Tân Phú lan tỏa sắc xuân

31/12/2013 - 16:34
Những tuyến đường liên ấp được bê-tông tươm tất.

Tôi đến Tân Phú (Châu Thành) vào những ngày cuối năm 2013. Hình ảnh đập vào mắt và ấn tượng là nhhững con đường nhựa hóa, bê-tông hóa tươm tất, uốn lượn qua vườn cây trĩu quả. Nhiều căn nhà tường mới xây dựng khang trang. Sắc xuân đã lan tỏa khắp nơi nơi.

Theo ông Võ Hoàng Bá - Chủ tịch UBND xã Tân Phú, trong năm 2013, cả hệ thống chính trị và nhân dân Tân Phú đã đồng tâm, hiệp lực, triển khai thực hiện các tiêu chí của xã nông thôn mới. Phần lớn nhân dân đã nhận thức được vai trò chủ thể trong thực hiện các tiêu chí để hướng đến mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho chính mình. Tân Phú nhất quán quan điểm triển khai thực hiện các tiêu chí theo lộ trình, đảm bảo yếu tố bền vững và chắc chắn, không hô hào, chạy theo thành tích. Việc làm đầu tiên của Tân Phú vẫn là tiếp tục khai thác tiềm năng nội lực cộng với sự hỗ trợ từ ngoại lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, theo hướng hoàn thiện. Năm 2013, xã đã triển khai thực hiện 13,674km đường, tổng kinh phí hơn 6,749 tỷ đồng, trong đó nhân dân thực hiện 8,706km đường, kinh phí hơn 1,702 tỷ đồng, Dự án phát triển kinh doanh với người nghèo nông thôn (DBRP) tỉnh Bến Tre tài trợ hơn 5,046 tỷ đồng để thi công 4,998km lộ nông thôn. Mạnh thường quân hỗ trợ 69,86 tỷ đồng xây dựng 2 cây cầu, dài 20m. Dự án DBRP tỉnh Bến Tre còn hỗ trợ 871 triệu đồng để xây dựng chợ nông thôn Mỹ Phú.

Hướng dẫn chúng tôi tham quan các tuyến đường liên ấp, liên tổ, liên xóm, ông Võ Hoàng Bá tâm đắc: Tuy là đường nông thôn, nhưng có tuyến bề ngang được mở rộng đến 4m, không những thuận lợi cho việc đi lại mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trước đây, mặt đường hẹp lại thấp. Vào mùa mưa hay những ngày triều cường đều bị nước nhấn chìm, đi lại rất khó khăn. Một số diện tích vườn cây ăn trái bị ngập nước, giảm năng suất, sản lượng và chất lượng. Nay các tuyến đường được đầu tư theo chuẩn kỹ thuật của tiêu chí nông thôn mới, những bất cập như đã nêu không còn. Xe của thương lái đến tận vườn thu mua trái cây. Nhà vườn giảm dần việc bán trái cây phải qua nhiều khâu trung gian, với chi phí trung bình 500 đồng/kg.

Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng hoàn chỉnh là một trong những yếu tố góp phần khai thác thế mạnh kinh tế vườn cây ăn trái, quan trọng hơn là tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân. Một tín hiệu lạc quan là phần đông nhà vườn Tân Phú đều cần cù, chăm chỉ lao động và vận dụng “thạo” trong việc kết hợp khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm thực tiễn vào chăm sóc cây trồng. Nhà vườn đã đầu tư xây dựng đê bao cục bộ gắn vào tuyến đê bao xương sống do Trung ương, tỉnh và huyện đầu tư, thuận lợi trong điều tiết nước để xử lý cây trồng cho trái rải vụ. Nhiều năm liền, nhà vườn Tân Phú đã xử lý để cây chôm chôm, sầu riêng cho trái thu hoạch “né” với trái chôm chôm của Long Thành (Đồng Nai) và trái vải của miền Bắc. Nhờ vậy, trái chôm chôm, trái sầu riêng thu hoạch đều bán với giá cả hợp lý, đảm bảo có lợi nhuận. Toàn xã có 961,98ha đất trồng chôm chôm, đạt sản lượng 27.350 tấn; 455,12ha sầu riêng, đạt sản lượng 3.200 tấn. Trong nội bộ nhà vườn đã hình thành các hình thức tổ chức sản xuất như: 3 câu lạc bộ vườn “xanh - sạch - đẹp” liền kề ở các ấp Phú Luông (26 thành viên, với diện tích 11,08ha), ấp Mỹ Phú (12 thành viên, diện tích 7,77ha) và ấp Tân Quy (20 thành viên, diện tích 8,83ha) đi vào hoạt động ổn định. Nhiều hộ dân trồng cây cùng chủng loại, liên kết lại để thống nhất quy trình sản xuất, sản phẩm số lượng lớn, mẫu mã đồng đều và đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Toàn xã có khoảng 16 hộ dân hình thành điểm du lịch sinh thái, khai thác từ lợi thế vườn cây ăn trái, cao điểm vào dịp Tết Đoan ngọ đã thu hút gần 10.000 lượt khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, thưởng thức trái cây và các món ăn đặc sản của địa phương. 5 mô hình cơ sở tiểu thủ công nghiệp phát triển gồm: 2 nhóm đan giỏ lục bình, 1 nhóm tách vỏ hạt điều, 1 nhóm ép chuối, 1 nhóm may gia công theo mô hình hợp tác công tư tạo việc làm cho 169 hộ nghèo, nâng tổng số lao động có việc làm thường xuyên lên 8.780 người/9.221 người trong độ tuổi lao động. Các chợ nông thôn được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động ổn định, đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi, luân chuyển hàng hóa của nhân dân.

Bên cạnh đó, lĩnh vực văn hóa xã hội cũng được quan tâm. Xã đã triển khai xây dựng 2 phòng học Trường Tiểu học Tân Phú A điểm Tân Bắc, với kinh phí 450 triệu đồng, từ nguồn xã hội hóa; phối hợp với Trung tâm Quỹ đất đền bù, giải phóng mặt bằng xây dựng Trường THCS Tân Phú A đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng giảng dạy và học tập được đảm bảo. Nhà văn hóa xã tuy chưa đủ 5 phòng chức năng theo tiêu chuẩn quy định nhưng các trang thiết bị sử dụng tốt, hoạt động các câu lạc bộ được duy trì thường xuyên.

Kết quả bình nghị hộ nghèo cuối năm 2013, xã còn 241 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,7%, giảm hơn 3,78% so với đầu năm 2013. Thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng/năm, trong đó có 109/3.597 hộ thu nhập từ 130-150 triệu đồng/năm. Có 3.463/3.597 hộ dân có nhà ở đạt chuẩn của Bộ Xây dựng. Xã đã đạt một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới, với những tỷ lệ phấn khởi. Năm 2014, Tân Phú tiếp tục triển khai thực hiện để đạt thêm 4 tiêu chí: giao thông, điện, hình thức tổ chức sản xuất và y tế.

Thêm một mùa xuân nữa lại về đánh dấu sự khởi sắc của nông thôn Tân Phú. Kết quả đạt được xuất phát từ sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và sự tích cực hưởng ứng của đông đảo nhân dân. Đời sống của nhân dân Tân Phú năm sau được cải thiện hơn năm trước, hưởng thụ mùa xuân đầy ý nghĩa.

Bài, ảnh: Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN