Lá thư đặc biệt của cuộc vượt ngục đặc biệt

30/10/2009 - 08:15

Khi còn đương chức, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Vị được nghe CCB Nguyễn Nốp kể về cuộc vượt ngục lịch sử ở Pleiku. Vì chỉ nghe một phía, chưa có tài liệu kiểm chứng nên ông chưa cho công khai sự kiện lịch sử trên phương tiện truyền thông. Sau khi nhận được tài liệu của Bảo tàng Gia Lai, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Vị và nhà báo lão thành Lê Chí Nhân được Nguyễn Nốp kể lại sự việc trùng khớp với các nhân chứng sự kiện và khớp với tài liệu chưa kịp tiêu hủy của địch.
Cuộc vượt ngục độc nhất vô nhị trong lịch sử các nhà tù Mỹ-Diệm ở miền Nam trong thời kỳ đen tối là một kỳ tích và là niềm tự hào của vùng đất Pleiku. Sự kiện lịch sử ấy cũng đáng được người dân xứ dừa hãnh diện. Bởi lẽ, lập nên kỳ tích vượt ngục có tới 86/93 tù nhân là người yêu nước của Bến Tre!
Một trong những điều lý thú của sự kiện này là lá thư đặc biệt của những người vượt ngục gởi cho Đại tá Đỗ Cao Trí – Tư lệnh Quân khu III (Vùng III chiến thuật) – một việc làm chưa từng có của các cuộc vượt ngục. Điều đặc biệt là bức thư đã chứng tỏ cuộc vượt ngục qui mô lớn được chuẩn bị  bí mật, công phu của một kế hoạch hoàn hảo. Bức thư còn thể hiện sự tấn công ba mặt về chính trị, vũ trang và binh vận, đồng thời tỏ rõ sự cao thượng của những người yêu nước…

Tài liệu được cung cấp từ Bảo tàng Gia Lai của Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ cho biết:
 “Cuộc vượt ngục thành công đã khiến cho ngụy quyền Pleiku và Sài Gòn rúng động. Liên tiếp trong các ngày 8, 9 và 12-6-1958, Tỉnh trưởng Pleiku đã có ba mật điện gởi về thủ phủ. Tại Pleiku, ngay buổi chiều cuộc vượt ngục, một trung đội lính bảo an được phái đi ứng cứu, nhưng “đối phương” đã rút lui mất tăm dạng từ lâu. Hai mươi ba giờ cùng ngày “được tin phi báo”, viên Đại úy chỉ huy Trung đoàn 181 có mặt tại hiện trường và “nhặt” được một lá thư đặc biệt của những người vượt ngục.
Theo tài liệu của địch thì những ngày sau đó “Bộ Tư lệnh Quân khu III đã quyết định mở ngay một cuộc hành quân truy nã, lục soát” khắp nơi. Chia làm hai cánh, lực lượng này gồm: Tiểu đoàn 25 pháo binh (200 người), 2 đại đội quân số đầy đủ, 1 trung đội bảo an… Tuy vậy, đạo quân hùng hậu này đã không tìm được dấu vết những người vượt ngục. Sau 5 ngày lùng sục, tài liệu địch thừa nhận, chúng không thu được một kết quả nào đáng kể ngoại trừ việc nói đã bắt lại được một người, mà chúng cho đó là “chính trị phạm Nguyễn Văn Bảy”, hồi 5 giờ chiều ngày 10-6-1958. Có đúng là ông Bảy bị bắt sau 3 ngày đào thoát không? Vấn đề này sẽ được tìm hiểu sau. Bây giờ xin quay lại với lá thư đặc biệt.
Lá thư không phải dành cho đồng đội, gia đình hay bạn bè mà đây là thư tập thể tù chính trị viết và “kính gửi”… Đại tá Đỗ Cao Trí, Tư lệnh Quân khu III (sau này Đỗ Cao Trí lên cấp tướng, ngoài Tư lệnh QK III Vùng III chiến thuật, còn kiêm thêm Tư lệnh chiến trường Cao Miên). Bức thư có văn phong trong sáng, lập luận chặt chẽ và không kém phần bay bướm được mở đầu một cách lịch sự, như sau:
Thưa Đại tá Tư lệnh,
Viết bức thư này, chúng tôi rất tin tưởng rằng nó sẽ đến tận tay Đại tá và nhờ đó chúng tôi hy vọng rằng: Đại tá sẽ thấu rõ ràng hành động vừa qua của chúng tôi mà xét lại và thông cảm.
Khi Đại tá đang xem thư này, chắc chắn chúng tôi sẽ được an toàn trên lãnh thổ Cambodge và theo chúng tôi hiểu đó là một nước trung lập hay cũng có thể nói họ nghiêng về phe dân chủ hơn. Chúng tôi tin tưởng một cách tuyệt đối như thế nên có quyết định rõ ràng là vượt ngục.
Như vậy là kế hoạch vượt ngục đã được chuẩn bị chặt chẽ và những người tù hoàn toàn tin tưởng vào sự thành công của hành động này. Ở đoạn tiếp theo, sau khi khẳng định những người yêu nước “với ý chí sắt đá”, “bầu nhiệt huyết sôi trào” đã “đứng lên chống đế quốc Pháp, một việc làm hết sức vĩ đại, thiêng liêng, cao cả, vinh dự”, khiến “đế quốc quân đội Pháp rút ra khỏi đất nước thân yêu của chúng ta nói chung”, lá thư kết tội chế độ Sài Gòn độc ác, hứa lèo:
Hiện giờ đây chúng tôi lại bị Chánh phủ Quốc gia bắt cầm tù, đau đớn làm sao! Ai có thể ngờ đâu? Bây giờ giữa lúc non sông phong yên đã vắng lặng, súng đạn đã ngừng bặt (…). Ơn không đền bù mà trái ngược lại khổ phải vào thân, biết bao nhiêu cực hình đọa đày suốt 2, 3 năm trời trong gông cùm xiềng xích (…). Lúc ở tỉnh nhà đã 2, 3 lần Chánh phủ hứa trả tự do cho chúng tôi (…).
Biết bao nhiêu những lời hứa hão huyền, lời nói suông thử hỏi làm sao gây cho chúng tôi một định kiến an lòng hy vọng ở tương lai, ở ngày đoàn tụ gia đình được? Thêm một phần nữa là về công việc tạp dịch hàng ngày từ sớm tới chiều, mưa cũng như nắng, mùa rét hay mùa hè, với áo quần rách tả tơi bẩn thỉu, dở sống dở chết, tất cả chúng tôi đều phải nai lưng ra làm, làm để rồi mỗi ngày hưởng hai bữa cơm giá 6 đồng 20 xu với sự sinh hoạt rất đắt đỏ của cao nguyên Pleiku, mặc bệnh hoạn, mặc khổ nhọc, rách rưới. Chánh phủ chỉ đòi hỏi vơ vét lúc tàn lực của chúng tôi được phần nào hay phần ấy.
Suốt 6 tháng nay, ban đêm lại chịu phải đi làm. Thưa Đại tá, nghĩa là mỗi ngày một phạm nhân của Chánh phủ phải đi làm 18 tiếng đồng hồ.
Riêng về số người chúng tôi được đưa lên Cuty, một nơi nước độc rừng thiêng, công việc nặng nề, đau ốm hàng ngày càng thêm nhiều, thuốc men chạy chữa không có. Với bao nhiêu điểm đày đọa tàn tệ trên, thử hỏi sức mạnh nào không ngã gục, sinh lực nào không sụp đổ, cuộc đời của chúng tôi rất đen tối, tương lai mù mịt và rồi đây nó tàn tệ và chết dần mòn trong lao xá của Chánh phủ.
Chúng tôi là người hay con vật, lòng nhân vị của Chánh phủ ở đâu? Để chống lại cái chết đang hăm dọa không có lối thoát nào hơn là vượt ngục, làm việc này có phần nguy hiểm nhưng chúng tôi đã đắn đo, cân nhắc kỹ lưỡng và quyết tâm để làm, còn hơn chờ đợi cái chết từ từ tiến đến.

Có thể thấy cuộc sống của những người tù qua đoạn thư trên là hết sức cơ cực, không có tương lai. Và đến đây, “Đại tá Tư lệnh” đã có thể hiểu vì sao gần 100 tù chính trị lại quyết định nổi dậy. Tuy thế, những người vượt ngục thêm một lần nữa giải thích:

Thưa Đại tá,

Vì lý do nào thúc bách chúng tôi quyết tâm vượt ngục

1. Về tư tưởng, chúng tôi xét thấy rằng: Chúng tôi là những người chánh đáng, những người có công với Tổ quốc mà không được hưởng, trái lại còn bị bạc đãi ê chề. Như vậy là bất công, là trái với lẽ phải.

2. Về tương lai, thấy rằng ngày về của chúng tôi rất xa xôi vô định mà không còn tin tưởng vào sự giải quyết của Chánh phủ nữa, vì Chánh phủ đã có bao lần hứa hẹn suông.

3. Về vật chất, sinh lực của chúng tôi đã kiệt quệ, mỏi mòn, đang đi lần vào cõi chết mà Chánh phủ không bao giờ nghĩ đến chúng tôi bằng một tình ân ái, trái lại Chánh phủ muốn tiêu diệt lần mòn chúng tôi.

Chúng tôi đã quyết như thế.

Thưa Đại tá,

Riêng về phần kế hoạch, chúng tôi buộc lòng phải cướp võ khí, súng ống của Đại tá. Nhưng thật ra chúng tôi cũng không muốn. Nhưng vì đó là tự vệ để bảo toàn sanh mạng cho anh em chúng tôi.

Trong lúc hành động nếu rủi ro có những cuộc đổ máu không hay thì mong Đại tá hiểu cho, chúng tôi không phải dụng ý mà là rủi ro. Vì chúng tôi là những người rất ham chuộng hòa bình, đầy lòng bác ái và từ tâm!

Thưa Đại tá,

Đây là những lời tâm huyết, thốt ra tự tâm can chúng tôi, thiết tha mong Đại tá thấu triệt mà hiểu cho.

Kính chào Đại tá.

Phạm nhân công trường Cuty

Có thể khẳng định, nội dung lá thư đã được chuẩn bị kỹ càng và tác giả của nó là người có học thức, thích văn chương. Lác đác trong thư, dễ nhận ra những câu, đoạn văn biền ngẫu và khá nhiều tính từ biểu cảm. Trong thư, có 3 lần người viết dùng từ “kính gởi”, “kính thưa” và “kính chào”, 7 lần dùng từ “thưa” đối với Đại tá Đỗ Cao Trí. Điều này vừa thể hiện lịch sự cần thiết (dù là đối với kẻ thù), đồng thời cũng phần nào cho thấy tính hài hước của người chấp bút, xuất phát từ một tinh thần lạc quan vô bờ. Trong đời binh nghiệp, hẳn Đỗ Cao Trí (sau trở thành cố Đại tướng, chết vì chuyến bay định mệnh ngày 23-2-1971) cũng chỉ nhận được duy nhất một lần thư như thế này!?”.

Nếu những người tù chính trị không để lại bức thư, cuộc vượt ngục vẫn thành công như đã diễn ra. Lá thư xuất hiện một cách độc đáo và do đó, tài liệu này không chỉ giúp ta hiểu được nhiều điều đã diễn ra với các thế hệ cha anh nơi ngục tù đế quốc, mà chính bức thư vào thời điểm đó còn góp phần khẳng định uy thế của người chiến sĩ cách mạng trước quân thù.

Người dân xứ dừa cảm kích trước tấm lòng của Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ đã cung cấp tư liệu quý về hành động lịch sử của những người yêu nước Bến Tre ở công trường Cuty. Nếu sự kiện vượt ngục được dựng tượng ở Pleiku thì kỳ tích lịch sử ấy cũng rất xứng đáng được trân trọng ghi bổ sung vào Lịch sử Đảng bộ và Địa chí Bến Tre khi tái bản.

 

Hoàng An

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN