TP. Bến Tre tập trung xây dựng sản phẩm OCOP

30/10/2020 - 07:04

BDK - Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Chương trình OCOP không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm truyền thống của TP. Bến Tre, mà còn giúp tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân ở khu vực nông thôn.

Sản phẩm OCOP của TP. Bến Tre trưng bày tại hội chợ xúc tiến thương mại.

Sản phẩm OCOP của TP. Bến Tre trưng bày tại hội chợ xúc tiến thương mại.

Sản phẩm được đánh giá cao

Theo Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP của Chính phủ (tại Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21-8-2019), năm 2019, TP. Bến Tre có 4 sản phẩm được đánh giá đạt 4 sao. Đến tháng 10-2020, TP. Bến Tre có thêm 9 sản phẩm được công nhận 4 sao và 5 sao. Kết quả này phản ánh các chủ thể sản xuất đã đầu tư rất nhiều công sức cho các sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố. Bởi để được xếp hạng 4 sao và 5 sao, các sản phẩm phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí mới có được mức điểm cao trong thang điểm đánh giá.

Sản phẩm OCOP của TP. Bến Tre chủ yếu là thực phẩm, mỹ phẩm và thảo dược từ các chủ thể sản xuất như: Công ty TNHH Chế biến sản phẩm dừa Cửu Long, Công ty cổ phần Sa Sâm Việt, Công ty TNHH sản xuất, kinh doanh tổng hợp Đông Á, hộ kinh doanh Trần Minh Tâm. Riêng 10 sản phẩm của Công ty TNHH Vĩnh Tiến đang làm hồ sơ để đánh giá theo Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP của Chính phủ.

Các sản phẩm được đánh giá và xếp hạng theo Bộ tiêu chí, dựa trên Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007, các Bộ tiêu chuẩn quốc gia, Quy chuẩn quốc gia. Bộ tiêu chí của sản phẩm gồm 3 phần: Phần A là các tiêu chí đánh giá về sản phẩm và sức mạnh cộng đồng (35 điểm), gồm: tổ chức sản xuất, phát triển sản phẩm, sức mạnh cộng đồng. Phần B là các tiêu chí đánh giá về khả năng tiếp thị (25 điểm), gồm tiếp thị, câu chuyện về sản phẩm. Phần C là các tiêu chí đánh giá về chất lượng sản phẩm (40 điểm), gồm: chỉ tiêu cảm quan, dinh dưỡng, tính độc đáo của sản phẩm; tiêu chuẩn sản phẩm; khả năng xuất khẩu, phân phối tại thị trường quốc tế.

Tổng điểm đánh giá cho mỗi sản phẩm tối đa 100 điểm và được phân thành 5 hạng. Hạng 5 sao có tổng điểm trung bình đạt từ 90 - 100 điểm, là sản phẩm cấp quốc gia, có thể xuất khẩu. Hạng 4 sao, có tổng điểm trung bình đạt từ 70 - 89 điểm, là sản phẩm cấp tỉnh, có thể nâng cấp lên hạng 5 sao. Hiện TP. Bến Tre có sản phẩm mặt nạ dừa của Công ty TNHH Chế biến sản phẩm dừa Cửu Long và kẹo dừa sầu riêng, kẹo dừa béo nguyên chất của Công ty TNHH sản xuất, kinh doanh tổng hợp Đông Á được xếp hạng 5 sao.

Hiệu quả bước đầu

UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh đợt 1 năm 2020. Kết quả công nhận có giá trị trong 3 năm. Đồng thời, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn hoàn chỉnh hồ sơ đối với các sản phẩm đạt 5 sao gửi Trung ương đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp quốc gia. Hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể sản xuất sử dụng, in, dán logo, thứ hạng OCOP lên sản phẩm theo đúng quy định.

Đến nay, TP. Bến Tre đã tổ chức 4 lớp tập huấn Chương trình OCOP, với 192 người tham dự. Đối tượng là chủ thể sản xuất, cán bộ xã, phường và một lớp tập huấn cho 48 lượt người tham dự là lãnh đạo Đảng ủy, lãnh đạo UBND xã, phường và cán bộ phụ trách OCOP xã, phường, thành viên Hội đồng đánh giá thành phố. Hướng tới, TP. Bến Tre tiếp tục tổ chức khảo sát, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho doanh nghiệp, thực hiện chương trình kết nối cung cầu với doanh nghiệp ngoài tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Được - Trưởng phòng Kinh tế UBND TP. Bến Tre cho biết: “Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP, tỉnh có 7 doanh nghiệp, trong đó 4 doanh nghiệp trên địa bàn TP. Bến Tre ký bản ghi nhớ với Tập đoàn Central Group. Ở các đợt hội chợ sản phẩm OCOP tại tỉnh, các sản phẩm có gắn sao được khách hàng quan tâm và mua nhiều hơn sản phẩm không gắn sao”.

Đối tượng của Chương trình OCOP là sản phẩm và chủ thể thực hiện. Trong đó, sản phẩm gồm: sản phẩm hàng hóa và sản phẩm dịch vụ có nguồn gốc từ địa phương, hoặc được thuần hóa. Đặc biệt, đặc sản vùng, miền, trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, văn hóa, nguồn gen, tri thức và công nghệ địa phương. Chủ thể thực hiện là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh.

Bài, ảnh: Phương Khê

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN