Kỳ họp thứ 19 HĐND tỉnh, đại biểu chất vấn nhiều vấn đề liên quan đến kinh tế, đời sống người dân

09/12/2020 - 18:17

BDK.VN - Sáng ngày 9-12-2020, HĐND tỉnh tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Nội dung chủ yếu tập trung chính sách hỗ trợ thiệt hại sau hạn mặn; giải pháp cung cấp nước sạch cho người dân; nguồn nhân lực ngành y tế; việc xử lý rác thải trong tỉnh; xây dựng và phát triển đô thị. Dưới đây là ý kiến của một số đại biểu tại buổi chất vấn.

Chất vấn của Trưởng ban Văn hóa - Xã hội Đặng Ngọc Anh. Ảnh: Hữu Hiệp

Chất vấn của Trưởng ban Văn hóa - Xã hội Đặng Ngọc Anh. Ảnh: Hữu Hiệp

Gần 38,5 tỷ đồng chi hỗ trợ người dân chịu thiệt hại do hạn mặn

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Đặng Ngọc Anh nêu vấn đề về trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân sản xuất nông nghiệp chịu thiệt hại do hạn mặn mùa khô 2019-2020 trên địa bàn tỉnh.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn trả lời: UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các huyện, thành phố rà soát thiệt hại, đồng thời đã phê duyệt mức chi hỗ trợ gần 38,5 tỷ đồng. Nguồn kinh phí đã phân bổ về các huyện, thành phố và các xã đang thực hiện thủ tục để hỗ trợ cho người dân bị thiệt hai.

Qua đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương nhanh chóng thực hiện thủ tục chi hỗ trợ cho người dân. Tất cả các trường hợp bị thiệt hại do thiên tai (hạn mặn mùa khô năm 2019-2020) nếu đúng đối tượng, đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định số 02/2017 của Chính phủ sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh, riêng với cây dừa, trong đợt hạn mặn vừa qua, người trồng dừa gặp nhiều khó khăn do năng suất, chất lượng bị giảm, ảnh hưởng thu nhập người dân. Để chia sẻ khó khăn với người trồng dừa, UBND tỉnh đã báo cáo và xin chủ trương phối hợp các ngành liên quan xây dựng chính sách hỗ trợ, đề xuất chính sách với Thường trực HĐND tỉnh, nếu được thống nhất, UBND tỉnh sẽ hoàn thiện hồ sơ trình HĐND tỉnh vào đầu năm 2021 và có thể tiến hành chi hỗ trợ vào quý I năm 2021.

Giải pháp đảm bảo nguồn nhân lực ngành y tế

Đại biểu Huỳnh Văn Cuộn chất vấn: Thực trạng về chất lượng nguồn nhân lực ngành y tế của tỉnh hiện nay; kế hoạch, giải pháp đảm bảo nguồn nhân lực cho ngành y tế để cung ứng cho các cơ sở khám, chữa bệnh hiện tại, cũng như các dự án lớn đang và sắp triển khai trên địa bàn tỉnh như: Bệnh viên đa khoa Bến Tre cơ sở 2, Bệnh viện đa khoa tỉnh 500 giường (vốn ODA Hàn Quốc), Bệnh viện đa khoa khu vực Cù Lao Minh, Trung tâm Y tế huyện Mỏ Cày Bắc.

Giám đốc Sở Y tế Ngô Văn Tán trả lời: Trong những năm qua, ngành y tế đã cử đi đào tạo khá nhiều chức danh chuyên môn hiện còn thiếu, cần cho phục vụ sức khoẻ nhân dân tỉnh nhà. Tính đến ngày 30-11-2020, tổng số cán bộ, công chức, viên chức, lao động (CCVC-LĐ) toàn ngành là 4.778 người, chiếm 36,75 cán bộ CCVC/10.000 dân, trong đó có 1.220 bác sĩ, đạt 9,39 bác sĩ/10.000 dân. Theo tỷ lệ này, Bến Tre xếp vị trí thứ tư so với đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Giám đốc Sở Y tế, từ năm 2008 đến nay, Sở đã trình UBND tỉnh cử đi đào tạo 523 bác sĩ và 38 dược sĩ đại học. Điểm qua thực trạng nguồn nhân lực của ngành y tế, nhận thấy các cơ sở khám chữa bệnh đang thiếu bác sĩ, nên việc thực hiện tua trực quá dày ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng chuyên môn. Đối với những chuyên khoa còn thiếu bác sĩ, bệnh viện rất khó chủ động cử bác sĩ đi đào tạo chuyên sâu ở tuyến trên vì không đủ bác sĩ đảm nhiệm công việc tại chỗ. Về chất lượng, toàn ngành đến nay hiện có 3 tiến sĩ bác sĩ, 40 thạc sĩ y khoa, 51 bác sĩ CKII.

Để giải quyết thực trạng trên, Sở Y tế thực hiện các giải pháp như: Quy hoạch cán bộ để có kế hoạch đào tạo phù hợp giữa cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn. Kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền bổ sung số lượng người làm việc theo định mức tại Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT- BNV ngày 5-6-2007 về hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước. Xây dựng và duy trì thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CCVC giai đoạn 2021 - 2025, đào tạo liên thông từ nguồn cán bộ có trình độ trung cấp lên đại học, đào tạo sau đại học cho cán bộ có trình độ đại học. Về đào tạo chuyên môn kỹ thuật, sẽ kết hợp giữa đào tạo tại chỗ và cử cán bộ về tuyến trên đào tạo. Đào tạo chính quy tập trung và cập nhật, bồi dưỡng kiến thức hàng năm tại chỗ.

“Riêng đối với các dự án lớn đang và sắp triển khai trên địa bàn tỉnh, ngành y tế đã có dự kiến nguồn nhân lực nhằm đảm bảo cho hoạt động của đơn vị khi dự án hoàn thành. Cụ thể, với Bệnh viện đa khoa Bến Tre, quy mô 500 giường (vốn ODA Hàn Quốc) sẽ chuyển số nhân sự của Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu sang. Với Bệnh viện đa khoa Bến Tre cơ sở 2, quy mô 500 giường, dự kiến số lượng bác sĩ phục vụ là 120 (trong đó Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu tăng cường 73 bác sĩ , số còn lại do Pacific Health Care chọn). Với Trung tâm Y tế huyện Mỏ Cày Bắc, hiện đang xây dựng đề án nguồn nhân lực, sẽ thực hiện theo như đề án khi được phê duyệt”- Giám đốc Sở Y tế Ngô Văn Tán cho hay.

Xử lý rác thải trên địa bàn toàn tỉnh

Đại biểu HĐND tỉnh Đỗ Minh Đức chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng về việc xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 17, ngày 3-7-2019 của HĐND tỉnh về tiến độ xây dựng Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre và giải pháp xử lý sắp tới của tỉnh đối với nhà máy này.

Trả lời chất vấn của Giám đốc Sở Xây dựng Đoàn Công Dũng. Ảnh: Hữu Hiệp

Trả lời chất vấn của Giám đốc Sở Xây dựng Đoàn Công Dũng. Ảnh: Hữu Hiệp

Thông tin từ Giám đốc Sở Xây dựng Đoàn Công Dũng: Hạng mục lò đốt rác về cơ bản được xây dựng hoàn thành, bắt đầu vận hành thử nghiệm (đốt rác) từ ngày 30-9-2019 và đến nay đã vận hành tương đối ổn định. Sở Tài nguyên và Môi trường đã và đang kiểm tra lấy mẫu đối chiếu quan trắc, đánh giá kết quả của khí thải lò đốt.

Đối với hạng mục xử lý rác thải, hiện trạm xử lý nước thải đã hoàn thành việc thi công và lắp đạt dây chuyền công nghệ xử lý, bắt đầu tiếp nhận nước thải để xử lý kể từ ngày 28-7-2020. Công ty đang điều chỉnh quy trình xử lý nước thải và tự kiểm tra nước thải đầu ra; sau đó báo cáo kết quả về Sở Tài nguyên và Môi trường để quan trắc, đánh giá kết quả đầu ra của nước thải. Hiện tại, lượng rác thải nhà máy xử lý 150 tấn/ngày (công suất của nhà máy là 200 tấn rác/ngày), không để tồn đọng rác thải.

Đề xuất một số giải pháp để đảm bảo nhà máy vận hành ổn định, khắc phục tồn tại, hạn chế, Giám đốc Sở Xây dựng Đoàn Công Dũng nêu: Sở Xây dựng phối hợp sở ngành, địa phương tiếp tục theo dõi, đôn đốc công ty vận hành nhà máy, đảm bảo ổn định và hiệu quả. Có giải pháp đánh giá môi trường lò đốt rác, xử lý nước thải, khẩn trương đánh giá tác động môi trường bổ sung, hoàn thành phủ bạt bãi rác, hạn chế tối đa phát sinh môi trường ảnh hưởng đến người dân xung quanh nhà máy. Nhằm tạo điều kiện cho nhà máy đảm bảo chi phí hoạt động, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ công ty về thủ tục và kiểm tra, thẩm định xác nhận cơ bản đạt các điều kiện về môi trường, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp sở ngành, địa phương xem xét kiến nghị việc tăng chi phí xử lý rác theo lộ trình. Mức nâng chi phí xử lý rác theo quy định của Bộ Xây dựng.

Hướng tới, tỉnh kêu gọi đầu tư xây dựng một khu liên hợp xử lý rác thải tập trung sử dụng công nghệ hiện đại để xử lý rác thải cho toàn tỉnh. Sở Xây dựng đề xuất 3 phương án: Thực hiện quy hoạch được duyệt là chọn khu đất tại xã Hữu Định, huyện Châu Thành với quy mô theo quy hoạch từ 20 đến 30ha, công suất xử lý rác từ 800 đến 1.000 tấn/ngày. Thực hiện theo Đề án quản lý chất thải rắn sinh hoạt tỉnh Bến Tre tại Quyết định số 03, ngày 3-2-2020 của UBND tỉnh và Báo cáo Tầm nhìn chiến lược với quy mô từ 70 đến 100ha, công suất xử lý từ 500 tấn/ngày trở lên. Thực hiện theo Đề án quản lý chất thải rác sinh hoạt tỉnh Bến Tre tại Quyết định số 03, ngày 3-2-2020 và Báo cáo Tầm nhìn chiến lược với quy mô từ 70 đến 100ha, công suất xử lý từ 500 tấn/ngày trở lên tại vị trí khác phù hợp do UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định.

Giải pháp cung cấp nước sạch cho người dân

Đại biểu HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Thảo chất vấn UBND tỉnh về giải pháp cung cấp nước sạch cho người dân.

Trả lời chất vấn nội dung này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh cho biết: Hiện nay, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch vùng đô thị khá cao, đối với vùng nông thôn thì tỷ lệ thấp, tính trung bình đến năm 2020 toàn tỉnh đạt 61%. Đối với các hộ dân chưa tiếp cận được nước sạch từ các nhà máy nước thì sử dụng nước hợp vệ sinh, theo đó tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh trên toàn tỉnh đạt 98,5%.

Để đảm bảo cung cấp nước sạch, nước ngọt cho người dân trong năm 2020 và những theo tiếp theo, lãnh đạo tỉnh yêu cầu các đơn vị cấp nước trên địa bàn tỉnh chuẩn bị đủ nguồn nước và không được cấp nước bị nhiễm mặn cho người dân; ban hành kế hoạch ứng phó hạn mặn tỉnh Bến Tre đến năm 2025; giao Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh ban hành bảng giá nước RO để khuyến khích cũng như đảm bảo hài hòa lợi ích, điều kiện hoạt động của các nhà máy nước nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu nước sạch của người dân mùa hạn mặn; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động người dân chủ động trữ nước mua, nước ngọt ngay từ mùa mưa năm 2021.

Trả lời chất vấn của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh. Ảnh: Hữu Hiệp

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh trả lời chất vấn. Ảnh: Hữu Hiệp

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh: Vấn đề đảm bảo quyền, khả năng tiếp cận nước sạch, nước ngọt của người dân luôn được UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo và triển khai thực hiện nghiêm túc. Để đảm bảo căn cơ quyền tiếp cận nước sạch, nước ngọt cho nhân dân tỉnh Bến Tre trong điều kiện biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, xâm nhập mặn kéo dài thời gian tới, tỉnh phân quyền cấp nước các khu vực phù hợp, hài hòa giữa các nhà máy nước, đảm bảo đủ khả năng mở rộng mạng lưới, tuyến ống cấp nước cho các hộ dân, nhất là ở khu vực nông thôn.

Yêu cầu các doanh nghiệp từng bước cải tạo, nâng cấp nhà máy nước có quy mô dưới 1.000m3 hiện có. Cấp phép mới các nhà máy nước phải đạt quy chuẩn 01;2009/BYT. Đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình cấp nước đúng tiến độ, đúng công suất và sẽ kiên quyết thu hồi chủ trương đầu tư đối với các nhà đầu tư chậm, không triển khai thực hiện theo quy định, cũng như xử lý nghiêm các trường hợp cấp nước không đạt tiêu chuẩn theo quy định.

Do đặc điểm dân cư vùng nông thôn sống phân tán, việc đầu tư tuyến ống cấp nước là rất khó khăn, người dân nhiều khu vực có thói quen chỉ sử dụng nước máy vào mùa mặn, còn mùa mưa thì sử dụng nước lắng lọc, trong khi giá nước sạch tại khu vực nông thôn còn thấp nên cũng chưa khuyến khích doanh nghiệp đầu tư. Để đẩy nhanh tỷ lệ hộ dân tiếp cận với nguồn nước cung cấp từ các nhà máy, bên cạnh sự nỗ lực, phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sự đầu tư mở rộng mạng lưới của các doanh nghiệp thì người dân cũng cần quan tâm đến sức khỏe, mạnh dạn sử dụng nước sạch từ các nhà máy nước, tránh chỉ sử dụng nước theo mùa.

Triển khai các công trình, dự án đô thị còn chậm

Theo Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Văn Quới, việc xây dựng và phát triển đô thị là chủ trương đúng đắn nhằm thực hiện Nghị quyết Tỉnh ủy hướng tới mục tiêu xây dựng Bến Tre thành tỉnh phát triển năng động, toàn diện khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Bến Tre phải là điểm đến và là nơi đáng sống. Để thực hiện chủ trương này từ năm 2017 đến nay, HĐND tỉnh đã chính thức ban hành Nghị quyết cho triển khai 16 dự án chỉnh trang, xây dựng khu dân cư, đô thị. Tuy nhiên, đến thời điểm này chỉ có 1 dự án đô thị được UBND tỉnh quyết định các chủ trương đầu tư phê duyệt quy hoạch chi tiết, 15 dự án đô thị còn lại đang trong quá trình chọn lựa nhà đầu tư.

Chất vấn của Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Văn Quới. Ảnh: Hữu Hiệp

Chất vấn của Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Văn Quới. Ảnh: Hữu Hiệp

Việc triển khai thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh về xây dựng phát triển đô thị tiến độ rất chậm, kéo dài. Nguyên nhân vì sao, trong 15 dự án còn đang trong quá trình chọn lựa nhà đầu tư, khả năng có bao nhiêu dự án nhà đầu tư từ chối thực hiện. Trách nhiệm ngành xây dựng phải làm gì để đẩy nhanh tiến độ đầu tư.

Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Sở Xây dựng Đoàn Công Dũng cho biết: 16 nghị quyết về chỉnh trang đô thị, xây dựng chung cư mới, các nghị quyết chủ yếu tập trung vào năm 2018-2019, trong đó có một nghị quyết ban hành năm 2018, đó là Nghị quyết về phát triển khu đô thị phía Nam, TP. Bến Tre. Năm 2019, ban hành 12 nghị quyết, năm 2020 ban hành 3 nghị quyết, chưa tính 2 nghị quyết ban hành trong tháng 10 vừa qua.

Trong 16 Nghị quyết, đến nay mới chỉ thực hiện 1 dự án khu đô thị phía Nam TP. Bến Tre. Đã cơ bản hoàn thành quy trình, lựa chọn được nhà đầu tư, đã trình Bộ Xây dựng, thẩm tra, cho ý kiến thống nhất để UBND tỉnh xem xét quyết định cấp thủ tục đầu tư, đang triển khai giải phóng mặt bằng.

Các dự án có quy mô từ 20 đến 100ha phải có ý kiến của Bộ Xây dựng trước khi UBND tỉnh phê duyệt. 15 dự án trong giai đoạn tiến hành lựa chọn nhà đầu tư, do các dự án này hiện nay có nhiều thay đổi theo quy định dẫn đến sự thay đổi về quy trình thực hiện. Trong quá trình này, tỉnh đã triển khai thực hiện công bố 4 dự án gồm: Khu đô thị An Thuận xã Mỹ Thạnh An, Dự án Mỹ An, Dự án Mỹ Hóa, Dự án Đông Bắc, 8 dự án còn lại đang triển khai các thủ tục đầu tư, 2 dự án còn lại phải làm thủ tục điều chỉnh.

Trong 15 dự án đang đầu tư thì khả năng có bao nhiêu dự án từ chối đầu tư, giải pháp, trả lời câu hỏi này, Giám đốc Sở xây dựng Đoàn Công Dũng cho biết: Hiện các dự án đang trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư, do vậy cần có thời gian. Với trách nhiệm Sở Xây dựng thời gian qua thực hiện rất tốt, nhiều dự án có khó khăn nhưng cố gắng giải quyết thủ tục nhanh chỉ trong vòng 5 tháng. Đồng thời, Sở đã phối hợp với các sở ngành tỉnh khẩn trương triển khai, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nanh tiến độ các công trình, dự án.

 C. Trúc - Q. Hùng - T. Huyền

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN