Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử

22/08/2018 - 07:30

BDK - Kết quả bước đầu của việc xây dựng chính quyền điện tử được xem là một cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, quản lý, điều hành của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước; hướng đến tạo sự hài lòng trong phục vụ người dân, doanh nghiệp và tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện về cung ứng dịch vụ bưu chính - hành chính công. Ảnh: Phan Hân

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện về cung ứng dịch vụ bưu chính - hành chính công. Ảnh: Phan Hân

Xây dựng chính quyền điện tử

Thời gian qua, mặc dù có những khó khăn nhất định nhưng tỉnh đã không ngừng triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước hoàn thiện hạ tầng viễn thông đối với các ngành, các địa phương từ cấp tỉnh đến xã, nhằm góp phần cùng cả nước xây dựng chính phủ điện tử, tại Nghị quyết số 36a ngày 14-10-2015 của Chính phủ. Các ngành, các địa phương, nhất là Viễn thông Bến Tre đã chủ động tích cực trong việc phối hợp triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh. Đến thời điểm này, các phần mềm đã được triển khai mang lại hiệu quả thiết thực.

Ông Cao Xuân Đoàn - Giám đốc Trung tâm Kinh doanh VNPT Bến Tre cho hay, phần mềm VNPT-iOffice đã gửi, nhận văn bản liên thông 4 cấp và chỉ đạo điều hành tại các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố và 164 xã, phường, thị trấn đạt hiệu quả tốt. Ngành giáo dục có phần mềm VnEdu đã triển khai đến 366/366 trường, giúp phục vụ tốt trong việc quản lý, giảng dạy. Ngành y tế có phần mềm VNPT-HIS đã triển khai kết nối đến 152 cơ sở y tế, đạt 100% trạm y tế ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế thuận tiện, nhanh chóng.

“Đây là các phần mềm hiện đại hóa nền hành chính của tỉnh, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn. Những nội dung này đã góp phần thiết thực vào kết quả thực hiện Nghị quyết số 36a của Chính phủ về chính phủ điện tử và cũng là những nội dung nằm trong lộ trình, kế hoạch xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh” - ông Đoàn nói.

Đối với 2 phần mềm triển khai chậm trong năm 2017 như VNPT-iGate và (một cửa điện tử) VNPT-CCVC thì bước sang năm 2018 cũng đã được cập nhật tốt, bước đầu mang lại hiệu quả.

So với các huyện, thành phố, Thạnh Phú được nhận định là địa phương có nhiều nỗ lực và dẫn đầu trong công tác triển khai xây dựng chính quyền điện tử. Theo ông Võ Văn Tiền - Chánh Văn phòng UBND huyện, đến nay, toàn huyện đã cơ bản hoàn thiện việc trang bị hạ tầng kỹ thuật viễn thông, tạo thuận lợi trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý trong nội bộ. Huyện đã triển khai đến các xã thực hiện dịch vụ công trực tuyến đối với 2 loại thủ tục như giấy khai sinh và giấy chứng nhận kết hôn. Một trong những địa phương được đánh giá tích cực và chủ động trong triển khai chương trình này là xã xây dựng nông thôn mới Thới Thạnh, Phú Khánh…

Để thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ về liên thống văn bản điện tử 4 cấp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và đưa các hệ thống công nghệ thông tin đã được triển khai trên địa bàn tỉnh vào khai thác một cách thiết thực, hiệu quả, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố phải có tinh thần chủ động, có động thái tích cực hơn để phối hợp với Viễn thông Bến Tre tiếp tục thực hiện hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.

Cung cấp dịch vụ công trực tuyến

Hiện nay, tỉnh đã vận hành website “Dịch vụ hành chính công - một cửa điện tử” (website motcua.bentre.gov.vn). Có thể nói, đây là công cụ điện tử tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu giải quyết các thủ tục hành chính một cách nhanh chóng tại một địa chỉ truy cập duy nhất. Cung cấp thông tin một cách tự động và trực tuyến về tình trạng giải quyết hồ sơ, cấp phép. Theo đó, người dân có thể thông qua mạng internet kiểm tra, giám sát về tình trạng giải quyết hồ sơ. Hệ thống cung cấp một nền tảng ứng dụng để từng bước cho phép các cơ quan hành chính nhà nước phối hợp giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng một cách xuyên suốt, nhất quán theo tinh thần “một cửa liên thông”.

Có 4 mức độ dịch vụ công, đến nay, tỉnh đã cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3 đối với một số loại thủ tục, trong đó có thủ tục đăng ký kinh doanh. Các thông tin hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp tham gia tiện ích này được dán tại bộ phận một cửa Sở Kế hoạch và Đầu tư, được bộ phận này trực tiếp hướng dẫn. Để khuyến khích người dân, doanh nghiệp khi tham gia dịch vụ công trực tuyến sẽ được miễn lệ phí đăng ký thủ tục là 100 ngàn đồng/lượt. Tuy nhiên, đánh giá kết quả triển khai trong 2 năm gần đây, năm 2017 chỉ có 2 hồ sơ thực hiện. Từ đầu năm 2018 đến nay có 200 hồ sơ đăng ký, dự đoán đến cuối năm là 300 hồ sơ. Con số này tăng cao trong năm 2018, song hầu hết các hồ sơ này chủ yếu do các doanh nghiệp ngoài tỉnh thực hiện đăng ký. Số lượng người dân, doanh nghiệp trong tỉnh trực tiếp tham gia rất ít hoặc nếu có thì chủ yếu là doanh nghiệp thuê kế toán, đơn vị làm dịch vụ tư nhân thực hiện.

Tại nhiều cuộc họp về việc xây dựng chính quyền điện tử, trong đó có triển khai dịch vụ hành chính công trực tuyến, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng cho rằng, tỉnh đã “sẵn sàng” vì đã cơ bản hoàn thiện hạ tầng viễn thông để thực hiện chính quyền điện tử. Tuy nhiên, để triển khai được, tỉnh cần có “người dân điện tử”. “Mỗi người dân khi sử dụng điện thoại, máy tính cần phát huy tính năng thông minh của điện thoại, kết nối internet và tích cực tham gia sử dụng các dịch vụ công trực tuyến” - Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Tiện ích của việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến là giúp người dân, doanh nghiệp có thể đăng ký, nộp hồ sơ tại nhà và có thể thực hiện 24/24 giờ. Dịch vụ này giúp giảm chi phí đi lại, đảm bảo an toàn và mang lại hiệu quả cao. Để tạo thuận lợi của người dân, doanh nghiệp, cuối năm 2017, tỉnh cũng đã tổ chức triển khai chương trình tiếp nhận hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp qua đường bưu điện. Người dân, doanh nghiệp tham gia có thể nộp hồ sơ tại các trạm bưu điện gần nhất. Các sở, ngành sẽ phối hợp giải quyết thủ tục liên quan và hoàn trả theo đường bưu điện.

4 mức độ dịch vụ công

[1] Dịch vụ bảo đảm cung cấp đầy đủ các thông tin về thủ tục hành chính và các văn bản có liên quan quy định về thủ tục hành chính đó.

[2] Dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 và cho phép người sử dụng tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu. Hồ sơ sau khi hoàn thiện được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.

[3] Dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 và cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.

[4] Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng.

Nhiên Luận

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN