Làm báo thời công nghệ số

20/06/2018 - 06:56

Nhà báo Ngọc Trân hướng dẫn sử dụng các thiết bị công nghệ hỗ trợ trong làm báo hiện đại.

Nhà báo Ngọc Trân hướng dẫn sử dụng các thiết bị công nghệ hỗ trợ trong làm báo hiện đại.

Cách nay khoảng 10 năm, công nghệ số đã phát triển nhanh chóng báo điện tử, mạng xã hội. Điều đó đã đặt ra cho người làm báo nhiều thuận lợi cũng như những thách thức mới để thích nghi, phát triển và đáp ứng nhu cầu thông tin của xã hội. Ông Trần Cao Tư - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh cho biết: “Làm báo đa phương tiện trong môi trường công nghệ số chính là xu hướng phát triển của truyền thông đại chúng. Công chúng giờ đây không chỉ tiếp cận thông tin qua báo in hay truyền hình, với điện thoại thông minh, họ có nhiều loại hình báo chí hơn để lựa chọn. Họ quan tâm và yêu cầu nhiều hơn về độ nhanh nhạy của thông tin”.

Tận dụng công nghệ để tác nghiệp

Công nghệ ngày nay phát triển mạnh, máy ảnh, máy quay phim, cùng nhiều trang thiết bị hiện đại ra đời với nhiều tính năng, tiện lợi hơn đã giúp cho chất lượng sản phẩm báo chí ngày càng tốt hơn. Nếu như trước đây, người phóng viên tác nghiệp chỉ với bút viết, máy ảnh, máy ghi âm hỗ trợ thì ngày nay có thể làm được rất nhiều việc với một chiếc điện thoại thông minh. Theo chia sẻ từ những bạn đồng nghiệp của tôi, đối với họ, điện thoại không chỉ là thiết bị liên lạc với nghe - gọi. Điện thoại thông minh tích hợp nhiều chức năng đang hỗ trợ rất tốt cho người phóng viên trước yêu cầu tác nghiệp đưa tin nhanh.

Phóng viên có thể ghi âm bằng điện thoại, thay thế cho máy ghi âm hoặc chụp lại tài liệu, văn bản để lưu lại nhanh. Ngoài ra, điện thoại còn có thể thay thế cho sổ tay, nhiều phóng viên đã quen với việc soạn thảo tin, bài trên ứng dụng Word của điện thoại. Một đồng nghiệp cho biết, trong thời gian dự họp, chị thường tranh thủ phác thảo nội dung của tin trên điện thoại trước sau đó tự gửi email cho mình, về nhà sẽ trau chuốt lại. Như vậy tiết kiệm được thời gian thực hiện tin, bài, đảm bảo đưa tin cho đơn vị nhanh, kịp thời mà bản thân còn có thể làm được nhiều việc hơn sau đó. Nhiều điện thoại với chất lượng camera tốt còn hỗ trợ cho khâu chụp ảnh, thậm chí quay video để làm những phóng sự ảnh, quay phim tại hiện trường, đáp ứng được nhu cầu đưa tin nhanh, nhất là phục vụ tốt cho lĩnh vực báo điện tử ngày nay.

Anh Trung Trí - biên tập viên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh chia sẻ với tôi về cách số hóa tài liệu và lưu trữ trên hệ thống điện toán đám mây mà anh đã áp dụng từ nhiều năm nay. Tài liệu văn bản được chụp lại bằng điện thoại, qua phần mềm xử lý, hình ảnh được chuyển đổi thành dữ liệu chữ, được tải lên lưu trữ trên One Drive, Google Drive... Cả hình ảnh cũng được lưu trữ theo cách này, trở thành kho tài liệu di động. Khi đó, dù đi công tác xa, chỉ cần kết nối internet thì phóng viên có thể tác nghiệp được mà không cần phải mang theo nhiều tài liệu nặng nề. “Áp dụng công nghệ giúp tôi xử lý công việc linh hoạt, hiệu quả hơn. Từ đó, tiết kiệm được thời gian, tối ưu hóa sức lao động”, anh Trung Trí chia sẻ.

Ngày nay, tận dụng mạng xã hội để làm phương tiện liên lạc, trao đổi thông tin, làm việc nhóm đã trở thành cách làm phổ biến hiện nay của nhiều người. Các thành viên trong 1 đơn vị kết nối với nhau thành một nhóm (group) trên Zalo hoặc Messenger. Tại đây, sẽ dành để trao đổi thông tin, thông báo nhanh lịch làm việc, lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp các công việc cấp bách cần xử lý ngay, thông báo lịch trình, tiến độ, kiểm tra công việc, nhờ hỗ trợ, kể cả chuyển tài liệu, thư mời họp.

Có thể nói, công nghệ số đã làm thay đổi tác phong làm việc của người làm báo theo hướng nhanh, hiệu quả hơn. Người làm báo cũng trở nên đa năng hơn khi có thể đóng nhiều vai một lúc. Họ có thể là người viết báo in, là một quay phim, một nhiếp ảnh, một biên tập, mở rộng phạm vi tác nghiệp.

Tự học, tự đổi mới để phát triển

“Chúng ta có phần chậm hơn so với nhiều tỉnh khác trong khu vực. Ở nhiều tỉnh thành, cơ quan báo chí hội tụ đa phương tiện đã hình thành và hoạt động có hiệu quả với các thể loại báo in, truyền hình, phát thanh, báo điện tử. Tốc độ đăng tải thông tin, không chỉ phụ thuộc vào tay nghề của phóng viên mà còn đòi hỏi trang thiết bị hiện đại để hỗ trợ cho quá trình tác nghiệp”.

(Ông Trần Cao Tư - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh)

Trước những yêu cầu của xã hội, của nghề, người làm báo phải thường xuyên trau dồi kiến thức và rèn luyện kỹ năng để có thể phục vụ tốt cho công việc. Nhà báo Ngọc Trân, người từng công tác lâu năm tại Báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ cho biết: “Người làm báo chỉ còn cách tự học, tự trang bị cho mình kỹ năng nghề, phải tự học để biết được cách làm, biết được các công nghệ hiện đại, cách ứng dụng nó để tác nghiệp hiệu quả”.

Tháng 4-2018, nhà báo Ngọc Trân đã được mời hướng dẫn cho trên 30 phóng viên trẻ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long về “Kỹ năng viết tin, bài hiện đại”. Tại lớp, ông cũng đã giới thiệu cho các phóng viên trẻ một số trang thiết bị phục vụ cho nghề báo hiện đại. Đây là lớp tập huấn do Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh Vĩnh Long tổ chức.

Thời gian qua, Hội Nhà báo các cấp cũng đã tổ chức nhiều hội thảo, tập huấn, các lớp nghiệp vụ nhằm trang bị kỹ năng làm báo cho hội viên, người làm báo với các chuyên đề về báo chí và mạng xã hội trong môi trường truyền thông số, về kỹ năng làm báo đa phương tiện trong môi trường công nghệ số...

“Đó là những hoạt động cho thấy sự quan tâm của tổ chức hội trong trang bị cho hội viên kỹ năng, kiến thức để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc ngày nay. Người làm báo cần phải tự trau dồi, học hỏi, làm chủ công nghệ để đáp ứng tốt cho nhiệm vụ là người đưa tin, định hướng dư luận xã hội trong thời công nghệ số”, ông Trần Cao Tư cho biết.

Ông Trần Cao Tư cũng lưu ý thêm, việc cạnh tranh về tốc độ thông tin đã nảy sinh những mặt trái của nó chính là thông tin được đăng tải vội vàng, thiếu sự cẩn trọng trong thẩm định chất lượng, tính chính xác và cả hiệu ứng trong dư luận xã hội. Người đưa tin cần phải thẩm định nguồn phát thông tin có uy tín, để tiếp nhận, xử lý và đưa tin cho đúng, có trách nhiệm. Không chạy theo vấn đề để giật tít nhằm thu hút sự chú ý, quan tâm của bạn đọc. Cần suy nghĩ đến thông tin mình đưa có ích gì cho xã hội, cho người tiếp nhận không hay làm xấu đi tình hình dư luận xã hội.

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN