Tân An phát triển trồng xen, nuôi xen để tăng thu nhập

28/12/2012 - 11:00
Cây ca cao khẳng định chỗ đứng trên vùng đất Tân Hưng.

Mô hình trồng xen, nuôi xen do Hội Nông dân xã Tân Hưng (Ba Tri) chủ trì phối hợp triển khai thực hiện tại ấp Tân An đã góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống nhiều nông hộ. Năm 2013, mô hình sẽ được nhân rộng ra các ấp còn lại.

Từ những gương cần cù, chịu khó...

Ông Trần Văn Tuấn ở ấp Tân An bộc bạch: Những năm gần đây, tuyến đê bao ngăn mặn, trữ ngọt nằm trong Dự án thủy lợi Cầu Sập đã phát huy hiệu quả. Gia đình ông Tuấn có 1ha đất trồng dừa. Số ca cao trồng xen trong vườn dừa đợt đầu đã cho trái ổn định, số mới trồng bắt đầu cho trái chiếng. Mỗi tuần thu hoạch trung bình 100kg trái ca cao, giá 3.000 đồng/kg. Mặt nước mương được tận dụng nuôi cá nước ngọt. Cây dừa vụ thuận thu hoạch từ 1,1 - 1,2 thiên trái/tháng (1 thiên dừa = 1.200 trái), còn thời điểm “treo” thu hoạch từ 500 - 600 trái/tháng. Ông Tuấn cho biết: Từ khi tham gia khóa học về kỹ thuật trồng cây ca cao, ông đã bón phân, chăm sóc đúng quy trình nên ca cao lẫn cây dừa đều cho trái sai. Lá cây ca cao già rụng xuống được giữ lại phủ trên bề mặt liếp để giữ độ ẩm. Ngoài ra, gia đình ông Tuấn còn nuôi heo (trung bình 20 con heo nái và thịt), cứ 3 tháng, ông xuất chuồng bán 10 con.

Ông Đoàn Văn Tiếp cũng ở ấp Tân An, có 1,5ha trồng dừa. Cách đây 3 năm, ông trồng xen 300 cây ca cao. Cây ca cao cho trái chưa ổn định nhưng mỗi tuần thu hoạch từ 30 - 40kg. Bên cạnh đó, ông Tiếp còn trồng xen gừng, mỗi năm thu hoạch khoảng 2 tấn, giá 6.000 đồng/kg. Tận dụng khoảng đất trống ông Tiếp trồng cỏ nuôi bò, nuôi heo; dưới mương vườn thì nuôi cá. Cách đây 2 năm, ông thuê người về nhà dạy nghề đan giỏ bẹ (dây đay); sau đó, ông đã truyền nghề lại cho 13 hộ dân trong ấp. Các hộ dân này đến nhà ông nhận nguyên liệu về tận dụng thời gian nhàn rỗi để đan gia công. Trung bình mỗi tháng, ông Tiếp tiêu thụ trên thị trường khoảng 1.500 cái giỏ. Những hộ dân nhận đan gia công có thêm thu nhập từ 5.000 - 8.000 đồng/giỏ. Qua thực tế cho thấy, nếu nông dân độc canh cây dừa thì cuộc sống vất vả lắm, phải kết hợp trồng xen, nuôi xen vừa tận dụng mặt đất, mặt nước lại có thêm thu nhập, tích lũy đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình.

... Đến xây dựng mô hình điểm

Ông Lê Thành Toản - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hưng cho biết, Hội Nông dân xã đã chủ trì phối hợp chọn ấp Tân An làm điểm để xây dựng mô hình trồng xen, nuôi xen. Đầu năm 2012, trên cơ sở kết quả khảo sát điều kiện thực tế của từng hộ dân ở ấp Tân An, xã giao cho Chi hội Nông dân hỗ trợ 20 hộ nghèo và 2 hộ cận nghèo, Chi hội Cựu chiến binh hỗ trợ 10 hộ nghèo và 1 hộ cận nghèo, Chi đoàn Thanh niên hỗ trợ 4 hộ nghèo và 1 hộ cận nghèo, Chi hội Phụ nữ hỗ trợ 15 hộ nghèo và 2 hộ cận nghèo, Ban công tác Mặt trận, Chi hội Người cao tuổi hỗ trợ 1 hộ nghèo. Các tổ chức, đoàn thể được phân công đã phối hợp mở 6 lớp chuyển giao kỹ thuật chăm sóc dừa, ca cao, chăn nuôi và trồng lúa cho 262 lượt nông dân; 16 cuộc trao đổi kinh nghiệm trồng trọt chăn nuôi, với sự tham dự của 246 lượt nông dân. Nhiều hộ dân điều kiện kinh tế khấm khá đã cho 25 hộ nghèo mượn cây con giống, trị giá 95 triệu đồng. Các đại lý bán thức ăn cho 18 hộ chăn nuôi heo đến khi xuất chuồng thanh toán, với số tiền 154 triệu đồng. Các hộ dân tương trợ trên 200 ngày công lao động nạo vét, sửa chữa ao, hồ, giúp hộ dân thiếu lao động thả cá nuôi. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội cho 15 hộ vay, với số tiền 120 triệu đồng để đầu tư nuôi bò, heo, gia cầm. Năm 2011, thu nhập bình quân đầu người 12,5 triệu đồng, sang năm 2012 tăng lên 14,5 triệu đồng/người. Đến cuối năm 2012, ấp Tân An có 20 hộ nghèo và 6 hộ cận nghèo là hội viên của các đoàn thể thoát nghèo bền vững.

Mô hình trồng xen, nuôi xen ở ấp Tân An đã khẳng định hiệu quả, khơi dậy sự tương trợ giúp đỡ lẫn nhau giữa hộ dân có điều kiện và hộ nghèo, tăng nguồn thu trên cùng diện tích đất canh tác, cải thiện cuộc sống cho nông hộ. Hội Nông dân xã khuyến khích các hộ dân trên địa bàn xã đến học tập, rút kinh nghiệm và nhân rộng ra các ấp còn lại của xã Tân Hưng.

Bài, ảnh: Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN