Thoát nghèo nhờ nuôi gia cầm

05/02/2012 - 16:45

Nuôi gà thả vườn đạt kết quả cao

Ở xã Phú Khánh (Thạnh Phú), người đi tiên phong nuôi gà thả vườn là ông Nguyễn Văn Phước, sinh năm 1964, là hội viên Hội Cựu chiến binh và Hội Nông dân xã, đồng thời là Phó Bí thư chi bộ ấp Phú Long Phụng B. Gia đình ông nhiều năm liền thuộc diện hộ nghèo. Cả hai vợ chồng ông Phước đều phải làm đủ thứ nghề để kiếm sống. Có lúc, ông phải đi làm thuê tận Đồng Tháp (cắt lúa mướn) để lại mẹ già và hai con nhỏ cho vợ chăm nom.

Nuôi gà thả vườn giúp gia đình ông Nguyễn Văn Phước thoát nghèo. Ảnh: T.T

 

Vậy mà cuộc sống gia đình ông vẫn bấp bênh. Tuổi đời ngày một cao, người đàn ông ấy trăn trở tìm một hướng đi để có nguồn thu nhập ổn định mà không phải xa gia đình. Năm 2005, ông chọn mô hình nuôi gà thả vườn để phát triển kinh tế. Ban đầu, ông gặp khó khăn vì số lượng gà hao hụt khá nhiều, tăng trưởng chậm, nhẹ cân. Với bản tính cần cù, không ngại khó, ông tiếp tục nuôi khoảng 200 con gà trong 3.000m2 vườn, hơn 3 tháng sau, ông xuất bán 180 con với giá 60.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, ông Phước thu lãi gần 5,5 triệu đồng. Đạt được kết quả này, người nông dân ấy ngày càng phấn khởi, chí thú làm ăn, tích lũy kinh nghiệm. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Phước còn tìm tòi, học hỏi thêm kiến thức nuôi gà từ bạn bè ở các xã lân cận. Năm 2006, gia đình ông Phước thoát nghèo. Hai con lần lượt vào đại học tại Cần Thơ là niềm vui khôn xiết của vợ chồng ông (một em học ngành nông nghiệp, một em học ngành y). Thế nhưng, đằng sau niềm vui là sự lo lắng làm sao cho con đi hết chặng đường dài những năm đại học. Ông từng nghĩ đến chuyện bán đất để lo con ăn học. Nhưng nỗi lo ấy dần được xóa tan bởi gà ngày một phát triển, tỷ lệ hao hụt ít, chóng lớn mang lại thu nhập ổn định, giúp vợ chồng ông yên tâm làm lụng, con cái yên tâm học hành thành đạt. Ông Phước kể, tính đến nay, tôi đã nuôi gần 20 đợt gà, gà nuôi 3 tháng 8 ngày có thể xuất bán, trọng lượng trung bình 1,5 kg/con. Khi nuôi gà, cần phải thường xuyên theo dõi phòng và chữa bệnh, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, chịu khó cho gà ăn thường xuyên, kể cả buổi tối, để gà mau lớn. Đó là những kinh nghiệm mà ông đã tích lũy được. Mỗi năm, ông nuôi luân phiên 5 đợt gà, mỗi đợt khoảng 500 con, lợi nhuận thu về khoảng 40 đến 45 triệu đồng. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, ông Phước xuất bán 400 con gà, giá 75.000 đồng/kg, thu lãi gần 13 triệu đồng. Ông còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi gà cho mọi người để họ cùng vươn lên và thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn. Nhiều năm liền, ông Nguyễn Văn Phước được công nhận là nông dân sản xuất giỏi.

 

Tổ liên kết nuôi bồ câu để giúp nhau tăng thu nhập

Đang cho chim bồ cầu ăn. Ảnh: P.T

Giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội Cựu chiến binh xã Sơn Định (Chợ Lách). Để đạt được mục tiêu trên, trong thời gian qua, Hội xây dựng nhiều mô hình kinh tế hoạt động có hiệu quả, trong đó tiêu biểu nhất là mô hình “Tổ liên kết nuôi bồ câu”.

Tổ liên kết nuôi bồ câu xã Sơn Định có 11 tổ viên. Thời gian đầu, mỗi tổ viên có 20 cặp bồ câu. Đến nay, mỗi hội viên đã có đến 60 cặp bồ câu đang trong giai đoạn sinh sản. Tổ liên kết đang nuôi giống bồ câu Pháp có đặc điểm là lớn con, đẻ sai và màu lông đẹp. Ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Sơn Định, kiêm Tổ trưởng Tổ liên kết cho biết, bồ câu dễ nuôi, quy trình chăm sóc nhẹ nhàng, ít tốn thời gian, có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi. Thức ăn chủ yếu của bồ câu là lúa, trộn thêm thức ăn dành cho gà đẻ để bồ câu đẻ sai. Chu kỳ 3 tháng bồ câu đẻ 2 lần, trong vòng 15 đến 18 ngày thì có bồ câu con. Ông còn cho biết thêm, muốn nuôi bồ câu đạt hiệu quả cao, nên bắt bồ câu trưởng thành, nuôi trong vòng 1 tháng thì bồ câu sinh sản. Ngược lại, nuôi bồ câu con đến trưởng thành thì tốn thời gian, kinh phí, lại rất chậm thu hồi vốn. Hiện nay, mỗi cặp bồ câu trưởng thành, bán làm con giống có giá 300.000 đồng, bồ câu lấy thịt mỗi cặp có giá 75.000 đồng. Nhờ nuôi bồ câu, nhiều hội viên Hội Cựu chiến binh xã Sơn Định đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định hơn. Đây là một mô hình kinh tế đạt hiệu quả khá cao, bình quân mỗi năm trừ chi phí (con giống, thức ăn) mỗi hội viên thu lãi khoảng 60 triệu đồng. 

Ông Nguyễn Đức Thành cho biết, bồ câu thịt đang rất hút hàng, sản lượng chỉ đủ để cung cấp cho thị trường địa phương và tỉnh Vĩnh Long. Vì vậy, việc nhân rộng mô hình ra toàn xã là rất cần thiết, nhất là những hộ gia đình nghèo muốn vươn lên thoát nghèo chính đáng. Tổ liên kết sẽ hướng dẫn kỹ thuật, nắm bắt thông tin cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm. Phát triển kinh tế, chọn hướng đi phù hợp, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau là một trong những đức tính quý báu của anh bộ đội Cụ Hồ mà Hội Cựu chiến binh xã Sơn Định đang phát huy có hiệu quả.   

T.Thảo - PHẠM TUYẾT

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích