Thêu tay gia công - một nghề nghệ thuật

03/04/2013 - 07:39
Bà Hai Phó với công việc hàng ngày.

Mỗi ngày, người thợ thêu tay phải tập trung tinh thần và nắn nót từng đường kim, mũi chỉ cho sản phẩm của mình. Những khi phải gia công làm hàng cao cấp, công việc của người thợ không phải tính bằng giờ, ngày mà là tính bằng tháng để hoàn thành một sản phẩm. Nghề thêu gia công hiện đang thu hút khá đông lực lượng lao động nhàn rỗi.

* Yêu nghề thêu, làm nên sản phẩm để có thu nhập

Chị Nguyễn Thị Trúc Chi (54 tuổi, xã Giao Long - Châu Thành) là một trong những người đã có nhiều năm gắn bó với nghề. Lấy chồng ở quê với công việc nội trợ, những lúc rảnh rỗi, chị Chi lấy kim chỉ ra thêu cho vui. Năm 2002, khi hai người con của chị lên TP. Hồ Chí Minh học cũng là lúc chị “khăn gói” lên đường theo con. Tại đây, công việc buôn bán nhỏ cùng với nghề thêu gia công cho các shop bán hàng xuất khẩu, đã giúp chị nuôi con ăn học thành tài. Chị chia sẻ: “Thêu thùa lâu năm rồi, bỏ nghề tôi thấy rất buồn nên phải làm tiếp. Công việc này đòi hỏi phải tỉ mỉ, công phu nhưng khi hoàn thành sản phẩm, tôi thấy rất vui”.

Cùng mang “nghiệp” kim chỉ, bà Hai Phó (ấp Long Hội - xã Giao Long) năm nay đã 74 tuổi vẫn yêu thích công việc thêu tay. Sống một mình, hàng ngày, bà làm vui với đường kim, mũi chỉ và những hình ảnh (mẫu mã) là sản phẩm do chính tay mình làm ra. Bà Phó cho biết, tuổi về già, con cái đều có gia đình ở riêng; hàng tháng, con cháu bà đều có đóng góp giúp đỡ nhưng bà vẫn không muốn bỏ nghề thêu, vì nếu bỏ nghề thì sẽ rất buồn. Chỉ vào hai chiếc áo thun nữ có thêu hình hoa, cỏ khá sinh động, bà Phó khoe với tôi: “Tôi bỏ nhiều công sức để làm nên hình ảnh này. Khi nhìn những đường thêu do mình tạo ra, tôi thấy như được trẻ lại”.

Chị Nguyễn Thị Bạch Yến (ấp Phú Ngãi - xã Phú An Hòa) cũng là người yêu thích nghề thêu. Hàng ngày, sau giờ lo cơm nước cho chồng (là công nhân) và đưa rước con trai 8 tuổi đi học, chị dành thời gian thêu gia công. Chị Bạch Yến tâm sự, mỗi tháng việc thêu tay đã giúp chị có được khoảng 1,2 triệu đồng trở lên (tùy theo sản phẩm làm được). Tại nơi chị cư ngụ (tổ 4, ấp Phú Ngãi) có 6 chị em cùng xóm làm nghề thêu gia công. Họ đều là những người tận dụng thời gian nhàn rỗi để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.

* Tâm huyết với nghề, sáng tạo để có mẫu mã đẹp

Cơ sở Thêu tay Khánh Quyên (xã Tân Thạch - Châu Thành) là đơn vị đầu tiên trong tỉnh đào tạo nghề, sản xuất, tiêu thụ hàng thêu tay xuất khẩu. Mỗi năm, nơi này thu hút nhiều khách hàng trong và ngoài nước với các sản phẩm thêu tay: áo, tranh, khăn trải bàn, áo gối, túi xách tay, drap giường… Chị Võ Thị Kim Thúy, một trong những thợ chính chịu trách nhiệm kiểm nhận, giao hàng tại cơ sở cho biết: “Mỗi khi thêu xong, tôi luôn ngắm nghía sản phẩm do mình làm ra. Nếu chưa vừa ý, tôi phải làm lại cho đến khi nào đạt thì mới thôi”. Theo chị Thúy, những lúc thêu người thợ phải tập trung hết tinh thần, ý chí vào công việc thì đường kim, mũi chỉ mới sắc nét và sản phẩm làm nên mới sống động. Cùng quan điểm với chị Thúy, những thợ thêu tại cơ sở như các chị: Nguyệt, Chi, Hân… đều cho rằng người thợ phải có tâm huyết với nghề thì sản phẩm do mình làm ra mới ăn khách. Bà Nguyễn Thị Rãng, chủ cơ sở cho biết, để có những mẫu hàng đặc sắc cho khách, bà đã cùng với thợ phải đầu tư nhiều công sức nghiên cứu tạo mẫu, chọn loại chỉ thêu thích hợp và nhất là phải tỉ mỉ, nắn nót từng đường kim, mũi chỉ lột tả nét sinh đông và mang đậm nét dân gian Việt Nam, thu hút được nhiều khách hàng trong và ngoài nước.

Cơ sở Thêu tay Khánh Quyên hiện có 12 thợ đang hưởng lương (mỗi ngày làm việc 8 giờ, có bảo hiểm xã hội) cùng hơn 10 vệ tinh ở các huyện, thành phố trong tỉnh và trên 200 thợ thêu tay (trong và ngoài tỉnh); đa số những người này đều là lao động nhàn rỗi (có cả người khuyết tật), nhận sản phẩm làm gia công ăn lương. Hiện tại, thợ gia công được hưởng với mức lương khoảng 1,2 triệu đồng/người/tháng (tùy theo sản phẩm làm được); đối với người giỏi tay nghề hoặc người khuyết tật, cơ sở khuyến khích trả thêm 5% tiền lương (hoặc tiền công sản phẩm). 

Bài, ảnh: H.Đức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN