Phát triển mạnh cây giống cam sành

04/11/2015 - 07:01

Mô hình cây giống của ông Phạm Văn Chà. Ảnh: N. Sơn

Với điều kiện thuận lợi có nước ngọt quanh năm, trong những năm qua, nhân dân các xã Tân Phú Tây, Phú Mỹ, Phước Mỹ Trung, Hưng Khánh Trung A, Tân Bình, Tân Thanh Tây và Nhuận Phú Tân (Mỏ Cày Bắc) phát triển khá mạnh nghề trồng và sản xuất cây giống.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, toàn huyện có khoảng 500ha đất sản xuất cây giống, với khoảng 2.500 hộ dân tham gia, sản xuất ra nhiều chủng loại cây giống như: xoài, sầu riêng, măng cụt, cam sành, quýt đường, bưởi da xanh… Tổng sản lượng xuất bán ra thị trường hàng năm từ 20 - 30 triệu cây giống. Trong đó, nhiều nhất là cây cam sành, chiếm từ 70 - 80% tổng sản lượng và có nhiều hộ dân tham gia sản xuất. Hộ sản xuất ít nhất khoảng vài ngàn cây mỗi năm, hộ sản xuất nhiều vài chục ngàn cây và có nhiều hộ sản xuất với quy mô lớn vài trăm ngàn cây… tùy theo điều kiện canh tác, vốn, kỹ thuật, thị trường tiêu thụ, diện tích đất và công lao động của từng hộ.

Đây là loại cây trồng rất khó tính, đòi hỏi người trồng phải có vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm, công chăm sóc… Do lợi nhuận cao, nhiều người dân tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, cùng nhau trồng, đã hình thành nhiều vùng, khu vực chuyên canh sản xuất cây giống và đã thành lập nhiều tổ liên doanh, liên kết sản xuất cây giống. 

Mỗi công đất (1.000m2) trồng, ương ghép cây cam sành, một vụ khoảng 40 ngàn cây, thời gian 12 tháng. Những năm qua, giá bán luôn ổn định ở mức cao (có thương lái đến tận vườn mua) từ 7 - 8 ngàn đồng/cây (có lúc lên đến 10 ngàn đồng/cây). Tổng thu nhập trung bình mỗi công đất từ 270 - 300 triệu đồng/năm, trừ các khoản chi phí, người trồng lợi nhuận trên 150 triệu đồng. 

Với mô hình này, trong những năm qua, có nhiều hộ nông dân vươn lên làm giàu, phát triển kinh tế và nhiều hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Tiêu biểu như hộ anh Mai Văn Sơn, ấp Thanh Đông, xã Tân Thanh Tây, là hộ cận nghèo. Gia đình anh Sơn có 4 nhân khẩu, khoảng 2.000m2 đất sản xuất nông nghiệp. Trước đây, anh trồng nhiều loại cây như: lúa, mía, rau màu… nhưng thu hoạch không được bao nhiêu. Từ khi chuyển sang trồng, ương ghép cây cam sành, đến nay, kinh tế gia đình anh phát triển. Mỗi năm, anh ương ghép từ 40 - 60 ngàn cây, tổng thu nhập trên 300 triệu đồng. Anh đã thoát hộ cận nghèo và được bình chọn “Nông dân sản xuất giỏi cấp huyện năm 2014”. 

Ông Huỳnh Văn Bé, hội viên Hội Cựu chiến binh ấp Thanh Đông, xã Tân Thanh Tây, thuộc hộ nghèo. Gia đình ông có 6 nhân khẩu nhưng chỉ có hơn 1.500m2 đất sản xuất nông nghiệp, bản thân ông bị bệnh phổi, cuộc sống gia đình vô cùng khó khăn, mọi việc trông cậy vào việc thuê, làm mướn của vợ và các con. Năm 2011, ông được Hội Cựu chiến binh ấp, xã hỗ trợ vốn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, ương ghép cây cam sành, lúc đầu khoảng 5 ngàn cây, sau tăng dần 25 - 30 ngàn cây. Trung bình mỗi năm, ông thu hoạch từ 120 - 180 triệu đồng. Ông đã xin thoát nghèo cuối năm 2014.

Ông Phạm Văn Chà, sinh năm 1957, cư trú ấp Mỹ Sơn Đông, xã Phú Mỹ, là gia đình có truyền thống trồng, ương ghép cây giống hàng chục năm qua ở vùng đất Mỏ Cày. Gia đình ông có 4 người con cùng làm cây giống. Trước đây, ông trồng ở đất nhà, nhưng sau thời gian đất cũ, hết màu mỡ, cây chậm phát triển và bị nhiễm bệnh, ông chuyển sang luân phiên đổi đất mới, mướn đất làm ở nhiều nơi. Hiện nay, ông cùng các con mướn gần 1ha đất để làm cây giống tại ấp Phước Hậu, xã Phước Mỹ Trung. 3 năm qua, mỗi năm gia đình ông sản xuất bán ra thị trường khoảng 300 ngàn cây cam giống, tổng lợi nhuận trên 500 triệu đồng/năm.

Với kinh nghiệm trên 20 năm làm cây giống, ông Chà cho biết: “Điều quan trọng trong nghề làm cây giống là phải đổi đất mới liên tục để cây phát triển nhanh, ít bị nhiễm bệnh. Công lao động không cần nhiều nhưng phải siêng năng chăm sóc. Sau mỗi vụ thu hoạch, ngoài việc xử lý đất, còn phải xẻ rãnh, lên liếp làm cho đất hoai, tránh bị lặp đất và phải đổi đất mới sau vài vụ sản xuất”. Nhờ vậy, cây giống của ông luôn khỏe mạnh, xanh tốt, phát triển nhanh, được khách hàng ưa chuộng. Hàng năm, tuy chưa đến thời điểm thu hoạch nhưng cây giống  của ông được thương lái các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ đặt mua. 

Cùng với phát triển diện tích cây ăn trái, Mỏ Cày Bắc đang khuyến khích nông dân mở rộng diện tích trồng, ương ghép cây giống, vì đây là thế mạnh của huyện, có thể giúp cho những hộ dân ít đất, nghèo, khó khăn… vươn lên phát triển kinh tế.

Nguyễn Sơn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN