Mỏ Cày Bắc quyết tâm bứt phá chuyển đổi số

01/03/2021 - 06:48

BDK - Là địa phương giáp ranh với TP. Bến Tre và có nhiều điểm sáng về tính năng động, đổi mới, sáng tạo trong những năm gần đây, Mỏ Cày Bắc xác định chuyển đổi số (CĐS) là con đường ngắn nhất để bứt phá, rút ngắn khoảng cách về sự phát triển kinh tế - xã hội so với các địa phương khác và giúp Bến Tre trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về CĐS theo chủ trương của Chính phủ.

Người dân huyện Mỏ Cày Bắc tham gia kinh doanh hoa kiểng tại Hội hoa xuân Tân Sửu 2021.

Người dân huyện Mỏ Cày Bắc tham gia kinh doanh hoa kiểng tại Hội hoa xuân Tân Sửu 2021.

Chủ động vào cuộc

CĐS đang tác động ảnh hưởng sâu rộng đến cấu trúc và các mối quan hệ trong nền kinh tế toàn cầu: thay lao động chân tay bằng tự động hóa; thay vốn bằng tri thức và dữ liệu; thay đổi toàn diện mối quan hệ của chính quyền với người dân và giữa các chủ thể trong nền kinh tế thông qua việc xóa bỏ các cơ chế trung gian trong chuỗi giá trị bằng công nghệ kết nối trực tiếp; thay đổi thói quen tiêu dùng cũng như hành vi ứng xử của toàn xã hội…

 Đứng trước thời cơ và thách thức mới, Tỉnh ủy, UBND tỉnh quyết tâm chọn CĐS để thay đổi một cách tổng thể và toàn diện tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội, tái định hình cách chúng ta sống, làm việc và liên hệ với nhau. Đề án CĐS tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến 2030 sẽ phản ánh tầm nhìn, nhiệm vụ và giải pháp trong 10 năm tới để đẩy mạnh sáng tạo, phát triển đột phá công nghệ kỹ thuật số. Từ đó, thúc đẩy sự phát triển về kinh tế và xã hội của tỉnh.

Căn cứ Quyết định số 2581/QĐ-UBND ngày 9-10-2020 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án CĐS tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, UBND huyện Mỏ Cày Bắc đã xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án CĐS. Mục đích chung là tiến đến xây dựng thành công chính quyền điện tử, nền kinh tế số và xã hội số, nhằm đem lại hiệu quả trong công tác quản lý và phục vụ người dân của cơ quan nhà nước, nâng cao năng suất lao động, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân. CĐS trong tất cả các lĩnh vực, trong đó huyện xác định sẽ tập trung CĐS trong lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch và nông nghiệp.

Chính quyền số và nông nghiệp thông minh

Theo kế hoạch thực hiện Đề án CĐS tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, huyện sẽ đảm bảo 100% các ngành hoàn thiện hệ thống thông tin chuyên ngành trên nền tảng số hóa và vận hành bởi quy trình số. Tạo lập dữ liệu thống kê phục vụ quản lý số liệu chuyên ngành, tổng hợp số liệu chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Triển khai các ứng dụng nhằm nâng cao sự tương tác giữa chính quyền và người dân. Triển khai ứng dụng phần mềm đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, nhằm tăng cường chất lượng và hiệu quả công việc tại các cơ quan nhà nước. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến trúc chính quyền điện tử và kết quả triển khai chính quyền điện tử; triển khai hiệu quả chương trình truyền thông về chính quyền điện tử của huyện.

Huyện phối hợp với các ngành tổ chức đào tạo nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng về CĐS, phát triển Chính phủ số cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm. Xem xét thử nghiệm triển khai sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số”, với mục tiêu mỗi người nông dân được định hướng, đào tạo ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo (giá, thời vụ…) nông sản, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế. Triển khai các ứng dụng, cảm biến cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai, nguồn nước để người dân chủ động các giải pháp nâng cao chất lượng sản xuất, nuôi trồng, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số.

“Huyện đã cụ thể hóa bằng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU của Tỉnh ủy và Kế hoạch thực hiện đề án chuyển đổi số của UBND tỉnh. Trong 8 nội dung chính của chuyển đổi số, huyện chọn 2 nội dung triển khai trước là chính quyền số và nông nghiệp thông minh. Hiện lãnh đạo huyện đã chỉ đạo các ban, ngành huyện xây dựng kế hoạch triển khai, dự trù đề xuất kinh phí trình Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh đưa vào thực hiện.

Huyện mong muốn được tỉnh chọn làm huyện tiên phong trên địa bàn toàn tỉnh về chuyển đổi số. Huyện cũng xác định chọn Phước Mỹ Trung làm xã đi đầu của huyện trong chuyển đổi số. Vì đây là xã trung tâm của huyện”.

(Phó chủ tịch UBND huyện Nguyễn Trung Nghiệp)

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích