Định danh thương hiệu sầu riêng Cái Mơn

30/08/2019 - 08:22

BDK - Huyện Chợ Lách đang nhắm đến việc liên kết lớn trong sản xuất sầu riêng để có sản lượng tập trung và quy trình sản xuất thống nhất. Bên cạnh đó, một luồng ý kiến khác rẽ sang hướng “nâng cao chất lượng để trái sầu riêng Cái Mơn có giá tốt hơn và giữ vững được thương hiệu”.

Sầu riêng Bến Tre được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: K.Minh

Sầu riêng Bến Tre được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: K.Minh

Khác biệt nhờ chất lượng

Dân gian vẫn thường ví von hai loại trái cây tiêu biểu được nhiều người biết đến bằng câu “Nam có sầu riêng, Bắc có vải thiều”. Đến nay, danh tiếng sầu riêng ở miền Nam được người dân trong nước biết đến nhiều nhất vẫn là sầu riêng Cái Mơn. “Trải qua hơn 100 năm, sầu riêng Cái Mơn đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng, có uy tín trên thị trường cả nước, được đánh giá cao về chất lượng, hơn hẳn các giống sầu riêng trồng ở các nơi khác về vị ngọt, hương thơm cũng như số lượng múi của trái”, kỹ sư Lê Văn Đơn - Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Chợ Lách khẳng định.

Ông Lê Văn Đơn được nhiều nông dân trồng sầu riêng trong huyện biết đến với vai trò là nhà khoa học, nhà quản lý chuyên về cây sầu riêng. Ông còn là người đặt nền móng cho sự ra đời của Câu lạc bộ (CLB) sầu riêng Chợ Lách. CLB này quy tụ ban đầu khoảng 25 nông dân, đến nay là hàng trăm nông dân chuyên sản xuất sầu riêng ở huyện Chợ Lách. Mỗi tháng sinh hoạt một lần, CLB hội tụ nhiều thành phần như: nhà khoa học - họ là cố vấn kỹ thuật cho nông dân, nông dân - những người cung cấp kinh nghiệm giúp nhà khoa học phát triển các nghiên cứu của mình đối với cây sầu riêng.

Có ba loại sầu riêng được trồng nhiều ở Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long là sầu riêng hạt lép Chín Hóa, sầu riêng Monthong được du nhập từ Thái Lan và sầu riêng Ri6 được bình tuyển, chọn lọc với những tính tốt, đặc trưng. Riêng với vùng đất Cái Mơn, hai giống sầu riêng Ri6 và Monthong lại một lần nữa tạo nét độc đáo riêng so với những vùng đất khác. Điều này đã được khẳng định từ các chuyên gia trong tạo lập chỉ dẫn địa lý cho sầu riêng Cái Mơn.

Kết quả phân tích cho thấy sầu riêng giống Ri 6, Monthong trồng tại Cái Mơn - Chợ Lách thể hiện sự vượt trội về tỷ lệ cơm so với giống cùng loại được trồng ở nơi khác. Các chỉ tiêu về năng lượng, độ brix, protein, chất béo, ẩm độ và vitamin C của cơm sầu riêng trồng tại vùng đất Cái Mơn đều khác biệt có ý nghĩa ở mức 5%. Các khoáng chất (Ca, K, Na) trong cơm sầu riêng cũng đều cao hơn và khác biệt có ý nghĩa thống kê ở độ tin cậy 95% (P < 0,05) so với quả được lấy mẫu tại tỉnh Đồng Nai và Bình Dương.

Lý giải sự vượt trội về chất lượng trái sầu riêng trồng trên vùng đất Cái Mơn, ông Đơn nói: “Các chuyên gia cho rằng vùng trồng sầu riêng Cái Mơn thuộc vùng đất cao ven sông Hàm Luông và Cổ Chiên có nguồn phù sa sông Tiền màu mỡ đã góp phần tạo nên hương vị đặc sắc của cây trái nói chung và quả sầu riêng Cái Mơn nói riêng”.

Chỉ dẫn địa lý cho sầu riêng Cái Mơn

Sự vượt trội của sầu riêng Cái Mơn đến nay vẫn chưa giúp cho loại trái cây đặc sản tìm được chỗ đứng thực sự. Sầu riêng Cái Mơn có thể bị lẫn lộn với các loại sầu riêng khác, nó chưa được định danh chính thức và vẫn là một “vị vua không ngai”. Sầu riêng Cái Mơn đang khát khao được chính danh. Từ đó, nông dân huyện Chợ Lách có thể mở ra một hướng đi mới, thêm một đầu ra cho sầu riêng Cái Mơn.

Từ góc độ cá nhân, kỹ sư Trần Công Tín - cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Chợ Lách bày tỏ: “Sầu riêng Cái Mơn hay sầu riêng Chợ Lách cần phải được công nhận danh tính để phân biệt với các sản phẩm nơi khác. Từ đó, xây dựng kênh tiêu thụ riêng phù hợp với quy mô sản xuất”.

Năm 2018, Bến Tre có diện tích sầu riêng khoảng 2 ngàn ha, diện tích đang cho trái 1.500ha, năng suất bình quân 12 tấn/ha, sản lượng 18 ngàn tấn. Tập trung ở các xã của huyện Chợ Lách và một số xã của huyện Châu Thành. So với cả nước, diện tích sầu riêng ở Bến Tre chiếm rất nhỏ trong khoảng 30 ngàn ha diện tích sầu riêng của cả nước (số liệu năm 2018). Diện tích sầu riêng ở tỉnh đã ít, lại thêm quy trình canh tác theo quy cũ, dẫn đến chất lượng trái không đồng đều. Sự ra đời của CLB sầu riêng Chợ Lách đã giúp nông dân Chợ Lách thay đổi tư duy sản xuất. Lão nông Nguyễn Văn Bé - Tổ trưởng Tổ sầu riêng VietGAP ấp Trung Hiệp, xã Hưng Khánh Trung B nói: “Sản xuất sầu riêng hiện nay chủ yếu dùng phân hữu cơ và sinh học, có như vậy thì việc sản xuất mới bền vững. Chúng tôi mong muốn sầu riêng Chợ Lách được cấp chỉ dẫn địa lý, để sầu riêng của mình có giá cả ổn định khi được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc”.

Hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ đang tập trung xác lập lại chỉ dẫn địa lý cho trái sầu riêng Cái Mơn. “Hồ sơ đã hoàn chỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ đang đệ trình lên cấp thẩm quyền xem xét để cấp chỉ dẫn địa lý cho sầu riêng Cái Mơn” - ông Lê Văn Đơn - Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách thông tin. Việc cấp chỉ dẫn địa lý cho sầu riêng Cái Mơn sẽ mở ra cho loại trái cây này một hướng đi mới thay vì chỉ bán cho thương lái xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch; nó còn làm thay đổi cả quy trình canh tác sầu riêng vốn trước nay chưa được thống nhất.

Sầu riêng là một trong 12 loại cây trồng đã được Bộ NN&PTNT đưa vào quy hoạch trồng tập trung ở Nam Bộ. Ở huyện Chợ Lách, sầu riêng là cây trồng chính với diện tích hơn 1.200ha và trong định hướng phát triển đến 2020 sẽ tăng từ 10 - 15% diện tích trồng sầu riêng. Sầu riêng phần lớn được trồng theo hình thức thâm canh, rải vụ khá triệt để.

Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN