Thạch dừa Minh Tâm - nhãn hiệu độc quyền

18/11/2020 - 06:48

BDK - Khi nghề kẹo dừa chuyển hướng sang sản xuất công nghiệp, hàng trăm ngàn trái dừa được đập lấy cơm thì nước dừa chỉ là thứ xả bỏ đi. “Một nguồn tài nguyên bổ ích như thế mà bỏ đi thì thật là đáng tiếc. Tôi thì quá nghèo, muốn kiếm thêm tiền nuôi con học nên chọn nước dừa để khởi nghiệp”. Năm 1999, nghề làm thạch dừa tại TP. Bến Tre đã manh nha từ đôi tay của bà Lê Thị Bê.

Nhân viên bán hàng giới thiệu sản phẩm Thạch dừa Minh Tâm tại Lễ hội Dừa tỉnh Bến Tre năm 2019. Ảnh: C.Trúc

Nhân viên bán hàng giới thiệu sản phẩm Thạch dừa Minh Tâm tại Lễ hội Dừa tỉnh Bến Tre năm 2019. Ảnh: C.Trúc

Khởi nghiệp với thạch dừa

Bà Lê Thị Bê, 65 tuổi, ngụ Phường 6, TP. Bến Tre từng là công chức ngành thống kê. “Thời bao cấp, vợ chồng, con cái tôi sống khá thiếu thốn, cả nhà sống  trong căn chòi mái lá, đòn tay bằng cây bình linh, vách nhà ghép từ bụp dừa nước và thân cây cau xẻ ra. Tôi tự nặn đất sét làm bếp nấu ăn. Kinh tế eo hẹp, con tôi lại chuẩn bị vào đại học. Một người bạn học thương cảm cho hoàn cảnh nên chỉ tôi cách làm thạch dừa”, bà Lê Thị Bê nhớ lại.

Năm 1999, bà Lê Thị Bê bắt đầu mua nước dừa sản xuất thạch dừa thô. “Những nơi sản xuất kẹo dừa cho tôi nước dừa. Được một thời gian, tôi ngại nên trả một số tiền tượng trưng. Sang năm 2001, gia đình tôi đã đăng ký kinh doanh lấy tên hộ kinh doanh Trần Minh Tâm”, bà Lê Thị Bê nói.

Bà Lê Thị Bê vừa sản xuất, vừa chỉ cho những hộ cùng xóm cách làm thạch dừa. Đến tháng 9-2009, hộ Trần Minh Tâm ngưng nấu thạch thô chuyển sang đặt vệ tinh nấu thô, mua về nấu thành phẩm và bán nguyên liệu trong, ngoài nước cho đến nay. Sản phẩm thạch dừa Minh Tâm ra đời từ đó. Nghề làm thạch dừa cũng nhờ đó mà phát triển rộng rãi trên địa bàn TP. Bến Tre cho tới nay. Nước dừa trở thành món quà thiên nhiên có giá trị, khiến người ta phải tranh nhau mua.

Sự bươn chải, chịu khó của vợ chồng bà Lê Thị Bê đã giúp gia đình bà thoát nghèo năm 2012, được nhận bằng khen của UBND tỉnh. Con của bà Bê không những tốt nghiệp đại học, học lên thạc sĩ, nay đã ổn định công việc và có cơ ngơi tại TP. Hồ Chí Minh. Riêng hộ kinh doanh Trần Minh Tâm tạo công ăn việc làm cho gần 20 lao động. Nhiều hộ gia đình là vệ tinh cung cấp thạch thô cho bà Bê có thêm sinh kế cho cuộc sống.

Thạch dừa Minh Tâm “4 sao”

Hơn 20 năm hoạt động, hộ kinh doanh Trần Minh Tâm ngày càng phát triển, từng bước mở rộng quy mô sản xuất, liên tục xây dựng và thay đổi công nghệ nhằm đáp ứng các yêu cầu của khách hàng. Quy trình sản xuất thạch dừa Minh Tâm được thực hiện theo dây chuyền khép kín, quản lý nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra theo hệ thống GMB.

“Từ nhà xưởng nền đất, tôi cố gắng bê-tông hóa. Thực hiện các điều kiện để đạt chứng nhận HACCP, tôi phải lót gạch men, dán gạch tường, đóng la-phông. Thị trường xuất khẩu tốt, tôi mạnh dạn thay đổi máy móc, không nấu củi nữa mà chuyển sang nồi hơi, mua máy lạng, máy cắt mới đẩy năng suất sản xuất lên cao. Phần lớn chi phí chuyển đổi từ tiền tôi dành dụm chứ không vay ngân hàng”, bà Lê Thị Bê chia sẻ.

Mỗi năm, cơ sở Trần Minh Tâm cung cấp ra thị trường khoảng 960 tấn thạch dừa thành phẩm, góp phần gia tăng chuỗi giá trị của cây dừa Bến Tre. Doanh số năm sau cao hơn năm trước bình quân 20 - 30%. Đến nay, sản phẩm thạch dừa Minh Tâm đã được công nhận sản phẩm OCOP “4 sao”, chứng nhận HACCP, chứng nhận HALAL, chứng nhận nhãn hiệu độc quyền thạch dừa Minh Tâm, chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2017, chứng nhận Kosher, chứng nhận an toàn sức khỏe cộng đồng. Thạch dừa Minh Tâm - sản phẩm OCOP “4 sao” đã có mặt ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, tại các đại lý bán lẻ, siêu thị, trạm dừng chân, khu du lịch. Đồng thời, bán trung gian qua Lào và Campuchia.

Bà Lê Thị Bê chia sẻ tâm huyết: “Một doanh nghiệp muốn phát triển bền vững thì phải đảm bảo môi trường sạch, đẹp, hàng hóa phải an toàn thực phẩm, tốt cho sức khỏe cộng đồng. Do đó, chúng tôi mạnh dạn đầu tư thiết bị, đổi mới công nghệ, xây dựng hệ thống xử lý nước thải, bã phế thải một cách nghiêm chỉnh, đúng quy trình, tránh được tình trạng ô nhiễm nơi sản xuất và khu vực dân cư”.

Hiện Cơ sở Minh Tâm vừa cho ra đời sản phẩm độc đáo là thạch dừa đông khô cung cấp tại thị trường Nhật Bản. Đây là sản phẩm khởi nghiệp mới của bà Lê Thị Bê.

T.Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích