- Thưa chú, cháu là Bình ở Bến Tre sang…
Ông ngạc nhiên:
- Chào cháu. Nhưng Bình nào, cháu tìm chú có chuyện vì vậy?
Có tiếng thở dài cố nén ở đầu dây bên kia:
- Chú ơi! Chuyện dài lắm. Xin chú cho cháu gặp.
- Được rồi, được rồi!
Ông bảo trực ban dẫn cô gái vào gặp ông ở phòng khách. Ông không khỏi băn khoăn lý do gì đã dẫn cô gái ở tận Bến Tre xa xôi đến vùng đồng khô cỏ cháy này. Có lẽ cô tìm thăm người thân đi bộ đội. Có tiếng gõ nhè nhẹ. Ông mở cửa. Đứng trước ông là một cô gái dong dỏng, tóc dài, đôi mắt to đen trong sáng, nước da trắng và gương mặt đỏ bừng vì nắng.
- Cháu chào chú!
Cùng tiếng chào là cái đầu hơi cúi xuống, giọng cô gái run run. Ông nhìn và đoán “cô gái không phải là người ở thành thị”.
- Thưa chú, chú có phải là chú Minh không? Cô gái e dè hỏi.
Ông Minh hơi bất ngờ, chẳng biết vì sao cô ta lại biết tên mình. Ông gật đầu:
- Cháu tìm thăm ai trong đơn vị này?
Một thoáng lúng túng hiện trên đôi mắt đượm buồn. Tiếng cô đáp:
- Không, thưa chú cháu tên là Bình, ở Giồng Trôm, cháu muốn nhờ chú…
- Cháu muốn nhờ chú?
- Dạ!
Tiếng cô gái nghèn nghẹn làm ông nôn nao. Ông khẽ thốt lên một tiếng “chà” lộ vẻ ngạc nhiên. Cô gái rón rén ôm túi xách vào lòng ngồi xuống. Thỉnh thoảng có luồng gió nhẹ thổi qua vẫn không xua nổi cái nóng. Ông rót mời cô một ly trà nóng chờ đợi.
- Chú còn nhớ một người đồng đội ở chung với chú tên Hòa không?
- Hòa! Sáu Hòa! Ông Minh nhắc lại cái tên ấy rất nhanh. Ông nghe đâu đó vi vút trong gió giọng nói quen quen của người đồng đội cũ. Thằng Hòa trắng. Vóc dáng mảnh mai như con gái, trắng như bông bưởi, đẹp trai và hiền khô.
- Hòa! Trần Công Hòa phải không? Đó là bạn chiến đấu của chú!
Nghe ông Minh nói, Bình bật dậy như lò xo, cái túi ôm trong lòng rơi tuột xuống nền nhà. Cô gái reo lên sung sướng, vẻ tự hào:
- Đúng rồi, cha cháu đó, thưa chú!
Ông Minh ngẩn người trước câu chuyện xảy ra quá bất ngờ, ông nắm chặt hai cánh tay Bình lắc mạnh. Giọng ông dồn dập:
- Cha cháu hả? Thật vậy sao? Nói đi cháu, chuyện gì xảy ra? Chú chờ nghe cháu nói.
***
Giọng trầm buồn, Bình kể:
… Năm 1967, mẹ cháu tốt nghiệp sư phạm. Ra trường, mẹ cháu trốn về vùng giải phóng xin dạy cấp I để có điều kiện gần gũi chăm sóc bà ngoại. Ông cháu đã hy sinh thời kỳ chống Pháp, gia đình có truyền thống cách mạng, nên mẹ cháu được nhận liền. Với công việc, mẹ cháu luôn đam mê, dạy mới có một năm mà chuyên môn của mẹ đã được khẳng định. Chẳng những giỏi về chuyên môn mà còn dũng cảm bảo vệ an toàn học sinh trong lớp khi pháo giặc Mỹ dội xuống làng. Cuối năm đó, mẹ cháu được bầu danh hiệu “Giáo viên giỏi”. Mẹ còn là một phụ nữ đẹp, cái đẹp của mẹ không kiêu sa, lộng lẫy như hàng phố, mà đằm thắm chân quê… Điều ấy càng làm cho mẹ cháu nổi trội với những cô gái cùng trang lứa. Vào thời kỳ ấy, người như mẹ cháu là mẫu người lý tưởng, nhiều thanh niên muốn được làm quen và xin cưới. Nhưng mẹ cháu đều từ chối khéo: “Tôi còn trẻ, còn lo chuyện nghề nghiệp và nuôi mẹ già…”. Rồi mọi tính toán của mẹ cháu đều bị đảo lộn, vì sự xuất hiện của cha cháu trong một lần về phép đặc biệt 10 ngày để chuẩn bị đi học lớp đào tạo chiến lược dài ngày ở miền Bắc. Mẹ cháu kể, buổi chiều đó, một buổi chiều mẹ cháu không bao giờ quên. Cha vai mang ba lô bước lên đò ngang sông Thủ Cửu, băng qua vườn mía. Mía trổ cờ như những bông lau trắng phau có hàng, lớp lớp, xa trông như một đại quân thời cổ xưa trùng trùng ra trận, cờ giăng phấp phới. Ở trường cũng vừa tan học, mẹ cháu đi trên đường làng thong thả để được thư giãn sau những giờ lên lớp, tay cầm hờ một cành cây tươi để che thân, phòng khi có máy bay địch bay qua dòm ngó. Bỗng một cơn giông ập đến bất ngờ. Gió thổi mạnh làm bật tung cái cặp có xấp bài kiểm tra mẹ cháu đang cầm trên tay. Những tờ giấy cuốn theo gió như một đàn chim sổ lồng. Mẹ chạy theo giành giật với gió, những tờ giấy bay tán loạn. Đúng cái khoảnh khắc ấy, cha cháu xuất hiện. Ông vội đặt ba lô xuống, rượt đuổi theo từng trang giấy. Cuối cùng cha cháu nhặt đủ các giấy tờ trong cặp trao lại cho mẹ cháu. Vừa lúc ấy mưa lại đổ xuống. Những hạt mưa to tạt vào mặt rát rạt. Cha cháu mở ba lô lấy áo mưa khoác lên người mẹ. Cử chỉ ấy làm mẹ xúc động. Mẹ cháu định nói một lời cảm ơn, nhưng lưỡi mẹ cứ ríu lại.
Mười ngày phép là mười ngày hạnh phúc của đời mẹ cháu. Từ đó, đêm nào cha mẹ cháu cũng ra ven bờ sông Thủ Cửu để trò chuyện. Đêm cuối cùng trước ngày cha cháu trở lại đơn vị, mẹ cháu khóc nhiều. Nước mắt luôn dầm ngực áo cha cháu. Đêm ấy, đời cháu đã được “định đoạt”.
Sau khi cha cháu đã đi xa rồi, thì tai họa ập xuống đầu mẹ cháu. Mặc dù vẫn biết mẹ cháu có người yêu, nhưng chú Tiến - xã đội phó người cùng xóm cứ thường xuyên đến nhà ve vãn mẹ cháu. Mẹ cháu cương quyết từ chối. Có lần nhậu say, chú Tiến đến nhà còn có những hành động sổ sàng. Mẹ cháu cự tuyệt. Không đạt được ý nguyện, chú Tiến còn hăm dọa: “Tôi sẵn sàng đánh đổi tất cả để được em…”. Tổ chức biết được kiểm điểm, chú Tiến đi chiêu hồi đầu hàng giặc, dẫn lính về nhà làm khó dễ đủ điều. Mẹ cháu phải đi lánh mặt một thời gian…
Có tiếng động khẽ bên ngoài cửa sổ. Hình như một chiếc lá bình bát vàng rơi bị gió lùa bay tạt vào vách đất. Bình dừng một lát, đầu hơi gục xuống. Tiếng Bình như nén lại, chầm chậm, xót xa.
- Ở đời khó ai lường trước được cái gì sẽ đến. Sau đó ít lâu thì bất hạnh đổ xuống. Mẹ cháu kể, lúc đầu mẹ cháu sợ thai mỗi ngày một lớn, nên thường ít lui tới chỗ đông người. Mẹ cháu sợ những ánh mắt soi mói, sợ quy trách nhiệm phá hoại công lao một năm của nhà trường để mất điểm thi đua. Vậy là mẹ cháu phải dùng vải nịt chặt quanh bụng, mặc áo rộng hơn để che mắt mọi người. Nhưng khi thai đã được bảy tháng, mẹ cháu không đủ can đảm để tiếp tục làm như thế. Nịt bụng mẹ, là trói buột con. Từ đấy, mẹ cháu không nịt, không buộc. Tháng cuối cùng, bụng to như cái nón lá úp. Con vỡ ra, rồi tiếng dữ đồn xa như một cơn lốc. Người đầu tiên gặp mẹ cháu là ông thầy Ba chủ nhiệm. Ông yêu cầu mẹ cháu phải làm kiểm điểm. Một tháng sau, mẹ cháu có quyết định nghỉ việc, lý do: vi phạm đạo đức người giáo viên cách mạng, đặc biệt đã có con với thầy chiêu hồi phản bội… Rồi mẹ cháu bệnh liệt giường, liệt chiếu. Có lúc mẹ cháu nghĩ tìm đến cái chết. Nhưng thật may, trong sự tuyệt vọng, mẹ cháu còn đủ tỉnh táo để nghĩ tới giọt máu của cha cháu. “Nó chẳng tội tình gì, chết tức là mẹ phản bội cha”. Thế là mẹ trụ lại được. Gần cuối năm 1969, mẹ cháu đã sinh cháu và đặt tên là Bình.
- Bình, có nghĩa thật! Ông Minh chép miệng.
- Bình, Trần Nguyễn Hòa Bình. Chọn tên ấy, mẹ cháu nuôi hy vọng ngày hòa bình – cha cháu sẽ về. Vậy mà chờ mãi không một tin tức, một lá thư nào mẹ cháu nhận được.
- Chiến tranh cháu à! Việc đi lại thư từ từ tiền tuyến, hậu phương hết sức khó khăn. Ông Minh cố lý giải ngắn gọn để Bình hiểu.
- Phải mất sáu năm, kể từ khi sinh cháu, tới năm 1975 giải phóng miền Nam. Sáu năm lúc cười, lúc khóc, héo mòn chờ đợi! Bình nói tiếp. Đêm nào lúc không gian thanh vắng, mẹ cháu cũng đứng như trụ đá, mắt hướng về phương xa, xa thẳm. Mẹ cháu mong cha cháu về nhận cháu là con, mẹ mới thoát được tiếng đời dị nghị. Nhưng hy vọng của mẹ cháu trở thành vô vọng. Miền Nam giải phóng, niềm vui chung quá lớn, nên đơn vị chưa tiện báo tin. Mãi đến ba tháng sau, bà nội có giấy báo tử cha cháu đã hy sinh.
- Năm 1975? Ông Minh thảng thốt hỏi.
- Dạ! Năm 1975. Nhận được giấy báo tử của cha cháu, mẹ cháu bị suy kiệt, hoảng loạn tinh thần. Lần trước, mẹ cháu đã gượng dậy vì có niềm tin, lần này thì sụp đổ hoàn toàn, mất hết chỗ dựa. Những kẻ ác ý có lý do để soi mói. Mẹ cháu ngã bệnh. Rồi mẹ quẫn trí, có lần mẹ uống thuốc độc tự tử. Thật may, người hàng xóm tốt bụng, phát hiện kip thời cứu chữa. Mẹ cháu thoát chết nhưng câm lặng từ đấy. Bà ngoại cháu đã khổ đời góa bụa, giờ lại đau nỗi đau của con. Bà thường khóc nhiều nên thân hình héo hon như cây tre khô. Bà sinh bệnh và chết. Nhà chỉ còn hai mẹ con. Mẹ cháu thì cứ như thế, sống mà như chết, gặp người là chạy trốn và run lập cập. Năm đó, cháu đang học xong cấp II, đành phải bỏ học để nuôi mẹ.
Bình ngưng kể, môi bặm lại, quay đi để giấu những giọt nước mắt.
Ông Minh im lặng. Biết đâu như vậy cũng là cách để lòng mình vơi đi nỗi đau.
Khuôn mặt Bình giống cha, nhất là cái cằm vuông, chẻ giữa, cùng đôi mắt dịu dàng ẩn chứa bên trong cái chất thôn quê hồn hậu. Duy chỉ có cái mũi hơi hếch lên một chút là dấu hiệu của sự thiệt thòi, bất hạnh. Đôi bàn tay hơi thô, chứng tỏ Bình đã làm việc cực nhọc để nuôi mẹ. Ông Minh khẽ hỏi:
- Sao mẹ con cháu không đến thưa chuyện với ông bà nội?
Bình thở dài và nói thật nhanh cùng với cái gật đầu chua chát:
- Rồi chú ạ!
- Nội nói sao? Ông ngắt ngang lời Bình.
Lần này thì Bình bật lên tiếng khóc, tiếng khóc như xoáy vào tim ông đau nhói:
- Đó là nỗi đau lớn nhất của mẹ con cháu. Tin cha cháu hy sinh đã đẩy mẹ cháu tìm đến cái chết. Nhưng khi người ta cứu được mẹ cháu thì bên nội không ai chịu nhận cháu là cháu nội, vì không có bằng chứng, bên ấy còn nói cháu là con của tên chiêu hồi. Mẹ cháu lại quỵ xuống một lần nữa.
- Ai đi qua bên nội? Ông Minh hỏi.
- Bà ngoại cháu sang khi bà còn sống.
- Còn cháu?
- Dạ, chưa lần nào.
- Vì sao?
- Năm 1975, cháu còn nhỏ, bây giờ đã lớn thì mọi việc đã khác…
- Khác gì?
- Cháu biết gia phong bên ấy. Gia đình bên nội đông con, ai cũng có gia đình riêng, con cháu đầy đàn, nên họ chẳng cần một giọt máu hoang!.
- Vì thế mà cháu không đến bên nội?
- Dạ! Nhiều đêm cháu không ngủ được, khi nhìn thấy mẹ cháu ngồi trân trân giữa bóng đêm. Máu trong người cháu sôi lên căm giận. Rồi ý nghĩ phải tìm lại nguồn gốc của mình lại trỗi lên.
- Chú ủng hộ cháu nhưng cần phải bình tĩnh. Khoa học ngày nay họ có thể giúp cháu tìm ra sự thật!.
Ông Minh nói với Bình bằng ý niệm tự tin, còn Bình thì nhìn vào một thực tế khác, đúng không đơn giản chút nào.
- Khoa học hả chú? Khoa học bao giờ cũng đúng. Nhưng có khi bất lực trước một tập tục cổ hủ.
- Đúng! Giá ngày ấy cha cháu xin hai bên được phép tìm hiểu thì mọi việc sẽ êm xuôi. Phần cháu, nếu cháu đến nội, biết đâu nội sẽ có thái độ khác. Cái huyết thống trong con người lạ lắm cháu à!.
* * *
Nhớ lại một lần, tôi và Hòa được phân công đi tải gạo. Tôi mừng, đơn vị sắp có cơm ăn, nhưng ai dè toàn bắp khô và muối hột. Đường về lại gặp mưa, mưa rừng thật khủng khiếp, gió thổi tạt vào ngàn cây, mưa phủ mặt đất, âm thanh cuồng nộ dữ dằn như chiến trận. Tôi và Hòa chạy như ma đuổi, lên một gò đất cao hạ trại. Cái đói ập đến, cồn cào, lốc cốc trong bao tử. Tôi nghe xương thịt ê ẩm, rã rời, vừa lúc Hòa móc ra trong bồng cái lon gô. Tôi mừng quýnh, nhớ ra buổi trưa chúng tôi ăn vẫn còn chừa lại một ít bắp phòng khi bất trắc. Nằm trên võng, hai đứa chuyền tay nhau bốc nhai tóp tép. Tôi cảm nhận mỗi hạt bắp là một viên thuốc thánh. Chúng tôi nhâm nhi từng hạt, muốn kéo dài thời gian sung sướng. Đêm quá dài và mưa vẫn rơi dầm dề. Chốc, chốc một cơn gió ùa qua chao động mái tăng làm nước đổ tung tóe, bắn vào mặt lạnh ngắt. Mưa ngớt dần. Tiếng vượn hú tìm đàn từ trong rừng sâu thẳm vọng ra nghe thật buồn. Tôi cố chợp mắt để quên đi cái không gian rờn rợn. Lại tiếng một con mểng “ù… trác, ù… trác” nghe đâu đây rất gần. Tôi khẽ cựa mình cho đỡ mỏi, sợ làm mất giấc ngủ của Hòa. Không ngờ Hòa cũng đang thức. Tiếng Hòa nói với qua: “Chưa ngủ à?”. Tôi đáp: “Chưa”. Hòa tiếp: “Nhớ ai vậy?”. Tôi bảo: “Nhớ nhà chứ nhớ ai!”. Hòa không nói, nhưng tôi nghe tiếng động bàn chân đi lại gần võng tôi. Tôi hình dung thấy Hòa khẽ cười. Cái cười pha chút giễu cợt: “Xạo mày. Nhớ nhà thì thằng nào hổng nhớ. Tao muốn hỏi mày cái vụ kia kìa!”. Tôi hỏi lại: “Cái gì?”. Hòa dừng chốc lát, một tiếng thở đặc quánh sau đấy. “Tao vừa nhận được thư người yêu, cô ấy đã có con”. Tôi nhổm dậy làm cánh võng chao nghiêng và hỏi liền: “Mày đã có vợ?”. “Không” – Hòa trả lời. Tôi gằn giọng: “ Vậy là con… khỉ gì?”. Tôi mệt mỏi nằm xuống nín thở chờ đợi. Đêm ấy, Hòa đã kể cho tôi nghe câu chuyện tình của Hòa bằng một giọng nao nao buồn:
- Cô ấy tên là Hạnh. Tao đã gặp Hạnh và yêu cô ấy ngay từ buổi ban đầu. Đêm ấy, tao và Hạnh cùng dắt tay nhau ra ven sông trò chuyện. Ở đấy thật yên tĩnh. Trên sông, những chiếc thuyền xé nước ngược dòng và từ mạn vàm Hàm Luông tràn về bồng bềnh mảng tre, mảng gỗ. Tiếng mái chèo rẽ nước trong đêm. Xa xa, ngoài khu vực thị trấn Giồng Trôm, thỉnh thoảng vang lên tiếng súng ì ầm của bọn lính gác đêm. Tiếng nổ của súng trọng liên 12ly7 của bo bo Mỹ vạch trời đêm, vút lên những vạch lửa đỏ lừ như máu.
Đêm cuối cùng trước khi trở về đơn vị đã đến. Chưa bao giờ thời gian lại tàn nhẫn như thế! Tao cầm tay Hạnh len lỏi qua hàng dừa xiêm. Tháng mười bông dừa trổ trắng, phấn dừa bay bay theo gió ngát hương. Dọc sát mép sông dài tít tắp, Hạnh bắt tao dừng lại và bảo tao nhắm mắt. Hạnh nói: “Em cấm anh không được đi đâu”. Hạnh mất hút đi một lúc, sau đó đến nắm tay tao dắt đi. Tao dò dẫm đi theo. Tao đếm thầm trong bụng được mười lăm bước chân rồi dừng lại. Hạnh bảo tao mở mắt. “Đẹp quá!” – tao khẽ reo lên. Hạnh hái bông dừa xếp thành hình hai trái tim chồng lên nhau. Cô ấn tao ngồi xuống, ghé sát vào tai tao thủ thỉ: “Để anh nhớ em suốt đời, mai đây anh có đi đâu, dù vinh hoa phú quý, anh cũng luôn nghĩ về quê, nhớ cái mùi thơm của bông dừa, xứ dừa Bến Tre!...”. Đêm ấy, tao đã say. Tao say cái chất quê quyến rũ như toát ra từ hơi ấm của đất. Và Hạnh đã “cho tao tất cả…”.
Chuyện Hòa kể tôi nghe như trong tiểu thuyết. Với ai thì khác, với Hòa tôi tin. Nghĩ vậy, tôi xoay người về phía Hòa nói: “Tao mừng cho mày, Hòa ạ! Nhất định mày sẽ có một đứa con”. Hòa bỗng đấm vào vai tôi:
- Ngày hòa bình, đứa nào còn sống phải tới thăm gia đình đứa kia. Lỡ tao có hy sinh, mày phải tìm Hạnh và mày hãy xác minh với mọi người, đứa bé kia là con của tao! Nhớ chưa?.
Tôi mắng Hòa: “Đừng nói bậy…”. Vừa lúc có tiếng gà rừng gáy te te bên kia suối. Trời sắp sáng.
Năm tháng sau, tôi và Hòa học xong được phân công về Quân khu 8 nhận nhiệm vụ ở đoàn B70 đặc công. Tháng 3-1970, đoàn chúng tôi xuống chiến trường Kiến Phong, Kiến Tường và Mỹ Tho tham gia chiến dịch ABC. Quần nhau với địch hơn một năm trời.
Trong trận đánh khu biệt kích chi khu Sầm Giang (Vĩnh Kim), Hòa bị thương vào phổi, xuồng chuyển Hòa qua sông, trực thăng địch phản kích bắn chìm xuồng. Hòa đã hy sinh. Ngay buổi sáng hôm đó, đơn vị tổ chức chôn cất Hòa. Ngày hôm ấy, trời bất thần đổ mưa, mưa tầm tã suốt ngày đêm.
Với tinh thần chiến đấu dũng cảm hy sinh. Hòa được đơn vị đề nghị tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba.
* * *
- Chú Minh - Tiếng Bình gọi làm ông Minh sực tỉnh.
- Ờ..., làm sao cháu biết chú ở đây mà đến?
- Cháu nhờ cái này.
Bình lấy ra một tấm ảnh đen trắng đưa cho ông Minh. Ông Minh sửng sờ và bật lên tiếng kêu khe khẽ: “Hòa!”. Đó là tấm ảnh ông Minh và Hòa chụp chung ở Tà Nu (CPC) trước lúc xuống chiến trường. Ảnh bị nhòe đi nhiều chỗ. Hai khuôn mặt trẻ măng, nụ cười rạng rỡ. Sau ảnh có viết chữ đề tặng: “Kỷ niệm một thời để nhớ - Lê Hùng Minh – Bình Khánh, Mỏ Cày, Bến Tre”.
- Chữ chú phải không?
- Ừ, chữ chú, chữ chú cháu ạ!
Cháu coi tấm ảnh như là báu vật, vì ngoài nó ra cha cháu không để lại một thứ gì. Cháu chỉ còn hy vọng duy nhất vào tấm ảnh này, vào bút tích của chú. Cháu tin ở chú, chú nhất định sẽ biết mọi bí mật của cha cháu. Chú sẽ xác minh được nguồn gốc của cháu. Thế là cháu đi. Cháu gởi mẹ cháu lại người hàng xóm chăm sóc. Cháu nhảy xuống đò máy đi Mỏ Cày, đến địa chỉ xã Bình Khánh. Nhưng gia đình nói chú đang đi công tác ở Mỹ Tho và còn cho biết địa chỉ đơn vị đóng quân. Nhờ vậy cháu đi tới được đây.
Ông Minh rơi người xuống ghế, ôm đầu:
- “Trời ơi! Vô tình tôi trở thành kẻ hời hợt. Tôi cũng còn giữ địa chỉ quê quán của Hòa. Chiến tranh kết thúc, tôi bận bịu công tác ở Mỹ Tho. Do yêu cầu công tác, tôi chuyển nhiều đơn vị. Tôi sang công tác giúp bạn Campuchia… Vâng! Tôi có nhiều lý do để biện hộ cho sự chậm trễ của mình. Nhưng làm gì. Tôi không giữ được lời hứa với Hòa: “Ngày thống nhất, đứa nào còn sống nhớ về quê thăm nhau”. Hòa đã hy sinh. Tôi còn sống. Tôi có lỗi với Hòa, tôi có lỗi…”
Bất ngờ, ông Minh quay sang Bình.
- Ngày mai, chú về Bến Tre, chú về thăm mẹ cháu!
Bình bỗng bật khóc tức tửi. Ngoài kia, gió tạt vào hàng bạch đàn, lá khẽ lao xao. Nắng đã dịu dần, nhưng cái nóng vẫn còn oi bức…