Kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đạo đức Hồ Chí Minh là hết lòng hết sức phục vụ nhân dân

21/08/2009 - 13:07

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiến trọn đời mình cho đất nước, cho nhân dân. Một trong những sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tư tưởng và đạo đức cách mạng của Người là tư tưởng “Lấy dân làm gốc”. Tư tưởng ấy đã trở thành kim chỉ nam cho những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta.

Bác Hồ thăm bà con nông dân xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên (1954). Ảnh: TTXVN.

Là vị lãnh tụ của một đất nước còn nghèo, lại phải tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức một cách sâu sắc tầm quan trọng của nhân dân, sức mạnh vô song của quần chúng nhân dân. Hội tụ được lòng dân, được dân tin yêu, ủng hộ thì cho dù khó khăn đến mấy cũng có thể vượt qua. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “ Dễ ngàn lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Chính vì thế, Người đã dạy cán bộ, chiến sỹ một điều giản dị nhưng có ý nghĩa rất to lớn: “ Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân ta phải hết sức tránh”. Với nhận thức đúng đắn như vậy, Đảng và Chính phủ do Người lãnh đạo đã được nhân dân tuyệt đối tin tưởng và ủng hộ. 

Nhớ lại những khó khăn năm 1945 khi đất nước ta mới giành được độc lập, lúc đó ngân khố quốc gia trống rỗng. Trước tình thế ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng về nhân dân, kêu gọi nhân dân ủng hộ. Đáp lời kêu gọi của Bác Hồ, “Tuần lễ Vàng” mà nhân dân ta thực hiện nhằm quyên góp vật chất đã giúp Chính phủ lâm thời vượt qua khó khăn khắc nghiệt trong những ngày đầu mới giành được chính quyền. 

Ở cương vị Chủ tịch nước, dù bận trăm công nghìn việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành thì giờ để quan tâm tới mọi người dù người đó là công nhân, nông dân, kỹ sư, bác sỹ, nghệ sỹ, chiến sỹ quân đội, các cháu thiếu niên, nhi đồng, kiều bào về thăm đất nước… bằng tình cảm ân cần, nồng hậu. Người luôn luôn gần gũi với nhân dân, sống, lao động và chiến đấu cùng nhân dân. 

Ông Vũ Kỳ, thư ký của Bác có kể lại, thấy Bác mệt và bận quá vì có rất nhiều khách đến để được vào thăm Bác, có lần anh em đề nghị với Bác nên bớt những cuộc gặp gỡ không thật cần thiết, Bác nói: “ Chính quyền ta mới thành lập, đồng bào, cán bộ có nhiều điều muốn biết, cần hỏi. Đây cũng là dịp để nói rõ chủ trương, chính sách của Chính phủ, của đoàn thể cho mọi người rõ. Ta không nên để đồng bào cảm thấy gặp những người trong Chính phủ bây giờ cũng khó khăn như đến cửa quan ngày trước”. Và mong ước lớn nhất của Người là: “Đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Mong ước đó thật giản dị nhưng chứa đựng tinh thần nhân văn cao cả.  

Với tư tưởng “Lấy dân làm gốc”, Đảng và Nhà nước ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã huy động được tối đa sự ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân. Chính những đóng góp về vật chất và tinh thần của nhân dân đã làm nên thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. 

Đạo đức Hồ Chí Minh là tấm gương tuyệt đối tin tưởng vào sức mạnh và trí tuệ của nhân dân, kính trọng, gần gũi nhân dân và hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, vì hạnh phúc của nhân dân. Học tập, thấm nhuần tư tưởng đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là chỉ đọc cho thuộc lòng những lời dạy của Người mà là cần phải hành động theo những lời dạy ấy; phải xem hàng ngày chúng ta đã làm được những gì có lợi cho nhân dân, cho đất nước. Đạo đức của Người không phải là cái gì cao siêu khiến chúng ta không thể học được mà đó chính là những việc mỗi người vẫn làm hàng ngày nhưng bằng tấm lòng trong sáng. 

Kể từ ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, sau hơn 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi sướng và lãnh đạo với mục tiêu cao đẹp: “ Thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, đất nước ta đã đạt được những thành tựu kinh tế -xã hội rất đáng khích lệ và đang tiến bước trên con đường hội nhập quốc tế; dân tộc ta đang đứng trước vận hội mới, thời cơ mới, tư tưởng “Lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị. 

Nguồn chinhphu.vn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN