Cải thiện các chỉ số thành phần thương mại điện tử

05/09/2018 - 09:30

Ngày 19-1-2017, UBND tỉnh đã ban hành và triển khai Kế hoạch số 248 về phát triển thương mại điện tử (TMĐT) tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Thời gian qua, hoạt động TMĐT trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ, nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân đã triển khai ứng dụng TMĐT ở nhiều quy mô và mức độ khác nhau. Các doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng tiếp cận dễ dàng hơn thông tin thị trường, giảm đáng kể thời gian và chi phí giao dịch, tiếp thị; đồng thời, giảm giá thành sản xuất, thanh toán nhanh chóng và tiện lợi...

Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới là một trong những doanh nghiệp tận dụng thành công thương mại điện tử.

Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới là một trong những doanh nghiệp tận dụng thành công thương mại điện tử.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình phát triển TMĐT vẫn còn một số hạn chế. Theo báo cáo của Hiệp hội TMĐT Việt Nam về chỉ số TMĐT ở các địa phương năm 2018, điểm số của Bến Tre chỉ ở mức 35,6 điểm, đứng thứ 26/54 các địa phương được xếp hạng; thấp hơn mức trung bình chung của cả nước (37,5 điểm).

Để phân tích chỉ số này nhằm làm rõ về thực trạng TMĐT trên địa bàn tỉnh, chúng ta hãy phân tích về 4 chỉ số thành phần của TMĐT:Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình phát triển TMĐT vẫn còn một số hạn chế. Theo báo cáo của Hiệp hội TMĐT Việt Nam về chỉ số TMĐT ở các địa phương năm 2018, điểm số của Bến Tre chỉ ở mức 35,6 điểm, đứng thứ 26/54 các địa phương được xếp hạng; thấp hơn mức trung bình chung của cả nước (37,5 điểm).

Chỉ số về nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin

Thời gian qua, hệ thống thông tin, viễn thông, internet trên địa bàn tỉnh được đầu tư, hiện đại hóa, với mạng lưới rộng khắp, chất lượng cao, tạo thuận lợi cho việc phát triển công nghệ thông tin và TMĐT. Hầu hết cơ quan nhà nước, các xã, phường, thị trấn trong tỉnh xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, triển khai ứng dụng nhiều phần mềm và kho cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành. 100% sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đã có mạng nội bộ (LAN) kết nối internet tốc độ cao. Số lượng cán bộ, công chức được trang bị và sử dụng thành thạo máy tính ngày càng tăng. Các sở, ngành tỉnh đều có website riêng.

Tuy nhiên, tỷ lệ lao động thường xuyên sử dụng email trong công việc, sử dụng các công cụ Viber, Skype, Facebook Messenger… và lao động chuyên trách về TMĐT vẫn còn hạn chế. Do đó, ở chỉ số này, Bến Tre chỉ đứng thứ 25/54 địa phương được xếp hạng, với 33,2 điểm, thấp hơn mức trung bình cả nước (33,8 điểm).

Chỉ số giao dịch giữa DN với người tiêu dùng (B2C)

Đây là chỉ số thể hiện mức độ DN sử dụng mạng internet và các ứng dụng điện tử để trao đổi các hàng hóa dịch vụ do mình tạo ra hoặc phân phối. Có một thực tế là ở Bến Tre, hình thức buôn bán này đang rất hạn chế, chủ yếu là do ý thức chủ quan của các DN, không quan tâm đầu tư hoặc không thường xuyên cập nhật, chăm sóc cho website của mình, hoặc chưa nhận thức được tầm quan trọng của nó.

Trong khi đó, các DN bán lẻ ở các thành phố lớn đã tận dụng rất thành công kênh giao dịch đầy tiềm năng này. Nhiều người tiêu dùng ở Bến Tre, nhất là các bạn trẻ đặt niềm tin ở những trang mua sắm chuyên nghiệp được đầu tư bài bản như Thegioididong, Sendo, Shopee, Tiki, Adayroi… thì ở chiều ngược lại hầu như rất ít. Vị trí của Bến Tre về chỉ số này chỉ ở mức 28/54 với 39,1 điểm, thấp hơn mức trung bình cả nước (42,4 điểm).

Chỉ số về giao dịch giữa DN với DN (B2B)

Chỉ số này phản ánh mức độ năng động của DN trong hoạt động nhận và đặt hàng trực tuyến với đối tác, đồng thời thể hiện khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông hỗ trợ hoạt động điều hành, kinh doanh, quản lý đối tác và khách hàng, quản lý hệ thống cung ứng… của DN.

Hầu hết DN ở Bến Tre đều là DN nhỏ và vừa. Do đa số DN chưa thấy hết được tính năng, tác dụng và khả năng ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ sản xuất, kinh doanh, nên mức độ tham gia TMĐT còn khá khiêm tốn. Nhiều DN đã xây dựng website nhưng hầu hết chỉ để giới thiệu DN, quảng bá sản phẩm, chưa mạnh dạn thực hiện các dịch vụ kinh doanh, mua bán trực tiếp trên website…

Vì thế, ở chỉ số này, Bến Tre chỉ xếp hạng 25/54 với 25,2 điểm, thấp hơn mức trung bình cả nước (27,5 điểm).

Chỉ số về giao dịch giữa các cơ quan quản lý nhà nước với DN (G2B)

Chỉ số này phản ánh tính minh bạch thông tin của các địa phương đối với DN cũng như mức độ và hiệu quả của các dịch vụ công trực tuyến đối với hoạt động kinh doanh của DN. 

Hiện nay, tỉnh đã vận hành website “Dịch vụ hành chính công - một cửa điện tử” (website motcua.bentre.gov.vn). Đây là công cụ điện tử tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu giải quyết các thủ tục hành chính một cách nhanh chóng tại một địa chỉ truy cập duy nhất. Đến nay, Bến Tre đã cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3 đối với một số loại thủ tục, trong đó có thủ tục đăng ký kinh doanh.

Việc xây dựng chính quyền điện tử ở Bến Tre giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, quản lý, điều hành của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước; hướng đến tạo sự hài lòng trong phục vụ người dân, DN và tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Ở chỉ số này, Bến Tre có thứ hạng 26/54 với 64,8 điểm, cao hơn mức trung bình cả nước (63,2 điểm). Đây là chỉ số có kết quả khả quan nhất trong 4 chỉ số thành phần của TMĐT.

Trong thời gian tới, để cải thiện chỉ số TMĐT của tỉnh, các ngành, các cấp của tỉnh cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao kiến thức cho cộng đồng về TMĐT. Tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cho DN về TMĐT phù hợp với tình hình kinh tế địa phương và lĩnh vực kinh doanh của DN. Khuyến khích DN sử dụng công nghệ phục vụ phát triển thanh toán trực tuyến; hỗ trợ, nâng cao năng lực cho DN xuất khẩu tham gia các sàn giao dịch TMĐT uy tín trong nước cũng như thế giới...

Bài, ảnh: Minh Hạnh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN