Năm 1933, sau khi hoàn tất chương trình bậc trung học tại trường Petrus Ký, Huỳnh Tấn Phát thi vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (Hà Nội) và luôn là một sinh viên sôi nổi trong mọi hoạt động của Tổng Hội sinh viên Đông Dương và Hội Ái hữu sinh viên Nam Kỳ. Năm 1936, đồng chí tham gia phong trào Đông Dương Đại hội, cùng một số anh em tổ chức ra đoàn đại biểu sinh viên, học sinh lên gặp phái đoàn Godard (đại diện Chính phủ bình dân Pháp sang Đông Dương) để trình “Tập thư thỉnh nguyện” đòi dân sinh, dân chủ. Là một sinh viên vừa thông minh vừa chuyên cần, sau 5 năm học tập, đồng chí tốt nghiệp đại học thủ khoa ngành kiến trúc. Cuối năm 1938 khi vừa có bằng kiến trúc sư người Pháp Chauchon và bắt đầu nổi tiếng về tài vẽ phối cảnh. Sau đó mở văn phòng kiến trúc sư riêng tại số 68 - 70 đường Võ Thị Sáu.
Năm 1940, Huỳnh Tấn Phát là kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên mở văn phòng kiến trúc sư ở Sài Gòn. Cuối năm 1941, đồng chí đoạt giải nhất cuộc thi thiết kế và xây dựng khu Trung tâm hội chợ triển lãm Đông Dương tại vườn Ông Thượng (nay là Tao Đàn) do Jean Decoux, toàn quyền Đông Dương thời đó tổ chức. Huỳnh Tấn Phát nổi danh từ đây và có nhiều uy tín trong giới kiến thức Sài Gòn lúc bấy giờ. Các biệt thự do Huỳnh Tấn Phát thiết ké trước năm 1943 ở Sài Gòn đến nay vẫn còn giữ nguyên nét đẹp cổ kính, phù hợp với khí hậu nóng, ẩm phương Nam. Tuy nhiên, lúc này ông không quan tâm đến việc làm giàu mà có sự chuyển hướng dứt khoát sang hoạt động chính trị.
Với nhiệt huyết của một trí thức yêu nước, đồng chí đứng ra làm Chủ nhiệm tuần báo Thanh niên với khuynh hướng chống Pháp, chống Nhật. Năm 1944, ông đã cùng nhóm Huỳnh Tấn Tiểng, Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước sử dụng tờ báo Thanh niên phát triển mạnh Phong trào truyền bá Quốc ngữ, Phong trào Cứu nạn đói Bắc Kỳ và đặc biệt là Phong trào “Thanh niên Tiền Phong” - đây là lực lượng nòng cốt trong cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền thắng lợi ở Sài Gòn vào tháng 8/1945, mà ông là trưởng ban cổ động.
Ngày 5/3/1945, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, ngay sau đó đã cùng với anh em lao vào việc tập hợp lực lượng tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho lực lượng cốt cán, tham gia khởi nghĩa giành chính quyền. Đêm 20/8/1945, tại rạp hát Nguyễn Văn Hảo (nay là rạp Công Nhân) Xứ ủy Nam Kỳ lần đầu tiên tổ chức cho Việt Minh ra công khai trong cuộc mít tinh trọng thể, nhằm áp đảo tinh thần quân phát xít Nhật và bọn Nguyễn Văn Sâm – Khâm sai của chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim, đồng thời cổ vũ tinh thần của cá chí sĩ yêu nước, Huỳnh Tấn Phát là diễn giả chính giới thiệu Việt Minh trong cuộc mít tinh đó.
Đêm 24 rạng 25 tháng 8, Huỳnh Tấn Phát gấp rút cùng với các anh em công nhân và Thanh niên Tiền phong xây dựng kỳ đài cao 15 mét ghi tên 11 vị trong Ủy ban hành chính lâm thời Nam Bộ, tại ngã tư Charner (nay là Nguyễn Huệ) và Bonard (nay là Lê Lợi). Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí phụ trách Phòng thông tin báo chí. Ngày 23/9/1945, khi quân đội Pháp trở lại xâm chiếm Sài Gòn, đồng chí bị bắt. Nhưng nhờ là một kiến trúc sư tên tuổi nên địch trả tự do cho Huỳnh Tấn Phát sau ba ngày giam cầm ở bót Catinat.
Đầu năm 1946, Huỳnh Tấn Phát bị địch bắt tại nhà in bí mật số 160, đường Lagrandière (nay là Lý Tự Trọng) và bị kêu án 2 năm tù. Trong tù, Huỳnh Tấn Phát được anh chị em bầu làm Trưởng Ban đại diện “Liên đoàn tù nhân chính trị Khám Lớn Sài Gòn” – 69 Lagrandiêre. Đồng chí đã đấu tranh chống chế độ nhà tù hà khắc của thực dân và cùng anh em biến Khám Lớn Sài Gòn thành trường học văn hóa, chính trị, quân sự, đào tạo một đội ngũ cán bộ cách mạng cốt cán sau này. Tháng 11/1947, sau khi được trả tự do, đồng chí bám trụ tại Sài Gòn, liên lạc ngay với tổ chức, được phân công phụ trách công tác trí vận và báo chí ở thành phố, đồng thời là Bí thư Đảng đoàn Đảng dân chủ Nam Bộ (Đảng Dân chủ là một tổ chức chính trị tập hợp lực lượng trí thức lúc bấy giờ). Năm 1949, ông ra khu giải phóng, được cử làm ủy viên Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Đặc khu Sài Gòn - Gia Định, trực tiếp phụ trách Đài phát thanh Tiếng nói Sài Gòn - Chợ Lớn tự do ở Chiến khu Đ. Đài phát thanh cũng là ngọn cờ hiệu triệu nhân dân ủng hộ cách mạng, đấu tranh chống lại kẻ thù xâm lược.
Sau Hiệp định Genève năm 1954, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được phân công trở về hoạt động hợp pháp tại Sài Gòn. Để tạo thế công khai hợp pháp, đồng chí làm việc tại văn phòng kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện và đoạt giải nhì (không giải nhất) cuộc thi thiết kế khu văn hóa tại địa điểm Khám Lớn Sài Gòn. Sau đó, đồng chí được bổ sung vào Thành ủy Sài Gòn phụ trách ban Trí vận và Chính quyền vận. Năm 1959, ra vùng giải phóng, khu Tam giác sắt, đồng chí được cử làm Khu ủy viên chính thức Đặc khu Sài Gòn - Gia Định. Ngày 20/12/1960, đồng chí Võ Chí Công, Phùng Văn Cung và Huỳnh Tấn Phát đứng đầu Ủy ban Trung ương lâm thời Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Năm 1962, đồng chí được Đại hội Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ nhất bầu làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận. Đồng chí còn là Ủy viên Đảng đoàn Mặt trận, Ủy viên ban Mặt trận Trung ương Cục, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng, kiêm Trưởng Ban trí vận Mặt trận của khu Sài Gòn - Gia Định.
Xuân Mậu Thân 1968, đồng chí chỉ đạo Ban Trí vận Mặt trận Khu Sài Gòn - Gia Định, vận động một số nhân sĩ trí thức yêu nước tiêu biểu qua các phong trào văn hóa, xã hội, chính trị ở Sài Gòn ra khu thành lập Ủy ban Trung ương Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam. Tháng 6/1969, Huỳnh Tấn Phát được Đại hội đại biểu quốc dân Miền nam bầu làm Chủ tịch chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Sau khi Việt Nam thống nhất năm 1976, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, kiêm Trưởng Ban chỉ đạo Quy hoạch đô thị, Chủ nhiệm đề án thiết kế xây dựng thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng chấm thi đồ án dự thi quốc tế.
Năm 1977, Đại hội Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam bầu ông làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Năm 1979, Huỳnh Tấn Phát kiêm chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban xây dựng cơ bản Nhà nước và đại diện thường trực của Việt Nam tại Hội đồng tương trợ kinh tế các nước xã hội chủ nghĩa (SEX).
Năm 1981, Huỳnh Tấn Phát được Quốc hội khóa VII cử làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tháng 6 năm 1982, Huỳnh Tấn Phát được cử giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Năm 1983, Đại hội lần thứ II Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bầu Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt tran Tổ quốc Việt Nam, đồng thời ông đắc cử Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam tại Đại hội kiến trúc sư lần thứ III.
Đồng chí HuỳnH Tấn Phát là đại biểu Quốc hội khóa I, II, III, VI, VII, VIII.
Dù ở cương vị nào đồng chí Huỳnh Tấn Phát cũng là người tận tụy, hết lòng phụng sự đất nước. Do công lao và thành tích lớn đối với cách mạng, ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng thưởng ông Huy chương vì Sự nghiệp đại đoàn kết.
Đồng chí Huỳnh Tấn Phát là một kiến trúc sư có tài, hơn nữa là một trí thức yêu nước lớn có những cống hiến quan trọng, góp phần làm nên các chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta. Với ý chí kiên cường, tư duy sáng tạo và nhiệt tình cách mạng, đồng chí được Đảng và Nhà nước giao phó nhiều trọng trách trong cuộc đấu tranh đất nước. Đồng chí đã tham gia nhiều phong trào, nhiều tổ chức của trí thức, của nhiều tầng lớp nhân dân để giác ngộ và đưa họ vào các hoạt động yêu nước, chống áp bức, chống bất công. Đồng chí là một trong những người sáng lập ra phong trào thanh niên tiền phong huy động mọi tầng lớp nhân dân thuộc nhiều lứa tuổi tại Sài Gòn - Chợ Lớn và ở hầu hết các tỉnh Nam Kỳ, Nam Trung Kỳ, nổi dậy đánh Pháp, đánh Nhật, cướp chính quyền, làm Cách mạng Tháng tám thành công và kháng chiến bảo vệ độc lập Tổ quốc. Gần suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã ở lại nội thành Sài Gòn – Chợ Lớn để cùng nhiều đồng chí khác như Tám Lựu, Hoàng Quốc Tâm, Vũ Tùng… vận động trí thức tham gia Mặt trận Liên hiệp gầy dựng các phong trào đấu tranh chính trị như “đòi hòa bình”, “đòi đế quốc Pháp phải công nhận quyền độc lập của Việt Nam”… Chiến thắng Điện Biên Phủ, sau hiệp định Giơnèvơ, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã tình nguyện ở lại miền Nam và xung phong trở về Sài Gòn mặc dù là một cán bộ có tên tuổi, đã từng bị tù đày, công an mật đã nhẵn mặt. Là một trí thức tài năng, nhưng rất khiêm tốn, công tác gian nguy trên một trận địa khó khăn ác liệt, song đồng chí luôn luôn lạc quan tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng. Đồng chí luôn luôn thuyết phục mọi người với thái độ chân thành, nên đồng chí cảm hóa được nhiều nhân sĩ, trí thức tiêu biểu ủng hộ cách mạng đến cùng, là một cán bộ đầy tình người trong sáng, luôn đoàn kết, thuyết phục mọi người phục vụ cách mạng.
Thượng tướng Trần Văn Trà (nguyên Tư lệnh quân giải phóng miền Nam Việt Nam) nhận xét: Chính Phủ cách mạng lâm thời đã góp một phần quyết định to lớn trong thắng lợi chung của dân tộc ta và chủ tịch Chính Phủ cách mạng lâm thời Huỳnh Tấn Phát đã hoàn thành vẻ vang vai trò của mình trong lòng nhân dân miền Nam và nhân dân cả nước. Đồng chí Huỳnh Tấn Phát là người đại diện cho nhân dân miền Nam, đứng đầu là một chính thể đã có công lao to lớn trong việc trực tiếp lãnh đạo nhân dân, các lực lượng vũ trang hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và bè lũ tay sai; góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đồng chí Huỳnh Tấn Phát còn là tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng. Là người tài năng trên rất nhiều phương diện, nhưng dấu ấn đậm nét nhất vẫn là ngành kiến trúc - theo sở học của ông. Trong lĩnh vực kiến trúc, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã có nhiều giải thưởng danh giá, để lại cho đời rất nhiều công trình kiến trúc tiêu biểu, được giới kiến trúc sư nước Pháp đánh giá là “Bậc thầy kiến trúc”, là “Hạt ngọc Đông Dương trong lĩnh vực kiến trúc”… Sau này, khi ở cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Trưởng Ban chỉ đạo quy hoạch đô thị, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã có công lớn trong việc thiết kế quy hoạch thủ đô Hà Nội, TPHCM và các tỉnh thành cả nước. Những công trình mà người đương thời đang triển khai, thực hiện phần lớn đều bắt đầu từ những định hướng của đồng chí Huỳnh Tấn Phát ngay từ những tháng năm gian khó nhất.
Đồng chí Huỳnh Tấn Phát một nhà hoạt động chính trị suốt đời theo đuổi lý tưởng cách mạng, gắn liền hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Ông chứng kiến mọi thăng trầm của đất nước, con người và sự nghiệp của ông luôn gắn bó với sứ mệnh nước nhà. Xác định được trách nhiệm của người trí thức từ thời còn trai trẻ, trong tâm khảm ông đã sớm ấp ủ hoài bão lớn và khát vọng cháy bỏng, muốn đem hết tài năng và trí tuệ để làm đẹp cuộc đời. Ông đã dành gần như trọn cuộc đời cho những hoạt động vận động quần chúng trực tiếp, làm công tác phong trào từ khi chủ trương tờ Thanh niên cho đến cuối đời.
Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Huỳnh Tấn Phát là một tấm gương cao đẹp của một người cộng sản chân chính. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng đồng chí đã tỏ rõ tinh thần kiên trung cách mạng, suốt đời hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì sự nghiệp thống nhất Tổ quốc. Không quản gian nan nguy hiểm, dù ở cương vị nào, dù ở thời kỳ cách mạng nào đồng chí Huỳnh Tấn Phát cũng luôn trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Với tinh thần trách nhiệm cao, kiên định, sáng tạo, nghị lực phi thường.
Trong sinh hoạt, đồng chí luôn thể hiện phong cách bình dị, gần gũi, ân cần, cởi mở, hết lòng yêu thương đồng chí, bao dung sẵn sàng chia sẽ cảm thông với những khó khăn trăn trở với mọi người, dù ở cương vị nào đồng chí Huỳnh Tấn Phát luôn chân thành, thẳng thắn, trọng lẽ phải, quý trọng và hòa hợp mọi người. Đồng chí là một nhà lãnh đạo có tài, có đức, có lối sống tình nghĩa, rộng lượng bao dung, khoáng đạt, vị tha và có phong cách hòa đồng dễ mến. Đồng chí lo, buồn, vui cho đất nước nhưng vẫn không quên trách nhiệm với gia đình riêng của mình, đồng chí Huỳnh Tấn Phát là người con hiếu nghĩa với cha mẹ, quê hương đất nước, người chồng thủy chung, người cha mẫu mực, hết lòng yêu thương con cháu. Trong thời gian công tác tại chiến trường miền Nam, mặc dù rất bận rộn nhưng đồng chí vẫn giành cho vợ, con những tình cảm nồng ấm, yêu thương qua những dòng thư ngắn ngủi mà xiết bao mong đợi và hi vọng vào thắng lợi cuối cùng.
Đồng chí Huỳnh Tấn Phát là một cán bộ chủ chốt của Đảng và Nhà nước ta, tài đức vẹn toàn, có phong cách sống và làm việc khoa học. Cuộc đời của đồng chí là một tấm gương sáng về đạo đức cách mạng của người cộng sản kiên trung, bất khuất, suốt đời hy sinh phấn đấu phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước và xây dựng tình đoàn kết giữa nhân dân ta với các dân tộc và bạn bè trên thế giới.
***
Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát, người con ưu tú của quê hương và dân tộc trong thời điểm có nhiều ý nghĩa trọng đại. Đó là vừa tổ chức các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân, đón tết cổ truyền dân tộc. Các cấp ủy Đảng đang tập trung triển khai tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết năm 2013, gắn với các giải pháp khắc phục khuyết điểm sau đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân Ban Thường vụ các cấp ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) về xây dựng Đảng, đồng thời đang tập trung tổ chức lấy ý kiến đóng góp dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đây chính là dịp để chúng ta khẳng định công lao và những đóng góp to lớn của đồng chí Huỳnh Tấn Phát bậc trí thức lớn của dân tộc, nhà cách mạng tiền bói đã có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Trân trọng và ghi nhớ công ơn to lớn của bao lớp người đi trước đã góp vào sự nghiệp đấu tranh chống ngoại xâm, giành lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc, nhắc nhở thế hệ hôm nay tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, không ngại khó khăn gian khổ, dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, cũng phải vươn lên, sẵng sàng cống hiến vì mục tiêu, lý tưởng đã chọn. Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, ở những thời điểm vô vàn khó khăn, đối mặt với sinh tử, luôn có những người con ưu tú của quê hương, đất nước xung phong lên tuyến đầu, xả thân vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Vận dụng vào trong điều kiện mới hôm nay, chúng ta có nhiều điều kiện thuận lợi hơn, thì không thể vì bất cứ lý do gì phải chùn bước, phải dấn thân đến cùng, nêu cao quyết tâm sớm biến mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn minh” thành hiện thực. Trước mắt là tổ chức đợt lấy ý kiến nhân dân góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; tập trung triển khai các giải pháp thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội IX của Đảng bộ tỉnh.