệu người… nhưng là xứ lạnh, tài nguyên chủ yếu là rừng, Phần Lan có nhu cầu cao về nhập khẩu nông sản, đặc biệt là vào mùa đông. Bà Siv Ahlberg, Giám đốc chương trình đối tác kinh doanh Việt Nam – Phần Lan lưu ý các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp nên chú ý tranh thủ cơ hội này.

Đồng quan điểm về với ông Khương về kết quả hợp tác song phương Việt Nam – Phần Lan chưa xứng tiềm năng, ông Janne Sykko, Tham tán thương mại Phần Lan tại Việt Nam cho biết: Bên cạnh những dự án lớn (về hạ tầng, cấp thoát nước…) đã hợp tác đầu tư tại Việt Nam, Phần Lan đang chuyển sang cả các dự án khác nhỏ hơn, trong đó nổi bật là về công nghệ thông tin và truyền thông, về khoa học kỹ thuật, công nghệ sạch….

Theo ông Janne Sykko, Phần Lan là quốc gia có nhiều thế mạnh trong khai thác chế biến gỗ, công nghệ sạch, công nghệ môi trường… và rất muốn chuyển giao sang cho Việt Nam. 

Theo ông Janne Sykko, có nhiều lĩnh vực mà hai bên nhiều tiềm năng có thể hợp tác với nhau như: công nghệ sạch, công nghệ cao, giáo dục… Chính phủ Phần Lan rất quan tâm và luôn ưu tiên các chương trình hỗ trợ, hợp tác kinh doanh với Việt Nam, trong đó đáng chú ý là các công cụ như: Quỹ đầu tư các quốc gia đang phát triển; cho vay tài chính với lãi suất ưu đãi; nhiều chương trình hợp tác về môi trường, đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ… “Phần Lan sẽ có một số công cụ, cơ chế đặc thù để hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam”-ông Janne Sykko đặc biệt nhấn mạnh. 

Đơn cử, các dự án liên quan đến năng lượng sạch, tái chế có thể được hỗ trợ tới 50% tổng chí phí thực hiện dự án. Cạnh đó, Phần Lan có quỹ hỗ trợ địa phương, chủ yếu tài trợ không hoàn lại cho các tổ chức dân sự hoạt động trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, môi trường, dân số…

Phần Lan còn đang thực hiện chương trình đối tác kinh doanh (Finnpartnership) để kết nối hợp tác doanh nghiệp Việt Nam – Phần Lan… Theo bà Siv Ahlberg, Giám đốc chương trình đối tác kinh doanh Việt Nam – Phần Lan, Phần Lan rất có thế mạnh trong ngành kim khí, sản phẩm kim khí, máy móc thiết bị, tàu biển, giấy và bột giấy, hóa chất, công nghệ sạch… Những lĩnh vực này, Phần Lan sẵn sàng hợp tác và hỗ trợ hợp tác đầu tư cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Nguồn VOV

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN