Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công

04/12/2020 - 07:01

BDK - Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công (gọi tắt là Đề án) theo Quyết định số 241, năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định quyết tâm của Chính phủ trước xu thế tất yếu của việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (KDTM), nhất là đối với lĩnh vực công. Để đẩy mạnh triển khai Đề án, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản triển khai; chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện một cách tích cực và đồng bộ.

Thanh toán không dùng tiền mặt trong ngành giáo dục còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các trường ở nông thôn.

Thanh toán không dùng tiền mặt trong ngành giáo dục còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các trường ở nông thôn.

Triển khai đề án

Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công và chi trả các chương trình an sinh xã hội được triển khai đồng loạt trên địa bàn tỉnh từ tháng 4-2018 đến nay đã đạt được một số kết quả. Trên lĩnh vực giáo dục, toàn tỉnh có 293/330 cơ sở giáo dục công lập đã chấp nhận thanh toán học phí KDTM. Đối với dịch vụ thu ngân sách nhà nước, ngành thuế đã có chủ trương khuyến khích tất cả các doanh nghiệp (DN) thực hiện nộp thuế điện tử. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân, DN tiếp tục thực hiện nộp tiền thuế qua ngân hàng.

Văn phòng Kho bạc Nhà nước (KBNN) Bến Tre và các KBNN huyện đã phối hợp thu ngân sách nhà nước (NSNN) qua 5 chi nhánh ngân hàng, với tỷ lệ thu đạt bình quân trên 97% tổng số thu NSNN trên địa bàn. Vì vậy, việc triển khai lắp đặt POS được đánh giá không mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, hiện tại việc thanh toán tiền thuế khoán của hộ kinh doanh vẫn còn ủy nhiệm thu qua bưu điện. Kết quả thực hiện, có 97,2% giao dịch nộp thuế trên địa bàn TP. Bến Tre được thực hiện qua ngân hàng (chỉ tiêu đề ra  80%).

Các cơ sở khám, chữa bệnh đã phối hợp với các tổ chức tín dụng thực hiện thu viện phí bằng phương thức thanh toán KDTM, thực hiện công khai tài khoản của đơn vị và có hướng dẫn cụ thể về thanh toán qua tài khoản, lắp đặt máy POS, mã thanh toán QRCode, phần mềm trên điện thoại di động… để đưa vào thực hiện. Kết quả thực hiện, 100% bệnh viện tại TP. Bến Tre chấp nhận thanh toán viện phí qua ngân hàng.

Ngoài ra, một số DN trên địa bàn đã tiên phong đi đầu trong triển khai thực hiện Đề án. Bước đầu, Công ty Điện lực Bến Tre đã chuyển dần thu tiền điện tại nhà sang hình thức thanh toán tiền điện qua ngân hàng và thanh toán ví điện tử. Hay với VNPT Bến Tre, đầu tháng 8-2020, VNPT Bến Tre cũng đã triển khai điểm chấp nhận thanh toán KDTM. Kế hoạch đến cuối năm 2020, VNPT Bến Tre sẽ triển khai 1 ngàn điểm.

Thanh toán điện tử dịch vụ công

Trong thời gian tới, tỉnh cần đồng bộ, đồng loạt đẩy mạnh thực hiện thanh toán điện tử đối với dịch vụ công. Điển hình trong ngành giáo dục, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn bước đầu nhưng để thực hiện tốt hơn công tác thu học phí bằng phương thức KDTM, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo La Thị Thúy cho biết: Về quan điểm, sở sẽ tiếp tục triển khai chủ trương thu học phí bằng phương thức thanh toán KDTM trong đơn vị, tạo điều kiện thuận lợi cho cha mẹ học sinh. Tuy nhiên, không ép buộc, gây khó khăn cho phụ huynh lựa chọn đơn vị thu. Hình thức triển khai chủ trương thu học phí bằng phương thức thanh toán KDTM phải phù hợp với điều kiện của đơn vị và thực tế của địa phương. Các ngân hàng cũng phải tích cực tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tham gia”, bà La Thị Thúy nhấn mạnh.

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Lê Công Thành cho rằng, ngành ngân hàng có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng và cung ứng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cần thiết phục vụ thanh toán KDTM. Từ khi triển khai thực hiện Đề án đến nay, trên địa bàn tỉnh đã phát triển thêm 1 chi nhánh, 14 phòng giao dịch, 2 quỹ tín dụng nhân dân và 17 ATM, 273 POS, 110.286 thẻ ATM, 1 điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng (phần lớn đều đặt trên địa bàn nông thôn). Các ngân hàng ngày càng phát triển các sản phẩm dịch vụ thanh toán tiện ích cùng nhiều chương trình ưu đãi, hỗ trợ thiết thực khuyến khích người dân thanh toán KDTM.

Các chi nhánh ngân hàng và các đơn vị cung cấp dịch vụ công trên địa bàn đã chủ động kết nối, trao đổi thông tin, cơ sở dữ liệu, tạo tài khoản để thực hiện thu dịch vụ công qua ngân hàng. Hệ thống thanh toán của nhiều ngân hàng đã kết nối, tích hợp các giao dịch thanh toán thuế, điện lực, viễn thông… Tuy nhiên, việc kết nối giữa các ngân hàng với các tổ chức cung ứng dịch vụ công như học phí, viện phí vẫn còn khó khăn, tốc độ triển khai còn chậm, khả năng trao đổi thông tin, truy xuất dữ liệu còn hạn chế và đang tiếp tục phối hợp hoàn thiện trong thời gian sắp tới.

“Các sở, ngành, đơn vị liên quan và ngành ngân hàng trên địa bàn phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công, từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; phối hợp, hỗ trợ đẩy mạnh truyền thông đến khách hàng về các sản phẩm dịch vụ, lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt, giúp người dân hiểu rõ chủ trương của Chính phủ, hướng dẫn khách hàng thực hiện các giao dịch, đặc biệt là ở địa bàn nông thôn”.

(Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Lê Công Thành)

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN