Tranh thủ nhiều nguồn vốn để đầu tư, xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng

19/09/2014 - 07:05

Đường tỉnh 883 đoạn trước Khu Công nghiệp Giao Long. Ảnh: C. Trúc

“Đề án Nâng cấp, phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội Bến Tre giai đoạn 2011-2015 đầu tư phát triển ở hầu hết các lĩnh vực, từ hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, văn hóa, giáo dục đến thương mại, y tế. Đến nay, có rất nhiều công trình, dự án còn dang dở, chậm đưa vào sử dụng, làm phát sinh chi phí, giảm hiệu quả đầu tư...” - ông Võ Thành Hạo - Chủ tịch UBND tỉnh thẳng thắn nhận định về kết quả sau 3 năm triển khai.

Xác định đầu tư kết cấu hạ tầng có ý nghĩa quan trọng cho phát triển của địa phương nên thời gian qua, tỉnh đã nỗ lực tập trung huy động, lồng ghép nhiều nguồn vốn đầu tư hạ tầng chính yếu, từng bước đồng bộ hóa hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội (KT-XH). Đến nay, kết quả đầu tư phát triển hạ tầng ở hầu hết các lĩnh vực, đạt gần 28 ngàn tỷ đồng (trên 52%). Trong đó, có hơn 50 công trình, dự án trọng điểm ở các ngành hoàn thành và đưa vào sử dụng. Dự án 10 cây cầu trên đường tỉnh 883 hoàn thành đã tạo điều kiện phát triển ngành thủy sản, góp phần tích cực vào phát triển KT-XH huyện Bình Đại nói riêng và tỉnh nói chung. Việc hoàn thành hạ tầng các khu công nghiệp đã tạo điều kiện thu hút nhiều nhà đầu tư, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp.

Trên lĩnh vực nông nghiệp, một số công trình trọng điểm đã hoàn thành như hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1, đê bao vàm Tân Hương, đê bao sông Hàm Luông, nâng cấp các tuyến đê biển huyện Bình Đại. Từ năm 2011 đến nay, tỉnh gặp khó khăn trong việc huy động nguồn vốn. Để đạt được kết quả trên, tỉnh đã không ngừng nỗ lực, quan tâm đúng mức công tác thu hút đầu tư và tạo môi trường thuận lợi trong thu hút vốn đầu tư ngoài nước. Tuy nhiên, do ngân sách tỉnh còn hạn chế, bố trí vốn không kịp thời là một trong các nguyên nhân dẫn đến còn nhiều công trình đang triển khai thiếu vốn đầu tư, ảnh hưởng đến tiến độ thi công, làm giảm hiệu quả đầu tư. Điển hình là về hạ tầng đô thị, cấp nước và du lịch. Theo ông Võ Thành Hạo, việc phát triển TP. Bến Tre lên đô thị loại II vẫn còn khó khăn, việc xây dựng 3 đô thị loại IV ở Mỏ Cày Nam, Ba Tri, Bình Đại đến nay chưa đạt. Có thể nói, hạ tầng về cấp nước sạch là vấn đề bức xúc nhất. Đến nay, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch toàn tỉnh chỉ đạt 40,9%, còn lại là sử dụng nước lóng phèn, nước mưa, nước chưa qua xử lý. Ngoài ra, việc phát triển mạng lưới giao thông vẫn còn nhiều bất cập, phát triển thủy lợi cho nông nghiệp chưa khép kín... Tính chưa đồng bộ của hệ thống hạ tầng hiện diện ở hầu hết các lĩnh vực.

Dự báo về tình hình huy động vốn trong đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng, ông Võ Thành Hạo cho biết: Sắp tới sẽ còn nhiều khó khăn, nên nguồn vốn chi đầu tư sẽ không đảm bảo để hoàn thành các mục tiêu của Đề án. Ông chỉ đạo, các ngành, các cấp, địa phương phải tranh thủ nhiều nguồn vốn khác để mở rộng kênh đầu tư. Đối với việc đầu tư hạ tầng nước sạch, các địa phương nên quan tâm đến việc xã hội hóa đầu tư thay vì chờ đợi vốn nhà nước. Mạnh dạn cho phép các doanh nghiệp xây dựng các nhà máy nước tư nhân để cung cấp nước sạch cho người dân sử dụng, để vừa đáp ứng yêu cầu về nước sạch, vừa đảm bảo về lợi ích kinh tế. Mở rộng các phương thức đầu tư, đặc biệt là tăng cường huy động nguồn vốn ODA hỗ trợ đầu tư hệ thống hạ tầng. Đối với các công trình đầu tư mới, phải xem xét, tính toán kỹ về nguồn vốn đầu tư.

C.Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN