Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khoá IX: Các đại biểu tập trung thảo luận nhiều vấn đề quan trọng

05/07/2018 - 22:05

BDK - Trong ngày đầu tiên diễn ra Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa IX (nhiệm kỳ 2016 - 2021), các đại biểu HĐND tỉnh, các sở, ngành đã tập trung thảo luận tại hội trường nhiều vấn đề nổi lên trong 6 tháng đầu năm 2018. Sau đây là lược ghi ý kiến của một số đại biểu trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội.

Đại biểu Nguyễn Văn Niệm - Phó giám đốc Sở Công Thương phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: C. Trúc

Đại biểu Nguyễn Văn Niệm - Phó giám đốc Sở Công Thương phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: C. Trúc

Phát triển chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực

Đại biểu Nguyễn Việt Thành, đơn vị Mỏ Cày Nam cho rằng, tiến độ xây dựng đối với chuỗi một số sản phẩm chủ lực còn chậm. Đại biểu phân tích: Có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là chất lượng hoạt động các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) còn rất thấp. Nếu không thực hiện được liên kết ngang thì không thực hiện được liên kết dọc và không thể thực hiện các bước tiếp theo của chuỗi. Điển hình là chuỗi con heo, đại biểu đề nghị cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức người nông dân trong liên kết sản xuất, liên kết doanh nghiệp (DN) giải quyết đầu vào, đầu ra; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu để tiêu thụ sản phẩm ổn định; tiếp tục đưa nông dân học tập các mô hình HTX kiểu mới có hiệu quả ở các tỉnh để người dân làm theo cách làm ăn mới; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ điều hành, quản lý HTX sao cho hiệu quả.

Các sở, ngành phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ các HTX kết nối tiêu thụ thành công với Vissan để tiêu thụ tốt sản lượng heo trên địa bàn các huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc. Đồng thời, sớm xây dựng thành công nhãn hiệu con heo, giúp tiêu thụ ổn định con heo. Ngoài ra, đề nghị tỉnh hỗ trợ HTX tiếp cận các nguồn vốn ngân hàng, tháo gỡ điểm “nghẽn” tiếp cận vốn ngân hàng cho các HTX.

Đại biểu Nguyễn Văn Niệm - Phó giám đốc Sở Công Thương đã phân tích các nguyên nhân vì sao giá dừa sụt giảm, giải pháp xây dựng chuỗi giá trị dừa. Theo đó, bước đầu chuỗi dừa có sự phát triển khá. Các DN áp dụng tốt chính sách giá sàn 50 ngàn đồng/chục (12 trái) đảm bảo thu mua ổn định. Các địa bàn chưa có tổ hợp tác thì giá thấp hơn, chỉ từ 25 - 35 ngàn đồng/chục. Trong khi các tỉnh khác chưa có các chuỗi như ở Bến Tre. Về giải pháp ổn định giá dừa, đại biểu Nguyễn Văn Niệm đề nghị tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu việc giá dừa giảm là tạm thời và cần phải tham gia liên kết chuỗi, mạnh dạn ký kết hợp đồng tiêu thụ với DN.

Về trách nhiệm của Sở Khoa học và Công nghệ trong phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh, ông Lâm Văn Tân - Giám đốc sở cho biết, với sự tập trung quyết liệt trong thời gian qua, đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có trên 500 nhãn hiệu hàng hóa; 2 chỉ dẫn địa lý Bến Tre đối với dừa và bưởi da xanh; 2 nhãn hiệu tập thể đối với bò Ba Tri và chổi Mỹ An… Sở cũng đã xây dựng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAHP trên heo, xây dựng nhãn hiệu chứng nhận heo Mỏ Cày Nam, dự kiến đến cuối năm được chứng nhận. Ông Tân đề nghị các tổ hợp tác đóng kinh phí để tiếp tục duy trì các chứng nhận.

Đẩy mạnh xuất khẩu lao động, giảm nghèo

Về giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu lao động, giảm nghèo bền vững, ông Nguyễn Minh Lập - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, các địa phương cần học tập theo kinh nghiệm của huyện Giồng Trôm trong công tác này, đó là đẩy mạnh truyền thông, liên kết, đào tạo tiếng Nhật tại địa phương. Xác định giải quyết việc làm, trong đó xuất khẩu lao động là công việc thường xuyên, hàng ngày. Sở tham mưu tỉnh một số nội dung chính sách như giáo dục định hướng, học ngoại ngữ, giáo dục nghề, hỗ trợ người nghèo, bộ đội đi xuất khẩu lao động; tăng nguồn vốn đối ứng của ngân sách tỉnh. Đồng thời, liên kết các DN để mở rộng ở các đối tượng đại học, cao đẳng, du học và điều dưỡng.

Sở vận động các DN hỗ trợ vốn vay. Hiện đã vận động 1 DN hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho người lao động, khuyến khích DN mở văn phòng tại tỉnh, văn phòng chuyên đào tạo xuất khẩu lao động sang Nhật; tư vấn kỹ cho người lao động trước khi đi và sau khi về, với phương châm đi thành công, về hiệu quả.

Các vấn đề bức xúc khác

Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 26/124 xã (không tính phường, thị trấn), chiếm 17,7% đạt tiêu chí giao thông nông thôn, thấp nhất trong các tiêu chí nông thôn mới. Đại biểu Cao Văn Bé Tư (đơn vị Bình Đại) đề nghị thời gian tới, tỉnh nên ưu tiên đầu tư sớm các công trình giao thông nông thôn.

Các đại biểu cho rằng nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm là do thiếu chặt chẽ giữa nhà đầu tư và nhà thầu. Tới đây, tiến độ giải ngân các bộ, ngành được thông tin công khai trên cổng thông tin để nhân dân giám sát. Đồng thời, cố gắng đôn đốc nhà thầu, tư vấn, người dân đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm.

Liên quan tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển, các đại biểu cho biết Bến Tre là 1 trong 8 tỉnh của cả nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nhất là tại các huyện biển. Riêng tại Mỏ Cày Nam xảy ra 2 vụ sạt lở liên tiếp tại Định Thủy và Thị trấn. Trước đó là sạt lở tại cồn Thành Long, cồn Phú Bình, Phú Đa…

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đăng Minh - đại biểu HĐND tỉnh đơn vị Mỏ Cày Nam đề xuất: các ngành chức năng khảo sát, nắm rõ tình hình thực tế, có kế hoạch tổng thể, dài hạn riêng cho vấn đề này. Trước mắt, đề nghị ưu tiên đưa ra các giải pháp cụ thể để đảm bảo tính mạng cho người dân. Chủ động phòng, tránh và ứng phó với tình trạng sạt lở xảy ra với cường độ ngày càng cao trong giai đoạn hiện nay. Tỉnh quan tâm bố trí vốn để xây dựng bờ kè sông Thom, khu vực thị trấn Mỏ Cày, khu vực sạt lở trong tháng 6 vừa qua.

Để thực hiện đạt các chỉ tiêu Nghị quyết năm 2018, bà Nguyễn Thị Bé Mười - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đề nghị tỉnh nghiên cứu các giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông. Triển khai thực hiện tốt kế hoạch của UBND tỉnh về tổ chức, sắp xếp hệ thống cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2020 và đến năm 2030. Tiếp tục thực hiện đa dạng hóa các hình thức giáo dục đạo đức, nhân cách, kỹ năng sống cho học sinh.

Trên lĩnh vực y tế, tiếp tục thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm trên các lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý hành nghề y dược tư nhân, hạn chế thấp nhất xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm; kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.

Liên quan vấn đề thẻ bảo hiểm y tế, ông Huỳnh Kim Quân - Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh cho biết, hướng tới chỉ thống kê tăng, giảm và chỉ lập danh sách đối với số lượng tăng, giảm này và số còn lại vẫn giữ nguyên thông tin và gia hạn. Tiếp tục tuyên truyền trong dân, người dân phải tự kiểm tra thông tin trên thẻ, đối chiếu thông tin trên giấy chứng minh nhân dân để phát hiện sai sót và đổi thẻ.

Ở lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, đại biểu cho rằng tỉnh cần rà soát, thống kê hiện trạng các trang thiết bị phục vụ hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở đang bị xuống cấp; vận động xã hội hóa các hoạt động để người dân cùng tham gia và thụ hưởng…

Cũng tại kỳ họp, đại biểu Quốc hội Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam đã trình bày những hạn chế trong công tác quản lý đánh bắt, khai thác thủy sản của Việt Nam nói chung, tỉnh nói riêng. Ông Thắng đề nghị, đối với tỉnh, các Chi cục Thủy sản, Chi cục Phát triển nông thôn cũng phải tham gia vào việc quản lý, truy xuất nguồn gốc thủy sản. Ngư dân phải ghi nhật ký. Tất cả các hạn chế phải khắc phục theo hướng đơn giản hóa, ghi rõ tọa độ, chặt chẽ, rõ ràng, dễ thực hiện. Hội Nghề cá Việt Nam hứa sẽ cố gắng làm sao thực hiện được mục tiêu chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, trong đó thủy sản đi hàng đầu.

Vấn đề về an toàn thực phẩm cũng được đại biểu rất quan tâm. Nhiều ý kiến đại biểu tại kỳ họp này cho rằng, tỉnh cần xác định an toàn vệ sinh thực phẩm là nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết. Qua đó, tăng cường tuyên truyền, vận động, giáo dục các tập thể, cá nhân đảm bảo an toàn thực phẩm; nâng cao vai trò trách nhiệm của người dân trong phát hiện, tố giác các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống chợ bán thực phẩm sạch để người dân an tâm.

Giải pháp cải thiện chỉ số cải cách hành chính

Tại kỳ họp, đại biểu HĐND tỉnh đã đặt vấn đề giải pháp nhằm cải thiện chỉ số cải cách hành chính trong thời gian tới. Bởi, chỉ số này của tỉnh trong năm 2017 giảm 15 bậc so với năm 2016 và ở vị trí thứ 62/63 tỉnh, thành trong cả nước.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Huỳnh Thanh Hiếu, năm 2017, qua kết quả của các chỉ số có liên quan đến công tác cải cách hành chính cho thấy, sự đánh giá bên ngoài của người dân, doanh nghiệp thông qua các cuộc điều tra xã hội học về hiệu quả điều hành kinh tế - xã hội, quản trị nền hành chính công và phục vụ nhân dân của chính quyền các cấp trong tỉnh là rất tốt. Cụ thể, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI xếp 5/63 tỉnh, thành trong cả nước, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh PAPI xếp 2/63, chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính SIPAS xếp thứ 9/63. Tuy nhiên, qua kết quả xem xét, đánh giá bên trong (tức là từ sự đánh giá của các cơ quan Nhà nước) về giải pháp cải cách hành chính, thì tỉnh chưa có thứ hạng tốt.

Ông Huỳnh Thanh Hiếu cho biết: Chỉ số cải cách hành chính được đánh giá dựa trên 7 lĩnh vực chủ yếu, bao gồm: công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính; công tác xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật tại tỉnh; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; hiện đại hóa hành chính. Để cải thiện được chỉ số này đòi hỏi cần phải thực hiện đồng bộ 7 lĩnh vực nêu trên; ngoài Sở Nội vụ đóng vai trò chủ công thì cũng cần có sự phối hợp của các ngành, các cấp, sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và điều hành của UBND tỉnh.

Tăng cường công tác phòng ngừa các loại tội phạm

Trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh, tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững ổn định. Công tác phòng ngừa được các cơ quan chức năng quan tâm thực hiện, từ đó góp phần kéo giảm số vụ tai nạn, tệ nạn xã hội. Tuy nhiên, cử tri băn khoăn về tình hình phạm pháp hình sự tăng; một số loại tội phạm gia tăng; tình hình thuốc tôm cá vẫn còn xảy ra; khiếu kiện đông người vượt cấp còn diễn biến phức tạp…

Đại biểu HĐND tỉnh đơn vị Mỏ Cày Bắc Dương Thị Diễm Sương phát biểu thảo luận tại kỳ họp. Ảnh: Q.Hùng

Đại biểu HĐND tỉnh đơn vị Mỏ Cày Bắc Dương Thị Diễm Sương phát biểu thảo luận tại kỳ họp. Ảnh: Q.Hùng

Quan tâm về vấn đề này, bà Dương Thị Diễm Sương - đại biểu HĐND tỉnh đơn vị Mỏ Cày Bắc đề xuất giải pháp: Các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục công tác tuyên truyền, vận động; phát huy sức mạnh toàn dân trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, tệ nạn xã hội của các ngành chức năng; tiếp tục phát huy vai trò của các tổ chức nòng cốt ở tại cơ sở, đặc biệt là hội đồng bảo vệ an ninh trật tự, tổ nhân dân tự quản; duy trì diễn đàn công an lắng nghe ý kiến người dân; quan tâm đầu tư phương tiện, công cụ hỗ trợ cho lực lượng chức năng trong thực hiện nhiệm vụ; xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm pháp luật nhằm răn đe các loại tội phạm.

Cẩm Trúc - Quốc Hùng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN