Kỹ năng tham vấn, tư vấn phòng tránh bệnh tâm thần, rối hiễu tâm trí trong học sinh

01/12/2013 - 17:05
Thảo luận nhóm tại buổi tập huấn.

Đó là mục tiêu hướng đến của lớp tập huấn, được tổ chức trong các ngày 30-11 và 1-12-2013, tại Trung tâm Điều dưỡng Người có công (Khu nghỉ dưỡng Mỹ An - TP. Bến Tre), do Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức.

Theo Ban tổ chức, đây là hoạt động phối hợp giữa ngành Lao động - Thương binh và Xã hội với ngành Giáo dục và Đào tạo, nhằm cung cấp kiến thức, trang bị kỹ năng cơ bản về tham vấn, tư vấn phòng tránh bệnh tâm thần, rối nhiễu tâm trí cho 50 cán bộ, giáo viên công tác tại các trường THPT trong tỉnh và Phòng Giáo dục - Đào tạo các huyện, thành phố.

Lớp tập huấn được Thạc sĩ Phan Thanh Minh - nguyên Trưởng Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh truyền đạt kiến thức và hướng dẫn cách xử lý tình huống thường gặp trong học sinh các trường phổ thông. Bà Minh cho biết, tham vấn có hiệu quả khi làm cho thân chủ tự giúp mình. Mục tiêu cuối cùng của tham vấn là thân chủ tự giúp thân chủ trở thành nhà tham vấn tốt nhất. Để đạt được mục tiêu đó, người tham vấn phải giải quyết vấn đề. Có nghĩa là người tham vấn giúp thân chủ ổn định về mặt tinh thần và đạt tới mức độ thích hợp về tư tưởng, tình cảm, thái độ, hành vi ứng xử phù hợp với chuẩn mực giá trị đạo đức xã hội trên cơ sở cung cấp kiến thức, thông tin liên quan đến các lĩnh vực: giáo dục, hướng nghiệp, sức khỏe, bệnh tật, pháp luật. Tham vấn nhằm ngăn ngừa, không để vấn đề xảy ra (ví dụ như về bạo lực, chia ly). Nếu vấn đề đã xảy ra rồi, thì cần hỗ trợ giải quyết ngay, không để vấn đề trở nên trầm trọng (suy sụp tinh thần, tự tử…). Tham vấn còn nhằm giúp cải thiện cuộc sống, công việc, làm cho mối tương quan của thế giới xung quanh thân chủ được hài hòa và tốt đẹp hơn. Làm cho những gì thân chủ đã, đang có và vừa mới xây dựng được tốt hơn, bền vững hơn, thực hiện chức năng xã hội một cách bình thường. Cuối cùng là tham vấn nhằm giúp thân chủ thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi, lối sống theo hướng tích cực, tự tin, biết đưa ra những giải pháp, những quyết định tích cực để giải quyết tình huống.

Đối với đối tượng tham vấn là học sinh, tham vấn viên cần phải hiểu rõ về tâm lý trẻ em. Trong giai đoạn từ 10-19 tuổi, trẻ em thường có sự thay đổi về thể chất và tâm lý, những xáo trộn tình cảm trong nhóm tuổi dậy thì rất cao, khiến các em luôn cảm thấy lo lắng, bất an… Vì vậy, trẻ em luôn cần sự bảo vệ, chăm sóc và giáo dục của người lớn để phát triển tốt hơn. Trẻ em muốn được tôn trọng và chấp nhận như các em vốn có. Người lớn cần có sự thông cảm, chia sẻ và giúp các em vượt qua khó khăn trong tiến trình phát triển của mỗi em, để các em nhận ra được giá trị của bản thân và tự vươn lên thành công trong các lĩnh vực mà trẻ em tiếp cận.

Bài, ảnh: HAT

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN